Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam chủ động thu hút đầu tư

TRỊNH DŨNG 09/05/2024 17:22

“Tạo cơ hội thay vì chờ đợi nhà đầu tư tìm đến” là kế hoạch Quảng Nam xúc tiến, tìm kiếm những nhà đầu tư chất lượng, mở rộng năng lực hấp thụ dự án đầu tư bằng cơ chế, chính sách hợp lý.

xuc-xuc-4-.jpg
Ký kết biên bản ghi nhớ với đoàn California (Hoa Kỳ) tháng 8/2023.

"Khoảng trống" xúc tiến

Cuộc trao đổi trực tuyến giữa UBND tỉnh Quảng Nam với Hiệp hội châu Âu Việt Nam (Euro Cham) hồi đầu tháng 6/2022 hay cuộc gặp gỡ giữa Quảng Nam và đoàn quan chức, doanh nghiệp lớn của bang California (Hoa Kỳ) chiều tối 3/8/2023 hoặc tham dự sự kiện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức hội thảo mở rộng hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào miền Trung Việt Nam chiều 24/11/2023 tại Đà Nẵng được xem như là những cuộc “xúc tiến” đầy bất ngờ của địa phương.

Không một dự án đầu tư hay thương vụ nào được ký kết (trừ hai biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Trường Hải ký với thành phố Oakland), nhưng 50 dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư từ Quảng Nam đưa ra, hy vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác song phương, từ đầu tư đến kết nối giao thương giữa địa phương với các đối tác thế giới.

Tuy nhiên, các sự kiện trên chỉ là phần ít ỏi. Việc xúc tiến đầu tư gần như là “khoảng trống” đã phần nào hạn chế việc thu hút đầu tư.

Tại buổi làm việc với Sở KH-ĐT vào cuối tháng 4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, tiềm năng địa phương rất lớn, nhưng chuyện xúc tiến, thu hút đầu tư ngoài nguồn lực đầu tư công còn yếu. Quảng Nam cần chủ động xây dựng phim tài liệu về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương, cập nhật, quảng bá cho các nhà đầu tư được biết. Sẵn sàng tập trung cho công tác xúc tiến đầu tư, quan tâm thu hút đầy đủ các nguồn lực. Tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài. Cần tham mưu kế hoạch cụ thể trong thời gian đến, phối hợp với Sở Ngoại vụ để tham mưu cụ thể tổng hợp tài liệu, lộ trình xúc tiến, liên hệ chuẩn bị đi đến nơi các nhà đầu tư có tiềm lực. Quan trọng nhất là mỗi chuyến đi, đợt xúc tiến đều phải có sản phẩm, các dự án đầu tư cụ thể.

Theo Sở KH-ĐT, giai đoạn 2022 - 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, địa phương chỉ cấp phép cho 109 dự án (93 dự án đầu tư nội địa và 16 dự án FDI).

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu, đề xuất dự án, nhưng do vướng quy hoạch tại các địa phương và hiện trạng sử dụng đất bố trí cho các dự án chưa rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư chưa thể nghiên cứu để đầu tư vào địa phương.

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, kế hoạch xúc tiến đầu tư không như kỳ vọng. Một trong các lý do được nhắc đến là chủ trương của địa phương ưu tiên các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước; không tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; hạn chế hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài... “Không có hoạt động tạo dựng bề nổi, gây tiếng vang để đánh động sự quan tâm, thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước. Sự vụ này phần nào đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư” - ông Thử nói.

Không chỉ thiếu vắng các cuộc xúc tiến, việc kiểm soát chặt chẽ năng lực nhà đầu tư, không còn tình trạng cấp phép ồ ạt như trước hay những thông tin tiêu cực về địa phương... đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Ngoài ra, không ít quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường còn khác nhau, thiếu đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư chậm, dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc trong việc giải quyết thủ tục đầu tư... ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Các địa phương cũng thiếu chủ động lập quy hoạch các dự án đầu tư, khi nhà đầu tư đặt vấn đề tìm hiểu thì mới điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Hiện trạng sử dụng đất bố trí cho các dự án chưa cụ thể, không thể xác định được phần đất nhà nước quản lý để xác định phương thức lựa chọn nhà đầu tư... Các ách tắc này đã khiến việc xúc tiến hay thu hút đầu tư càng khó khăn hơn.

xuc-xuc-3-.jpg
Sự kiện "Xúc tiến đầu tư" do Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức.

Thay đổi tư duy, phương thức xúc tiến

Kể từ hội nghị xúc tiến đầu tư mở ngày 26/3/2017, tiến hành nhiều cuộc tiếp thị, mời gọi, xúc tiến tại các diễn đàn, hội nghị kinh tế vùng miền cũng như tại các nền kinh tế lớn khu vực gồm Nhật, Hàn, Thái, Đức hay với các thương hội Âu, Mỹ, đã trở thành chất xúc tác cực mạnh kéo các nhà đầu tư tìm đến Quảng Nam. Thu hút đầu tư mạnh đã giúp Quảng Nam lần đầu tiên lọt vào các tỉnh, thành “chuyển ngược” ngân sách về Trung ương kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, hạn chế xúc tiến và thu hút đầu tư, không có thêm nhiều năng lực mới tăng thêm, đã khiến địa phương bắt đầu lâm vào cảnh luôn “lo sợ” thu ngân sách không đạt và tăng trưởng GRDP đã bị giảm đến 8,25% vào năm 2023.

Ngân sách ngày càng eo hẹp. Sự cạnh tranh thu hút đầu tư diễn ra ngày càng khốc liệt hơn đã buộc địa phương phải thay đổi tư duy xúc tiến đầu tư.

Quảng Nam đã xây dựng được các danh mục dự án tương đối đầy đủ, bao quát trên mọi lĩnh vực (khoảng 200 dự án, 50 dự án ưu tiên thu hút đầu tư). Kế hoạch xúc tiến đầu tư thống nhất chủ trương “Tạo cơ hội thay vì chờ đợi nhà đầu tư nước ngoài tìm đến”.

Chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án trọng điểm, vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh vượt trội của tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Thử đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở KH-ĐT nghiên cứu chọn lọc ra khoảng 30 nhà đầu tư chiến lược, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và 5 tổ chức, hiệp hội quốc tế cần tiếp cận để tham mưu tỉnh thành lập các đoàn công tác đi làm việc trực tiếp trong giai đoạn 2024 - 2025.

Các dự án thu hút hướng đến năng lực khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành các cụm liên kết về sản xuất - chế tạo - cung ứng - dịch vụ. Riêng các nhà đầu tư nội địa, sẽ lựa chọn trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, chọn lọc 30 tập đoàn kinh tế, các công ty lớn trong nước có uy tín, có năng lực tài chính, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh để tham mưu tỉnh tổ chức các đoàn công tác đến làm việc trực tiếp trong giai đoạn 2024 - 2025.

Xúc tiến đầu tư là một quá trình lâu dài, không phải chỉ thông qua một hoặc hai chương trình, sự kiện là thấy ngay được kết quả. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư hiệu quả thể hiện môi trường đầu tư đã được cải thiện, đánh giá được năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam chủ động thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO