Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi gây thiệt hại lớn về tài sản. Phòng ngừa, nâng cao ý thức của mỗi người dân và cộng đồng là giải pháp căn cơ nhất để kiềm giảm các vụ lừa đảo tái diễn.
Muôn kiểu lừa đảo
Nhận làm thủ tục liên quan “sổ đỏ”, giả danh công an, bảo hiểm xã hội, thuê người lập sàn chứng khoán giả..., rất nhiều thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng để dẫn dụ, chiếm đoạt tiền của các bị hại. Phần lớn trong số các vụ lừa đảo được thực hiện qua không gian mạng.
Cuối tháng 9/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh triệt xóa nhóm đối tượng lập sàn chứng khoán lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh bạc, tổ chức đánh bạc; thu thập, tàng trữ trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam 1 đối tượng người nước ngoài và 4 đối tượng trong nước gồm: Huỳnh Ngọc Tuấn (SN1985, huyện Phú Ninh), Trần Thị Thu Trang (SN1995, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk; đang ở TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Đình Toàn (SN1992, TP.Hà Nội) và Tôn Huy Tặng (SN1983, huyện Núi Thành; đang ở TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Theo cơ quan công an, vụ lừa đảo này có số tiền chiếm đoạt rất lớn từ nhiều bị hại trên cả nước. Lần theo dấu vết của tội phạm, công an xác định đầu năm 2022, thông qua ứng dụng Telegram, Huỳnh Ngọc Tuấn thuê một đối tượng sau đó lập website tên Worldex.live với mục đích làm sàn giao dịch rồi cùng Trần Thị Thu Trang, Nguyễn Đình Toàn, Tôn Huy Tặng và một số đối tượng khác làm giả giấy tờ, đóng giả là chuyên gia đầu tư, tổ chức hội thảo kêu gọi nhiều người ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Cần Thơ, Cà Mau… tham gia đầu tư tiền ảo (USDT) trên sàn Worldex.live.
Ngày 13/11/2023, Tuấn đóng sàn Worldex.live (cho sập sàn), chiếm đoạt của các bị hại trên địa bàn cả nước với số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Tháng 12/2023, Tuấn tiếp tục mở sàn mới tên GTG. GLOBAL để tiếp tục lừa đảo theo phương thức cũ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Phần lớn số tiền lừa đảo chiếm đoạt được, Huỳnh Ngọc Tuấn dùng để đánh bạc tại trang web do người nước ngoài điều hành. Dữ liệu trích xuất từ tài khoản đánh bạc của đối tượng này cho thấy số giao dịch, cá cược của Tuấn từ tháng 12/2022 đến nay có con số lên đến hơn 207 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc tội phạm công nghệ cao sử dụng mạng internet để thực hiện hành vi lừa đảo. Gần đây nhất, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng phát đi cảnh báo việc đối tượng mạo danh nhân viên cơ quan BHXH gọi điện thoại, nhắn tin nhằm lợi dụng, lừa đảo người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều hình thức khác nhau. Nếu thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng, người dùng có thể bị chiếm quyền, chiếm đoạt tài sản từ tài khoản ngân hàng thông qua các giao dịch điện tử...
Cần chủ động phòng ngừa
Đáng nói, không chỉ lừa đảo tinh vi thông qua mạng internet, trên địa bàn tỉnh vẫn tái diễn nhiều vụ lừa đảo theo phương thức “truyền thống” như nhận làm dịch vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm “sổ đỏ”, lừa “chạy án”... Công an các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ... bắt nhiều đối tượng, trong đó có vụ việc các đối tượng này chiếm đoạt hàng tỷ đồng của bị hại.
Qua theo dõi, lực lượng công an nhận thấy mặc dù thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân rất hạn chế. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, mất cảnh giác, hám lợi, mong muốn làm giàu nhanh nên bị tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng ký văn bản yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa công an với các lực lượng, ban ngành, địa phương.
“Dự báo trong thời gian tới, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ lợi dụng gia tăng hoạt động, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, mua bán hàng hóa trực tuyến.
Các địa phương phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin công khai rộng rãi các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các trung tâm giới thiệu việc làm, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài… để người dân biết, phòng tránh bị đối tượng dụ dỗ, lừa đảo.
Đồng thời từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước toàn diện trên tất cả lĩnh vực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến hết tháng 9, trên
địa bàn tỉnh xảy ra 174 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (so với
cùng kỳ năm 2023 tăng 83 vụ, tỷ lệ 91,2%); trong đó có 113
vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tăng 64
vụ (tỷ lệ 130,6%), gây thiệt hại hơn 91 tỷ đồng.