(QNO) - Chiều nay 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp nghe Sở GD-ĐT báo cáo nội dung Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2026 - 2030.
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp GD-ĐT có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô giáo dục ngày càng tăng, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân thì GD-ĐT Quảng Nam còn nhiều khó khăn và bất cập, nhất là cơ sở vật chất ở các trường THPT xuống cấp, không đạt chuẩn, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học.
“Do vậy, trong thời gian đến cần ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa và hiện đại để thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” - ông Tường nói.
Theo đề án, mục tiêu đề ra là bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 60% trở lên. Để thực hiện các mục tiêu này, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư 1.148 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư công 816 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp 332 tỷ đồng.
Theo bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, quan điểm của sở là ủng hộ đề án chuẩn hóa trường lớp với tinh thần đầu tư “trường ra trường, lớp ra lớp”. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay là nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 chưa có con số cụ thể, nguồn sự nghiệp hạn chế nên rất khó quyết định. Hơn nữa, nếu đầu tư cho ngành GD-ĐT thì buộc phải cắt giảm đầu tư cho ngành khác vì nguồn vốn có hạn.
Sau khi nghe ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng cần ban hành chính sách đầu tư trường THPT với quan điểm tập trung đầu tư trường THPT bài bản và phân kỳ đầu tư theo lộ trình hợp lý.
“Do đó, Sở GD-ĐT tiếp tục ghi nhận ý kiến, hoàn thiện đề án báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 6 trước khi sáp nhập tỉnh để tiếp tục triển khai. Về nguồn lực, đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu, lấy mức nguồn đầu tư công năm 2025 để hoàn chỉnh đề án này, cần thiết cắt giảm các ngành khác để ưu tiên cho đề án” - ông Tuấn nhấn mạnh.