(QNO) - UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh.
Hiệu quả bước đầu
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, tính đến cuối năm 2023 trên địa bàn Quảng Nam đã có 81 dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết (gọi chung là dự án liên kết) được phê duyệt.
Các dự án liên kết đã thu hút 80 hợp tác xã và 73 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi (trong đó có 75 hợp tác xã và 6 doanh nghiệp làm chủ trì dự án) với 17.261 hộ dân; tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi.
Nhìn chung, việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
Cạnh đó, việc tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực; xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai chương trình OCOP.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, thực tế cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, vướng mắc.
Cụ thể, mức hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết còn thấp. Cơ chế quản lý tài sản sau khi dự án hỗ trợ áp dụng cũng phức tạp. Liên kết sản xuất trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với nông dân hay giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp chưa bền chặt; giá cả thị trường luôn biến động; thủ tục thanh quyết toán các nguồn kinh phí còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp…
Thúc đẩy phối hợp
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng dự án liên kết. Căn cứ nguồn kinh phí được UBND tỉnh phân bổ và thực tế ở địa phương để tham mưu UBND cấp huyện phê duyệt các dự án liên kết theo đúng quy định tại Nghị quyết số 17.
Đồng thời phối hợp với Phòng Tài chính - kế hoạch thực hiện giám sát, quản lý tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại khoản 5 - Điều 4 Nghị quyết số 111 (ngày 18/1/2024) của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - kế hoạch tăng cường hướng dẫn, chủ trì liên kết thực hiện tốt công tác thanh quyết toán các nguồn vốn; khẩn trương phân bổ kinh phí từ đầu năm; giải ngân kinh phí đúng mục đích, nội dung, đối tượng theo các quy định hiện hành của Nhà nước; đảm bảo việc quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí được giao; trường hợp không thực hiện hết thì đề xuất chuyển trả vốn kịp thời để bố trí cho địa phương khác.
Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền các mô hình, dự án liên kết sản xuất có hiệu quả bằng nhiều hình thức như thông qua báo, đài… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết.
Cùng với đó, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình, dự án triển khai có hiệu quả để tìm kiếm đối tác, kêu gọi đầu tư, hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành liên quan kịp thời tham mưu giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 17.
UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính và Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu phân bổ, bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình, cơ chế trong lĩnh vực liên kết sản xuất; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn vốn được giao theo quy định, đặc biệt là các quy định về Luật Đấu thầu năm 2023, cơ chế quản lý tài sản sau khi dự án hỗ trợ theo Nghị quyết số 111 của Quốc hội.