Tài chính - Thị trường

Quảng Nam thiếu nhân lực quản lý an toàn thực phẩm

VIỆT NGUYỄN 19/07/2024 12:45

Nhân lực quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn thiếu và yếu ở cả cấp tỉnh, huyện và cơ sở.

attp.jpg
Quảng Nam cần tăng biên chế và đào tạo chuyên môn để công tác quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn. Ảnh: Q.VIỆT

Thiếu và yếu

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) do đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình và Nông Sơn.

Trong tổng số 12 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, chỉ có 3 cơ sở đảm bảo các quy định về ATTP (25%). Trong số 9 cơ sở vi phạm quy định ATTP (75%), ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng.

Các vi phạm gồm kho chứa thực phẩm có côn trùng và động vật gây hại; sản phẩm thực phẩm ghi nhãn không đúng quy định; các cơ sở chưa công bố sản phẩm; không đảm bảo chế độ kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam đánh giá, hầu hết cán bộ quản lý ATTP cấp huyện, cấp xã ở 3 địa phương nói trên đều không đáp ứng chuyên môn, thay đổi vị trí liên tục nên triển khai các văn bản chỉ đạo về ATTP gặp rất nhiều khó khăn.

Việc rà soát, thống kê các sơ sở thực phẩm và ký cam kết đảm bảo ATTP còn nhiều hạn chế. Các địa phương chưa bám sát nhiệm vụ quản lý ATTP nên triển khai công tác thiếu hiệu quả...

Ông Phan Phước Đồng - Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Thăng Bình cho biết, công tác quản lý nhà nước về ATTP của địa phương đang gặp khó do thiếu biên chế. Do không có người phụ trách ATTP nên công việc này được đảm nhận bởi cán bộ phụ trách văn hóa.

Bà Trương Thị Kim Thoa - chuyên viên Văn phòng HĐND & UBND huyện Thăng Bình phụ trách về ATTP, cho biết: “Quản lý ATTP gặp khó do lĩnh vực này bản thân không có chuyên môn. Rất mong Văn phòng HĐND & UBND huyện có thêm biên chế chuyên môn về ATTP để công việc trôi chảy hơn”.

Khắc phục hạn chế

Thiếu cán bộ, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm đã gây khó khăn trong quản lý ATTP tại cấp huyện, cấp xã.

ATTP 2
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất rau quả đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Theo ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý ATTP cấp huyện, cấp xã mới dừng ở nhắc nhở chứ chưa có xử phạt mạnh để răn đe.

Đối với nhiều loại thực phẩm bày bán, việc lấy mẫu, xác định các chỉ tiêu về vi sinh, lý, hóa còn mơ hồ, chưa kiểm tra, xác minh được chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

“Khó nhất là lấy mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm tốn nhiều thời gian, công sức. Trong khi chờ kết quả thì không có nơi lưu giữ thực phẩm nên đôi khi không xử lý được vi phạm ATTP” - ông Húy nói.

Về các giải pháp để nâng cao công tác quản lý ATTP ở cấp huyện, xã, ông Nguyễn Văn Húy cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để đảm bảo ATTP.

Huyện Thăng Bình thu hút đầu tư các doanh nghiệp để liên kết với hợp tác xã, người dân sản xuất, chế biến, kinh doanh các chuỗi thực phẩm an toàn, chất lượng.

Huyện tiếp tục hoàn thiện đội ngũ quản lý ATTP cấp huyện, xã; đầu tư các trang thiết bị; đề xuất các ngành chức năng tập huấn kiến thức ATTP để nâng cao hiệu quả kiểm tra, quản lý ATTP.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm cho biết, được Sở Y tế giao 12 biên chế là khá thấp khi đơn vị quản lý 18 nghìn cơ sở thực phẩm ở 18 huyện, thị xã, thành phố. Khó khăn càng nhân lên khi các cơ sở thực phẩm phần lớn nhỏ lẻ lại thường xuyên thay đổi địa điểm, ngành nghề thực phẩm sản xuất kinh doanh…

Tuy vậy, đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam mới có 11 biên chế, triển khai các hoạt động chuyên môn về ATTP còn hạn chế.

“Chúng tôi đề xuất Cục An toàn thực phẩm tăng thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng truyền thông, kỹ năng điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm và tập huấn về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP” - bà Cẩm nói.

Giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản cấp thôn

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, đơn vị đang rà soát các địa phương để triển khai thí điểm mô hình “Tổ giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản cấp thôn”.

Tổ sẽ gồm cán bộ ở thôn, khối phố, cán bộ các hội, đoàn thể cơ sở và sẽ xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tổ sẽ chú trọng tuyên truyền đến các cơ sở thực phẩm, người dân chấp hành tốt các quy định về ATTP; theo dõi, cung cấp thông tin, phản ánh và kiến nghị kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP đến các cơ quan chức năng...

Phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản sẽ tập huấn, trang bị các kiến thức để Tổ giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản cấp thôn thực hiện tốt các phần việc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam thiếu nhân lực quản lý an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO