(QNO) - Thực hiện Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, ngành VH-TT&DL Quảng Nam và các địa phương đã triển khai nhiều nội dung, hoạt động thiết thực bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
UBND huyện Đông Giang vừa tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật nói lý, hát lý cho 65 học viên là đồng bào dân tộc Cơ Tu xã Mà Cooih. Sự kiện là hoạt động tiếp theo sau những chương trình khôi phục, giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm nói lý, hát lý; múa tâng tung da dá và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, kết hợp với xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn như thành lập câu lạc bộ nói lý, hát lý tại 11 xã, thị trấn, huyện; tổ chức sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa về kiến trúc xây dựng gươl, moong, nhà ở, chòi rẫy (zơng), kho lúa (crơlăng), nhà mồ (ping); nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc, chạm trổ gỗ… sưu tầm, ghi âm các bài tế, cúng của người Cơ Tu nhằm lưu giữ bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Quảng Nam hiện có khoảng 140.590 đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh), cư trú chủ yếu tại 74 xã thuộc 11 huyện. Trong đó, có 4 dân tộc định cư lâu đời, tổng số dân khoảng 132.060 người, gồm Cơ Tu (55.091 người), Xơ Đăng (47.268 người), Giẻ-Triêng (23.222 người) và dân tộc Co (6.479 người). Phần lớn dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện trung du và miền núi phía tây của tỉnh. Một số huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số đông như như Tây Giang (91,4%), Nam Trà My (91,1%), Đông Giang (80,2%), Phước Sơn (72,1%).
Ngày 30/10/2019 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Cụ thể hóa Kết luận 65 của Bộ Chính trị, nhiều văn bản, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã được ban hành làm cơ sở cho các địa phương, trong đó có Quảng Nam triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả.
Kết quả tích cực
Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng đến khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan với nhiều nội dung, hoạt động thiết thực, kết quả đạt được khá rất rõ nét. Riêng trong năm 2023 và 2024, Sở VH-TT&DL đã tổ chức 5 lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ đinh tút của đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng (nhóm Tà Riềng) tại huyện Nam Giang; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình nghệ thuật điêu khắc gỗ đồng bào Cơ Tu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang
Tổ chức phục dựng, tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm Ve) tại xã Đắc Pre (Nam Giang); phục dựng, tái hiện lễ mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia (Hiệp Đức); khảo sát thực trạng nhà làng truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Cạnh đó, cũng triển khai các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại 3 huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào thiểu số và miền núi của tỉnh; xây dựng trailer quảng bá du lịch miền núi Quảng Nam…
Ngoài ra, hầu hết địa phương thụ hưởng Dự án 6 cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung của dự án. Đó là cải tạo, nâng cấp làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, Làng Văn hoá – Du lịch cộng đồng thôn Pơr’ning (xã Lăng) và thôn Ta Lang (xã Bha Lêê); mua sắm và cấp bộ trống, chiêng cho các thôn ở 10 xã trên địa bàn huyện Tây Giang.
Huyện Đông Giang hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa các hạng mục phục vụ điểm du lịch thôn Aréh - Đhrồng; tổ chức tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và múa tâng tung da dá; trang bị trống chiêng cho đội văn nghệ các thôn thuộc các xã huyện… Huyện Nam Giang hỗ trợ âm thanh, cồng, chiêng cho các tổ, thôn trên địa bàn; phục dựng nghi thức lễ mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng tại xã Đắc Tôi; tổ chức phục dựng lễ cưới của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing…
Huyện Nam Trà My tổ chức phục dựng lễ cúng máng nước của dân tộc Ca Dong tại làng Làng Lê (thôn 2, xã Trà Don) và tại làng Măng Gry (thôn 1, xã Trà Vinh)…; tổ chức lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng của 3 dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Mnông; hỗ trợ trang phục truyền thống của 3 dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng và Mnông…
Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, việc triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 6 trên địa bàn tỉnh thời gian qua mang lại ý nghĩa rất thiết thực, góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng…
Đặc biệt, thông qua việc truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, phục dựng các lễ hội và các phong tục tập quán của mỗi dân tộc đã tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại huyện miền núi của tỉnh.