Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam không dễ đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%

TRỊNH DŨNG 10/07/2024 14:02

(QNO) - Kinh tế Quảng Nam đã có sự phục hồi với con số tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 là 2,7%. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu kế hoạch năm là bài toán khó.

PHAN THAI BINH
Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: T.DŨNG

Nhiều điểm sáng

Khá nhiều điểm sáng thể hiện trong báo cáo kinh tế - xã hội do ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày trước HĐND tỉnh trong phiên làm việc sáng 10/7.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng ở mức 2,7%. Tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm kéo dài từ năm 2023 đến quý I/2024.

Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3% (góp 0,43 điểm %), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,7% (góp 1,45 điểm %), khu vực dịch vụ tăng 4,4% (góp 1,46 điểm%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lại giảm 3% (giảm 0,65 điểm %).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khởi sắc từ đầu quý II/2024, tăng 19,5%, dẫn đến 6 tháng đầu năm tăng 12% (góp 2,22 điểm%) vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 6,1% (góp 0,3 điểm%).

Thị trường khách quốc tế phục hồi, kéo theo doanh thu gia tăng đã giúp khu vực dịch vụ trở thành khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Phân tích cho thấy: ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 5,6% (góp 0,35 điểm %); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2% (góp 0,18 điểm %); vận tải kho bãi tăng 5,5% (góp 0,14 điểm %); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 3,2% (góp 0,09 điểm %)...

XUAT KHAU
Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế 6 tháng qua. Ảnh: T.DŨNG

Các con số thống kê nêu trên đã cho thấy rõ hơn bức tranh chung của nền kinh tế, khi nhiều lĩnh vực đều có sự khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự phấn khởi bước đầu, như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhận định.

Theo phân tích của Cục trưởng Cục Thống kê - Lê Quý Đạt, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng trở lại nhưng trên nền tăng trưởng âm của năm 2023 nên vẫn còn thấp.

Mức tăng của bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, tiêu dùng chủ yếu do yếu tố giá cả, trong khi sức mua thực sự giảm. Tăng trưởng tín dụng cũng chậm lại dù lãi suất ngân hàng liên tục giảm...

Người dân thắt chặt chi tiêu. Doanh nghiệp không mạnh dạn trong việc vay vốn để đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

DOANH NGHIEP VAN CON KHO KHAN
Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Ảnh: T.DŨNG

Đích còn quá xa

Các cơ quan quản lý khẳng định, xu hướng cải thiện là điều chắc chắn vì quý III và quý IV luôn là mùa cao điểm về sản xuất và giải ngân vốn đầu tư công.

Thêm nữa, nhiều chính sách mới của Chính phủ ban hành, cũng sẽ là những cú hích đối với kinh tế Quảng Nam, trong đó có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Luật Đất đai, Luật Kinh daonh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/8, cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, ách tắc về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tạo thuận lợ cho việc triển khai nhiều công trình, dự án

Tuy nhiên, theo ông Lê Quý Đạt, dù Chính phủ tiếp tục có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng tác dụng kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ nhà sản xuất sẽ không còn hiệu quả như giai đoạn trước.

KICH CAU
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước cũng không mang hy vọng nhiều về sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh: T.DŨNG

Thu ngân sách có thể gia tăng, nhưng phần lớn là thuế tiêu thụ đặc biệt, không biểu hiện được độ tăng trưởng của năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Hoạt động của các doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh của người dân vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn; chưa thấy xuất hiện những động lực tăng trưởng mới có sự lan tỏa lớn trong nền kinh tế.

UBND tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm, theo nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND đề ra năm 2024, có 3/16 chỉ tiêu đạt, 3/16 chỉ tiêu chưa đạt và 10/16 chỉ tiêu sẽ rà soát, đánh giá vào cuối năm. Dự kiến có 2 chỉ tiêu vượt, 13 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu khó đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP).

Theo tính toán, để đạt mức tăng trưởng 7,5-8% cho cả năm 2024 thì GRDP 6 tháng còn lại phải đạt ít nhất 12,3-13,3%. Con số này thực sự là điều không dễ dàng chút nào khi vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Số doanh nghiệp đang hoạt động thì nhiều đơn vị vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Ông Lê Quý Đạt cho hay, sẽ không có thêm những yếu tố đột biến, nên để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP như kế hoạch là rất khó.

"Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ phục hồi nhưng chậm, khi sức khỏe nền kinh tế vẫn còn yếu. Việc thu hút đầu tư đạt thấp. Không có dự án lớn nào đi vào hoạt động, đặc biệt là trong ngành công nghiệp và đầu tư công, dẫn đến thiếu động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế địa phương" - ông Đạt nói.

DAU TU CONG
Đầu tư công dự kiến sẽ gia tăng mạnh vào những tháng cuối năm để góp phần vào tăng trưởng. Ảnh: T.DŨNG
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam không dễ đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO