(QNO) - Riêng tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam hiện điều trị ngoại trú bằng thuốc ARV cho 565 người, trong đó có 9 trường hợp từ tỉnh khác chuyển đến.
BVĐK Quảng Nam hiện có 1 phòng điều trị nội trú cho bệnh nhân HIV/AIDS với đầy đủ phương tiện như bình ô xy, bơm tiêm điện, máy hút đờm…
Bệnh viện có 2 bác sĩ chuyên khoa 1 và 3 bác sĩ đa khoa có chứng chỉ khám và điều trị HIV/AIDS. Ngoài số bệnh nhân điều trị ngoại trú bằng thuốc ARV của bệnh viện, đơn vị đang điều trị cho 22 phạm nhân nhiễm HIV/AIDS (có cán bộ công an đưa đến khám, nhận thuốc…).
Việc khám, tư vấn, phát thuốc thực hiện đúng quy định. Bệnh nhân mới phát hiện nhiễm HIV được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn trực tiếp về cách sử dụng thuốc, tuân thủ điều trị, phòng lây nhiễm cho người thân…
Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp khó khăn về hóa chất để làm các xét nghiệm đo tải lượng vi rút HIV cho người bệnh điều trị HIV/AIDS theo quy định. Đa số nhân viên y tế được tập huấn đã khá lâu, chưa được tập huấn lại để cập nhật các thay đổi mới về công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.
BVĐK Quảng Nam đã kiến nghị Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về kiến thức HIV/AIDS; tập huấn kỹ năng truyền thông, giám sát, đánh giá, chăm sóc và điều trị ARV…
Được biết, Quảng Nam hiện có 767 người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS là 49 người nhiễm trên 100 nghìn dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 640 bệnh nhân HIV/AIDS đang tham gia điều trị ARV, hơn 400 người nghiện heroin điều trị bằng methadone.
Nhận định từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, Quảng Nam đã thực hiện kịp thời việc khám, xét nghiệm cho đối tượng có nguy cơ cao với HIV/AIDS. Đồng thời, cấp phát thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đầy đủ cho các đối tượng liên quan. Cùng với đó, việc phòng lây HIV từ mẹ sang con được tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt kết quả cao.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025, Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS bằng nguồn lực tự chủ ngân sách địa phương dựa trên Thông tư định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS để đảm bảo lộ trình bền vững hướng tới Chấm dứt dịch bệnh AIDS năm 2030.