Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam ban hành nhiều quyết sách thiết thực, phù hợp

TRỊNH DŨNG 16/08/2024 08:25

Các nghị quyết về điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hay các chính sách về lễ tang, hỗ trợ hưu sớm... đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa X (ngày 14/8/2024).

img_8752.jpg
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang phát huy hiệu quả.

Thiết thực, kịp thời và hợp lý

Toàn bộ các khối nhà tại Trung tâm đào tạo Nam Quảng Nam chưa được đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhà vệ sinh. Hai cơ sở của Trường Cao đẳng Quảng Nam là giảng đường B (431 Hùng Vương) và 224 Huỳnh Thúc Kháng không có nhà vệ sinh cho học sinh, sinh viên học tập tại các giảng đường này. Thiếu hệ thống PCCC hoặc đã được xây dựng, nhưng đã sử dụng từ rất lâu, nhiều năm không được sửa chữa, cải tạo, đã xuống cấp trầm trọng.

Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam nói, các công trình xây dựng trước đây đều không có hạng mục PCCC. Mỗi khi kiểm tra, công an đề xuất phạt mỗi lần từ 30-40 triệu đồng. Không có nhà vệ sinh riêng cho học sinh, sinh viên. Việc chấp thuận xây nhà vệ sinh, hệ thống PCCC thực sự là điều hợp lý và bức thiết trong lúc này của dự án.

Dự toán kinh phí thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã được giao chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án (vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) cho từng sở, ban, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, có nhiều dự án không thể thực hiện được, buộc phải điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2024 và dự toán ngân sách chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024. Nếu không điều chỉnh, nguy cơ nhiều dự án không thể thực hiện được và mất vốn.

Dự án “Đường nội thị phía Tây thị trấn Prao” (Đông Giang) đã triển khai từ lâu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, trên tuyến xuất hiện nhiều điểm sạt, trượt. Mưa lũ kéo dài đã phá hủy mái taluy ở một số vị trí, gây sạt lở đất xuống nền đường.

Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói dự án cần phải bổ sung một số hạng mục để bảo đảm an toàn, tăng tính ổn định, chống nguy cơ sạt lở, phù hợp với thực tế và phát huy hiệu quả đầu tư.

Dự án “Khu dân cư trung tâm xã Bình Dương, giai đoạn 2” và “Trạm biến áp 110 kV Tiên Phước” bị vướng đất rừng, không thể triển khai được.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, các dự án này hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn này. Dân trong vùng dự án có nơi ở mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án, từng bước hoàn thiện quy hoạch và phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại.

Còn dự án điện sẽ cung cấp điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất Tiên Phước cùng vùng lân cận. Kích cầu các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất hay thu hút đầu tư tại địa phương.

DAT RUNG 2
Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đầu tư tại Bình Dương (Thăng Bình) là cấp thiết và hợp lý.

Không chỉ giải quyết việc điều chỉnh kế hoạch vốn hay bổ sung danh mục đầu tư thiết thực, hợp lý cho các dự án, chương trình, các cơ chế, chính sách cũng được đưa lên bàn nghị sự.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ mới nghỉ công tác, ngoài chế độ, chính sách chung sẽ có thêm sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, như sự động viên thiết thực. Gần 30 tỷ đồng cho số người này không lớn so với nguồn lực của địa phương.

Chuyện hiếu cũng là điều được đề cập. Kể từ khi đưa ra tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X chưa được thông qua thì Quy chế lễ tang cán bộ, công viên chức đã được thông qua tại kỳ họp lần này.

Làm thế nào để thực thi hiệu quả?

Điều quan trọng hơn hết là chuyện thực thi. Ông Bling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói, khi xây dựng đề án tổng thể chung không thể lường trước được các khó khăn. Nhưng cũng phải phân định rõ tại sao khi có hướng dẫn của Trung ương mà các địa phương không rà soát lại, trách nhiệm thuộc về ai cần làm rõ.

img_8786.jpg
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được hỗ trợ từ các chương trình.

“Vốn xác định thông qua rồi, sẽ phân bổ sớm, nhưng xem lại khi tổ chức thực hiện có giải ngân được hay không, từ định mức, cơ chế, đối tượng thụ hưởng có vướng nữa hay không? Nếu như cũ thì Chương trình MTQG cũng sẽ đứng bánh” - ông Bling Mia nói.

Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải cụ thể trong việc kiểm tra, xác định vị trí, ranh giới đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa.

Đồng thời phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy định về biên giới đất liền và trồng rừng thay thế. Không làm ảnh hưởng đến đất rừng và rừng ngoài phạm vi được quyết định.

HĐND tỉnh đã chuẩn y; tuy nhiên, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh cũng khuyến cáo những vấn đề cụ thể. Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nói, vốn Chương trình MTQG đã được phân bổ trong dự toán hằng năm.

Không tiêu được vì khó hoặc không có đối tượng giải ngân. Một khi các địa phương đã xác định không còn đối tượng đầu tư thì sau này có đề nghị lại, có tiền cũng sẽ không được cấp, không được đầu tư gì nữa.

Những khó khăn phát sinh từ thực tế, chuyện quy trách nhiệm hoặc rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các Chương trình MTQG là điều cần phải được tiến hành.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói các cơ quan, địa phương cần làm rõ trách nhiệm trong việc đề xuất danh mục, nội dung các dự án thành phần, phân bổ nguồn vốn không phù hợp nhu cầu thực tế địa phương.

Đánh giá kỹ hiện trạng các công trình, tính cấp thiết đầu tư, nâng cấp, sửa chữa của từng công trình để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư. Khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, cam kết giải ngân hết nguồn vốn được giao hoặc điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam ban hành nhiều quyết sách thiết thực, phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO