Chính quyền - đoàn thể

Quảng Nam giải quyết cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính

NGUYÊN ĐOAN 05/03/2024 08:30

Dự lường các khó khăn trong việc giải quyết cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, 9 địa phương cấp huyện cho biết đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đề ra theo quy định của Trung ương.

anh-sap-xep-1.jpg
UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến với các ngành, địa phương liên quan để nghe thông tin về tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: N.Đ

Địa phương chủ động vào cuộc

Ngoài nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 huyện Nông Sơn và Quế Sơn để thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện mới theo Phương án 1293 ngày 27/2/2024 được UBND tỉnh xây dựng trình Bộ Nội vụ, Nông Sơn cũng nhập xã Sơn Viên vào Quế Lộc để thành lập ĐVHC cấp xã mới trong giai đoạn 2023 - 2025.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, đến nay Nông Sơn đã tạo điều kiện cho 25 cán bộ, công chức, viên chức chuyển đến nhận công tác ở các sở ngành và địa phương.

Qua đó, giúp giảm áp lực đối với bài toán giải quyết cán bộ dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện trong thời gian đến. Đối với việc nhập ĐVHC cấp xã, theo rà soát của UBND huyện Nông Sơn dôi dư 17 cán bộ, công chức. Trong khi đó, các xã còn lại đã bố trí đầy đủ định biên theo Nghị định 33 ngày 10/6/2023 của Chính phủ.

Để giải quyết bài toán dôi dư cán bộ sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Thị Thu Thủy kiến nghị tỉnh cho phép huyện thực hiện phương án điều chuyển cán bộ chủ chốt xã Sơn Viên đến làm lãnh đạo ở một số địa phương, đơn vị đang thiếu.

Đối với cán bộ được bầu cử, nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với vị trí việc làm thì cho phép Nông Sơn xét chuyển cán bộ này qua công chức.

Theo Sở Nội vụ, dự kiến Quảng Nam dôi dư 246 cán bộ, công chức, viên chức (chưa tính biên chế viên chức sự nghiệp y tế, giáo dục) sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Việc giải quyết cán bộ dôi dự sẽ gặp nhiều khó khăn khi hiện nay, các cơ quan, đơn vị cơ bản bố trí gần đủ số lượng biên chế; phải thực hiện cùng lúc với chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị.

Trong khi đó, về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức đều đạt chuẩn, có tuổi đời trẻ (phần lớn dưới 45 tuổi), các chức danh công chức ở cấp xã, khung vị trí việc làm của các phòng, ban ở huyện cơ bản đã bố trí đủ.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, huyện đang tập trung xây dựng đề án sắp xếp xã Hiệp Thuận với Hiệp Hòa để thành lập ĐVHC cấp xã mới theo chỉ đạo và sẽ báo cáo tỉnh trước ngày 5/3/2024.

Theo rà soát của UBND huyện Hiệp Đức, sau khi nhập 2 xã sẽ dôi dư 29 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Trong 9 cán bộ dôi dư, có 5 trường hợp thực hiện nghỉ hưu đúng tuổi, trước tuổi.

Ông Nam cho biết, hiện nay cán bộ của huyện, xã còn thiếu nhiều, nên việc xây dựng lộ trình giải quyết cán bộ dôi dư không bị áp lực lớn.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 tại địa phương, ông Nam kiến nghị tỉnh thống nhất giữ thời gian giải quyết cán bộ dôi dư theo quy định của Nghị quyết 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 5 năm.

“Giai đoạn 2019 - 2021, lộ trình giải quyết cán bộ dôi dư đề ra sớm hơn so với quy định chung của Trung ương, vì vậy Hiệp Đức gặp khó khăn, không được thực hiện hoàn thành. Nhập thị trấn Tân An với xã Quế Bình chỉ dư 4 cán bộ, công chức mà huyện mới giải quyết xong vào đầu năm 2024” - ông Nam cho biết.

Tính toán theo lộ trình

Giải đáp chuyên môn đối với kiến nghị của 9 địa phương liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ lưu ý, việc chuyển cán bộ xã thành công chức xã đã được quy định cụ thể trong Điều 14, 15 Nghị định 33 của Chính phủ.

Cán bộ xã đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ chuyển thành công chức xã thông qua việc có hội đồng sát hạch và thuộc thẩm quyền trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện.

Nhưng với điều kiện còn chỉ tiêu trống của vị trí công chức đó, còn không thì giữ nguyên trạng đội ngũ để nhập cơ học với nhau, sau đó việc bố trí cán bộ, công chức, giải quyết dôi dư như thế nào sẽ tính tiếp.

“Tại Điều 11 của Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công văn 4099 ngày 29/7/2023 của Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về việc bố trí cán bộ, công chức sau khi sắp xếp ĐVHC.

Về cơ bản chúng ta cố gắng hạn chế tối đa số lượng công chức dôi dư, nếu khó quá trước mắt nhập cơ học, chứ không có quy định tăng thêm bao nhiêu người ở vị trí nào.

Trong thời gian 5 năm sẽ tính toán, có lộ trình bố trí, sắp xếp phù hợp để đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phân loại ĐVHC cấp xã” - bà Hoa nói.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cho hay việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã là nhiệm vụ của huyện nên không xin ý kiến của tỉnh.

Nếu cán bộ nghỉ việc, thôi việc thì HĐND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ; còn làm tiếp thì sắp xếp từ xã này qua xã kia. Thời gian qua tỉnh có chủ trương không tuyển dụng công chức cấp xã cũng vì lý do này.

“Việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư được thực hiện theo lộ trình 5 năm đã được quy định. Các địa phương không phải vì áp lực bài toán giải quyết cán bộ dôi dư mà ép họ nghỉ việc.

Tinh thần chung là phải tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có điều kiện chuyển công tác từ xã này sang xã kia, huyện này sang huyện kia làm việc” - ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam giải quyết cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO