Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam sẽ là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

HÀ SẤU 31/10/2024 08:45

(QNO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch. Ảnh: H.S
Tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch. Ảnh: H.S

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là kế hoạch) chính là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong đó, một số nội dung nổi bật có gắn kết chặt chẽ đến sự phát triển của Quảng Nam trong giai đoạn tới như tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.

Phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.

Phát triển ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.

20230609_092634.jpg
Phát triển ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ảnh: H.S

Ngoài ra, phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Kế hoạch cũng xác định hoàn thành xây dựng, mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn vùng theo quy chuẩn; phát triển các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Đông - Tây, kết nối các cảng biển đặc biệt, cảng hàng không quốc tế với các địa phương vùng Tây Nguyên và Lào, Campuchia; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác của 9 cảng hàng không hiện có trong vùng.

dji_0733.jpeg
Tuyến đường bộ ven biển Quảng Nam. Ảnh: H.S

Đồng thời, hoàn thành kết nối tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng, tạo vành đai bảo vệ bờ biển, đồng thời thúc đẩy liên kết, phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch.

Phát triển đường sắt trong vùng theo hướng ưu tiên các tuyến đường sắt kết nối các đô thị lớn với các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt các ga đường sắt tốc độ cao trong vùng; một số tuyến đường sắt kết nối giữa cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistics, cửa khẩu quốc tế với mạng lưới đường sắt quốc gia để sớm hình thành mạng đường sắt vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao hiệu quả vận tải trong vùng.

Theo kế hoạch, các khu vực ven biển thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi được tập trung phát triển trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước.

Theo bản quy hoạch được duyệt, Quảng Nam nằm trong nhóm các địa phương có nhiều ngành công nghiệp thế mạnh bậc nhất của vùng. Ảnh: Q.T
Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ hướng đến là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ. Ảnh: H.S

Trong đó, Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia; Quảng Nam là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ; Thừa Thiên Huế là trung tâm công nghiệp văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao; Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng, trung tâm du lịch biển đảo; Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.

Theo kế hoạch, Quảng Nam nằm trong khu vực phát triển cả 2 hàng lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và phía Tây (từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi). Cạnh đó, kế hoạch cũng đề cập việc nghiên cứu xây dựng hành lang kinh tế Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng trong tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam sẽ là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO