Sức mua của người dân đã tăng lên nhưng nhờ nguồn cung dồi dào nên hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; các ngành chức năng đang triển khai các giải pháp để tiếp tục bình ổn thị trường.
Sức mua tăng lên
Áp lực thời COVID-19 dần được giải tỏa, kinh tế ổn định hơn nên người dân muốn đón Tết Nguyên đán 2025 đủ đầy, tươm tất. Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) cho biết, dịp tết sắp đến, gia đình sẽ mua nhiều hàng hóa truyền thống như quật tết, các loại hoa, bánh tét, mứt gừng, thịt heo, chả… Chị Hồng chuộng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tinh dầu sả, gừng, quế, các loại dược liệu tinh chế.
“Tôi mua sản phẩm hàng hóa tết qua kênh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lẫn các sàn thương mại điện tử. Hàng hóa tết đáp ứng được yêu cầu bảo vệ sức khỏe, gìn giữ nét đẹp văn hóa và mang lại cảm giác đầm ấm gia đình là tôi chọn mua” - chị Hồng nói.
Quan sát ở các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy hàng hóa dồi dào, phong phú chủng loại. Chị Trang Thị Kim Nhu - tiểu thương bán thịt heo ở chợ Tam Kỳ cho biết, dịp cuối năm sức mua của người tiêu dùng đã tăng, lượng hàng bán ra nhiều hơn.
Ngoài thịt heo, chị Nhu còn bán thêm nem, chả, các loại gia vị. Mua bán ở chợ Tam Kỳ nhộn nhịp hơn trong những ngày qua. Các mặt hàng thịt bò, hải sản, trái cây, gạo, dầu ăn, nước uống các loại… cũng tăng lượng mua sắm.
Sức mua tăng lên nhưng giá hàng hóa, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định. Hiện tại, giá thịt gà ở mức hơn 80 nghìn đồng/kg đối với gà công nghiệp, hơn 100 nghìn đồng/kg đối với gà ta. Giá cá điêu hồng ở mức 60 nghìn đồng/kg. Giá các loại mực ở mức hơn 130 nghìn đồng/kg.
Các loại rau củ quả có giá khá ổn định. Giá hàng hóa ổn định nhờ các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để phục vụ cho mua sắm của người tiêu dùng cuối năm, dịp tết.
Như ở Co.opMart Tam Kỳ, doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa hơn 75 tỷ đồng để bán trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết: “Khi nhu cầu mua sắm tăng lên, chúng tôi sẽ cung cấp thêm hàng hóa. Vận chuyển thương mại bây giờ rất thuận tiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Ổn định thị trường
Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), đơn vị đang khảo sát thị trường cuối năm, dịp tết, tìm hiểu cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động về giá để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Ngành công thương tỉnh tham mưu UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đơn vị đang vận động các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán hàng tết và tổ chức các chuyến hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa để phục vụ đông đảo mọi tầng lớp nhân dân ở các vùng miền mua sắm hàng hóa. Ngành công thương khuyến khích các doanh nghiệp, chủ cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini triển khai chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng dịp tết.
Cuối năm, dịp tết là thời điểm hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ dễ đột nhập thị trường. Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đơn vị đang ưu tiên hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và phòng ngừa các vi phạm thương mại.
Các đội quản lý thị trường ở các địa phương chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để ngăn chặn kịp thời nạn buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ. Theo ông Tịnh, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đang đồng loạt triển khai các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ổn định thị trường và khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, thận trọng nhận diện, phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng và dự báo diễn biến phức tạp. Sai phạm không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường mà còn nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử... Chúng tôi đang kiểm soát chặt thương mại trên không gian mạng để bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường” - ông Tịnh nói.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2024 đạt 5.805 tỷ đồng (tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 5,5% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu bán lẻ đạt 4.100 tỷ đồng (tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ). Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 66.058 tỷ đồng (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023).