Lâm nghiệp

Quảng Nam giữ bình yên cho cánh rừng biên giới

HỒ QUÂN 11/10/2024 12:00

Tuyến biên giới giữa Quảng Nam với tỉnh Sê Kông (Lào) là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao bậc nhất trong dãy Trường Sơn. Cùng với giải pháp nâng cao nhận thức người dân, việc bố trí lực lượng chốt chặn ở địa bàn hiểm yếu đang giảm thiểu những mối nguy từ nạn săn, bẫy, buôn bán thú rừng.

Thẳm xanh cánh rừng biên giới Quảng Nam - Sê Kông. Ảnh: HỒ QUÂN
Thẳm xanh cánh rừng biên giới Quảng Nam - Sê Kông. Ảnh: HỒ QUÂN

Chủ động ngăn chặn

Những năm qua, Quảng Nam - Sê Kông (Lào) đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong bảo tồn động vật hoang dã xuyên biên giới, bảo vệ những cánh rừng giáp biên.

Song, do quy định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu đất liền Việt Nam - Lào, lực lượng kiểm lâm hai bên không được phép tổ chức tuần tra song phương. Tuy nhiên, các lực lượng ở khu vực biên giới đã chủ động các giải pháp tuần tra, bảo vệ.

Ông Võ Thanh Nhàn - Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng - Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh giáp ranh với tỉnh Sê Kông trên địa bàn 4 xã Đắc Pring, Đắc Pre, La Dêê, Đắc Tôi (Nam Giang). Tổng diện tích đất lâm nghiệp quản lý ở khu vực này là hơn 45.579ha, với tổng chiều dài đường biên giới 54,182km.

Phát hiện, tháo gỡ bẫy thú. Ảnh: H.Q
Phát hiện, tháo gỡ bẫy thú. Ảnh: H.Q

Thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi săn, bẫy bắt, buôn bán động vật hoang dã ở khu vực biên giới rất được chú trọng.

Hiện đơn vị bố trí 1 trạm quản lý bảo vệ rừng gồm 5 tổ công tác, thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tuần tra rừng, tháo gỡ bẫy trong lâm phận quản lý.

Cạnh đó, phân công đội bảo vệ rừng cơ động tuần tra, kiểm tra dọc tuyến quốc lộ 14D từ xã Chà Val đến cửa khẩu Nam Giang và các tuyến liên xã. Qua đó, nắm thông tin, giám sát các hàng quán có dấu hiệu mua bán, tàng trữ động vật rừng trái phép để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

“Từ tháng 7/2023 đến nay, đơn vị đã triển khai 129 đợt tuần tra, phát hiện tháo gỡ và thu giữ 2.964 sợi dây; phá hủy 46 lán trại; đẩy đuổi 7 người dân vào rừng trái phép; vận động người dân giao nộp 2 khẩu súng tự chế và gần 500 sợi dây bẫy các loại” - ông Nhàn cho biết.

Tại Tây Giang, trong 180 đợt tuần tra, các lực lượng đã phát hiện, tháo gỡ 1.339 bẫy các loại, đẩy đuổi 10 lượt người vào rừng trái phép, thu giữ 1 khẩu súng săn và thả 1 cá thể rùa núi viền về môi trường tự nhiên.

Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cho biết, cùng với việc tuần tra dọc tuyến biên giới, đơn vị này đã lắp đặt bẫy ảnh để giám sát tài nguyên rừng kết hợp phát hiện các đối tượng vào rừng trái phép, tổ chức săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã.

Còn theo Trung tá Ngô Văn Thìn - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang, rất nhiều người dân vẫn còn “giấu” súng ở chòi canh trên vườn để bảo vệ mùa màng hoặc lên rừng săn bắn. Qua 4 đợt vận động, từ cuối năm 2023 đến nay, Công an huyện thu giữ 150 vũ khí các loại trong cộng đồng.

Nâng cao nhận thức người dân

Tại Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, lượng bẫy thú đã giảm rõ rệt qua từng năm, song vẫn ở mức cao. Anh Ating Đông - cán bộ khu bảo tồn này cho hay, ở những cánh rừng xa xôi, lực lượng tuần tra khó tiếp cận thường có tần suất đặt bẫy cao.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vườn Quốc gia Sông Thanh tuần tra, bảo vệ rừng ở khu vực biên giới. Ảnh: H.Q
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Vườn quốc gia Sông Thanh tuần tra, bảo vệ rừng ở khu vực biên giới. Ảnh: H.Q

Chủ lực trong các lực lượng bảo vệ chuyên trách là người bản địa nên dấu hiệu đặt bẫy không thể qua mắt. Song, việc gỡ bẫy cũng từng tạo ra những xung đột với người dân địa phương sống dựa vào rừng. Tuy nhiên, bằng những cách vận động khéo léo, người dân chịu rời khỏi rừng cùng những chiếc bẫy.

Nhiều năm trở lại đây, các giải pháp trao sinh kế, giao khoán bảo vệ rừng… đã thay đổi nhận thức cộng đồng. Số lượng bẫy ghi nhận đã giảm khoảng 40% so với trước.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín - Quản lý chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của WWF Việt Nam cho biết, nếu chỉ dựa vào tuần tra, loại bỏ bẫy, thu giữ vũ khí sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn đối với động vật rừng.

Đơn vị đang phối hợp với các đối tác bảo tồn để triển khai các giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu, tập trung là các chương trình cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.

TAY GIANG 1
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: H.Q

Theo ông Trần Văn Thu - Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh, để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học vùng biên giới, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền.

Thời gian qua, các lực lượng đã tổ chức họp thôn 248 đợt với 10.498 lượt người tham gia, ký cam kết bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã với 3.165 lượt.

Ngoài ra, lực lượng biên phòng, công an các xã biên giới đã linh hoạt các giải pháp tuyên truyền để người dân giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ trái phép. Từ đó, họ trở thành “tai mắt” của cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam giữ bình yên cho cánh rừng biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO