Giảm nghèo - An sinh

Quảng Nam đôn đốc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

DIỄM LỆ 01/08/2024 08:15

Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt thấp, nên Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực thực hiện chương trình đang bám sát, đôn đốc các địa phương triển khai.

anh1.jpg
Các công trình đang được đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: D.L

Những vướng mắc

Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn bố trí của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2022, 2023 kéo dài sang năm 2024 tiếp tục thực hiện (chưa tính ngân sách huyện đối ứng) hơn 528,8 tỷ đồng, toàn tỉnh giải ngân mới đạt 29% (hơn 153,8 tỷ đồng). Đối với kế hoạch vốn năm 2024, giải ngân hơn 59,4 tỷ đồng/742,2 tỷ đồng (chỉ đạt 8%).

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững liên tục bám cơ sở, đôn đốc các địa phương thực hiện, đẩy mạnh tiến độ giải ngân nhưng kết quả vẫn đạt thấp do có nhiều vướng mắc.

Nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2024 cộng lại lên đến hơn 1.271 tỷ đồng, tạo áp lực rất lớn cho việc triển khai, giải ngân vốn của các sở, ngành liên quan và địa phương cấp huyện.

anh2.jpg
Từ các nguồn vốn đầu tư cho miền núi đã đẩy mạnh quá trình giảm nghèo bền vững trong thời gian qua. Ảnh: D.L

Bà Lộc nói, nguồn lực lớn nhưng việc triển khai chương trình gặp khó khi một số nội dung hướng dẫn của trung ương chưa rõ, có nội dung chưa hướng dẫn.

Một số dự án thành phần có đối tượng hỗ trợ quá ít, hoặc có nhưng không có nhu cầu để hỗ trợ do đã được doanh nghiệp hỗ trợ nên kết quả triển khai hạn chế, giải ngân thấp.

Số danh mục công trình đầu tư nhiều, phải trình HĐND các cấp theo quy định, địa bàn triển khai chủ yếu trên địa bàn các huyện nghèo, miền núi cao nên khó khăn, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, do nguồn cung cát xây dựng khan hiếm, một số nguyên nhân về giá nhiên liệu tăng... làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện xây dựng tại các địa phương.

Với từng tiểu dự án đều có khó khăn phát sinh nhiều, nên từ nay đến cuối năm 2024 toàn tỉnh phải hết sức nỗ lực mới có thể đạt mục tiêu giải ngân các nguồn vốn giảm nghèo bền vững.

anh3.jpg
Từng hộ nghèo được rà soát kỹ nhu cầu trước khi thực hiện hỗ trợ sinh kế ở miền núi. Ảnh: D.L

Phấn đấu giải ngân kịp tiến độ

Các huyện miền núi là đối tượng thụ hưởng chính của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đang bắt đầu vào mùa mưa dông buổi chiều, nên việc triển khai các dự án, đặc biệt là dự án đầu tư hạ tầng cơ sở sẽ càng khó thực hiện.

Vì thế mà tinh thần quyết tâm cao cùng với việc bám sát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, đôn đốc thực hiện sẽ được các đơn vị, sở ngành của tỉnh thực hiện thường xuyên.

Theo bà Lộc, Sở LĐ-TB&XH đã phân loại khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện đối với từng dự án, tiểu dự án để tỉnh cùng vào cuộc với các huyện. Chẳng hạn, Dự án 2 về đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện theo phương thức cộng đồng.

Khi ký kết hợp đồng với trưởng nhóm cộng đồng (do cộng đồng dân cư bầu ra) thì chủ đầu tư không thể chuyển tiền qua tài khoản cá nhân của nhóm trưởng do số tiền rất lớn, nguy cơ không an toàn.

Việc tạm ứng vốn thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính, kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước cũng gây nhiều khó khăn cho công tác giải ngân (ứng 50% cho nhóm trưởng và hộ dân tham gia dự án để mua con giống, trong khi người bán muốn bán và nhận tiền 100% theo giá bán thỏa thuận).

Một số địa bàn hộ nghèo còn nhiều nhưng hầu hết không đủ điều kiện tham gia dự án hoặc một số địa phương qua khảo sát, không có đối tượng đăng ký tham gia nên đề xuất nộp trả về tỉnh để điều chuyển cho huyện khác.

Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước thống nhất tham mưu UBND tỉnh cho phép tạm ứng 100% số vốn sử dụng mua con, cây giống trong nhân dân trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua con giống của hộ tham gia dự án và công tác giải ngân của chủ đầu tư.

Mục tiêu của tỉnh đặt ra đối với nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phải phấn đấu giải ngân đạt 100% trước ngày 31/1/2025.

Đối với vốn đầu tư phát triển, nguồn kéo dài từ năm trước chuyển sang chủ yếu bố trí cho các dự án chuyển tiếp và thanh quyết toán, nên các sở ngành, đơn vị, địa phương cố gắng hoàn thành khối lượng đối với các dự án chuyển tiếp và đẩy nhanh việc thẩm tra quyết toán, phấn đấu hoàn thành trước 30/8/2024.

Đối với vốn kế hoạch năm 2024 hoàn thành thủ tục thẩm định, phê duyệt và cấp mã số dự án để phân bổ vốn còn lại, phấn đấu trước ngày 30/7/2024; có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công; lập kế hoạch giải ngân vốn cho từng dự án, trên cơ sở đó kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải ngân theo kế hoạch đề ra, đảm bảo giải ngân đạt 100% trước 31/1/2025...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam đôn đốc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO