Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cam kết trước Tổ công tác số 1 của Chính phủ, Quảng Nam sẽ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% khi niên hạn đầu tư kết thúc. Cam kết này thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền trong việc kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giám sát chặt từng dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Nỗ lực thi công
Không phải chờ đợi quá lâu để thấy kè bảo vệ khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An đến An Bàng (Hội An) lộ diện dưới mặt nước biển, cách bờ biển 250m. Bờ biển từng sạt lở, lộ ra những hốc cát sâu hoắm đã “tìm thấy” hình dáng ban đầu xưa kia, nới rộng gần 100m.
Kỹ sư Đào Tô Văn - Chỉ huy trưởng công trình Dự án “Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (từ UBND phường Cẩm An đến An Bàng (Hội An)” cho hay, công trình đã hoàn thành ngày 25/9/2024, đúng thời hạn cam kết. Nhà thầu đang chờ thanh toán các phần còn lại sẽ quyết toán hoàn thành dự án.
Nhịp điệu thi công sôi động vẫn đang diễn ra trên công trường cầu Vân Ly. Kỹ sư Đào Hồng Ngọc - Phó chỉ huy trưởng công trình nói, kết cấu hạ bộ, mố trụ đã xong 100%. Khối lượng xây lắp đã đạt hơn 80%. Tháng 12/2024 sẽ hoàn thành cơ bản kết cấu chính của cầu, hợp long cầu lần cuối cùng, nối từ bờ này sang bờ bên kia sông. Riêng đường dẫn phụ thuộc vào mặt bằng, dự kiến hoàn thiện cầu trước Tết Âm lịch 2025.
Không phải dự án đầu tư nào cũng hanh thông như hai dự án của Tập đoàn Đạt Phương kể trên. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố đến hết ngày 30/9/2024, vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) chỉ mới giải ngân đạt 41,41% (kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân đạt 39,4% và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài đạt 49,1%).
Tỷ lệ giải ngân thấp, không đạt tiến độ theo như kế hoạch; thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (52,99%).
UBND tỉnh quyết định thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Các cuộc kiểm tra thực tế tại 17 đơn vị, địa phương đã nhận thấy việc giải ngân chậm phụ thuộc nhiều vào giải phóng mặt bằng, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu hạn chế; khó khăn trong hoàn thiện thủ tục đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, đấu thầu dự án.
Nhiều địa phương chưa bảo đảm được việc cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án đầu tư công do thị trường bất động sản biến động. Kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất tại các địa phương chậm hoặc chưa triển khai...
Ngoài ra, nhiều khó khăn, vướng mắc khác gặp phải khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp như: do thời tiết miền Trung bất lợi, ảnh hưởng tiến độ thi công trên thực địa, khan hiếm, thiếu hụt đất đắp nền, cát xây dựng.
Các nhiệm vụ, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia chồng chéo văn bản, thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền...
Một khó khăn “đặc thù” cũng được đề cập là bộ máy chưa được kiện toàn. Chuyện này cũng đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thông hiểu cho địa phương trong cuộc làm việc vừa qua.
Cam kết giải ngân 95%
Thừa nhận giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cam kết trước Tổ công tác số 1 của Chính phủ là sẽ giải ngân 95% khi kết thúc niên hạn đầu tư năm 2024.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói đã nhận diện được những khó khăn, vướng mắc trong tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sẽ chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn. Tỷ lệ giải ngân hiện tại thấp, nhưng hy vọng sẽ tăng nhanh trong các tháng còn lại của năm, để đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất.
Chính quyền Quảng Nam xác định tăng cường giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Hàng loạt yêu cầu, giải pháp để có thể đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất (hơn 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) đã được đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các địa phương phân công cụ thể lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền trực tiếp phụ trách đứng điểm. Định kỳ (2 tuần/lần) theo dõi, đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân các dự án trọng điểm, có kế hoạch vốn lớn để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án cụ thể. Tăng cường công tác dân vận, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở địa phương.
Một trong những giải pháp cần thiết nhất hiện nay là các chủ đầu tư chủ động kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án cụ thể.
Tính toán, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án bảo đảm khối lượng, có thể giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024, điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn. Kế hoạch này sẽ phải được hoàn tất, trình kỳ họp HĐND tỉnh ngay trong cuối tháng 10/2024.
Việc kiểm tra, giám sát hiện trường quản lý, giải ngân, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức quản lý đầu tư công chuyên nghiệp sẽ được tăng cường, kèm theo sẽ xử phạt nghiêm các nhà thầu vi phạm hợp đồng thi công. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dự án, giám sát để có thể báo cáo tiến độ nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
“Các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình giải ngân. Nêu rõ khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án cho Sở KH&ĐT theo dõi, giám sát, tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công.
Các dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn tồn đọng kéo dài, yêu cầu các chủ đầu tư tích cực tháo gỡ. Nếu không thể tiếp tục triển khai, thực hiện thì đề xuất dừng dự án hoặc thu hẹp quy mô dự án để quyết toán dự án hoàn thành” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.