Nghiêm khắc phê bình các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng mới đây còn yêu cầu phải cam kết tiến độ cụ thể về giải ngân nguồn vốn đầu tư công; đồng thời khẳng định sẽ xem xét, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu các đơn vị “ôm vốn” mà không có giải pháp hiệu quả.
Điểm tên “tốp chậm”
Lần lượt nhóm các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh bị Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nêu tên, gồm có các đơn vị: Sở Y tế, Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Dân tộc...
Ở nhóm các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh nêu tên 5 huyện: Hội An, Nông Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My và Quế Sơn.
Theo thống kê của Sở KH-ĐT, tính đến ngày 19/12, Quảng Nam đã giải ngân 62,21% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tương ứng gần 5.659 tỷ đồng trong tổng số gần 9.096 tỷ đồng. Kết quả này cao hơn cùng kỳ năm 2023 (60,4%) nhưng vẫn còn xa mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, nguồn ngân sách trung ương giải ngân đạt 53,9% (vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đạt 53,4%); nguồn ngân sách địa phương đạt 63,8%.
Kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân hơn 1.241 tỷ đồng, đạt 67,94%. Trong số này, kế hoạch vốn ngân sách trung ương mới chỉ giải ngân hơn 516 tỷ đồng, đạt 54,39%.
Được yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân và khả năng thực hiện trong chặng cuối của niên hạn 2024, ông Hà Ra Diêu - Phó ban Dân tộc tỉnh cho hay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình năm 2024 (kể cả vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài) hơn 1.501 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đã giải ngân đạt hơn 585 tỷ đồng (khoảng 39%), trong đó tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp mới chỉ đạt 26%.
Đối với các dự án do Ban Dân tộc thực hiện, trong số tổng nguồn vốn phân bổ hơn 35 tỷ đồng, mới chỉ giải ngân hơn 8,3 tỷ đồng vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang 2024. Năm 2024, đơn vị này chưa giải ngân được đồng vốn nào đối với con số còn lại.
Đơn vị báo cáo sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với 4 dự án, đến 31/1/2025 số vốn thực hiện dự kiến từ 21 tỷ đồng đến 22 tỷ đồng, đạt từ 60 - 63% tổng vốn thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành đúng tiến độ như cam kết, Ban Dân tộc cũng mới chỉ “phấn đấu” đứng ở mức bình quân chung của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang giải trình lý do chậm giải ngân liên quan đến các yếu tố về quy trình thủ tục, pháp lý, điều kiện thời tiết ở miền núi... Những lý do này ngay lập tức bị Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phản bác.
“Không thể lặp lại những lý do khách quan để biện hộ những lỗi đa phần thuộc về chủ quan. Đông Giang cũng cùng cơ chế như các địa phương khác, cùng điều kiện thời tiết, khí hậu như vậy, cùng thực hiện những chương trình mục tiêu như vậy, sao địa phương khác vẫn làm tốt mà ở địa phương anh phụ trách lại chậm. Phải tự xem lại cách làm của địa phương mình” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phê bình.
Sẽ xem xét trách nhiệm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị chủ đầu tư là các sở, ngành, địa phương ở “tốp chậm” phải xốc vào thực hiện các chương trình MTQG đảm bảo tỷ lệ giải ngân tốt nhất.
Ông Trần Anh Tuấn nhắc nhở các đơn vị, đặc biệt là các huyện miền núi và các ban, sở phụ trách chương trình MTQG cần tận dụng tối đa thời gian để phê duyệt dự án và thực hiện các công việc liên quan nhằm tăng tỷ lệ giải ngân.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu rút kinh nghiệm về việc phân bổ vốn, nhất là vốn các chương trình MTQG. “Đề nghị ba cơ quan thường trực phân bổ vốn chương trình MTQG phải quan tâm phân bổ vốn phù hợp.
Các cơ quan nhận vốn nếu không đúng trách nhiệm phải ý kiến ngay từ đầu, chấm dứt tình trạng ham vốn, ôm vốn. Ngay trong năm 2025, đã giao vốn thì phải làm, không làm được phải có nguyên nhân cụ thể, kiểm điểm trách nhiệm xử lý, xem xét điều chuyển” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Yêu cầu các sở ban ngành, địa phương trong “tốp chậm” phải đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết trong chặng cuối của niên hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị phải tập trung giải pháp quyết liệt, rõ người rõ việc rõ kết quả, vừa tăng ca tăng kíp ở công trường, vừa phải tăng cường làm việc để giải quyết hồ sơ, đẩy nhanh việc giải ngân vốn.
“Sở Nội vụ theo dõi tham mưu hội đồng đánh giá xếp loại các sở ngành, địa phương, xem tỷ lệ giải ngân ở đơn vị là chỉ tiêu quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và người đứng đầu. Tỉnh sẽ biểu dương khen thưởng các đơn vị, địa phương thực hiện tốt về giải ngân, và ngược lại sẽ xem xét phê bình kiểm điểm, thậm chí đề xuất hình thức xử lý ở các đơn vị quá chậm. Sang năm 2025, việc phân bổ vốn phải xem xét thực lực, giao vốn có cơ sở, đơn vị nào yếu kém thì hạn chế phân bổ vốn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chỉ đạo.