Y tế

Quảng Nam thúc đẩy phát triển công nghiệp dược liệu

MINH KHÔI 03/05/2024 15:14

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 có mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Thúc đẩy phát triển công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam nằm trong số các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu này.

9329a8dd6f07ad59f416.jpg
Dược liệu quý dưới tán rừng. Ảnh: H.Q

Từ ngày 9-12/5, Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 sẽ diễn ra. Sự kiện này quy tụ 350 đơn vị tham dự với 550 gian hàng nhằm giới thiệu các thành tựu, sản phẩm, công nghệ, tiên tiến nhất trong ngành Y tế của các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam và các thương hiệu, sản phẩm đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là hoạt động nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam.

Cụ thể, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 ngoài mục tiêu đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý, thì tương lai, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Cùng với các giải pháp chuyển giao công nghệ, từ nay đến năm 2023, theo Bộ Y tế, Việt Nam sẽ xây dựng 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn.

Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10-15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn; 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.

z5401733115238_0be8ec93c411a46f28e66a996248b681.jpg
Nghiên cứu nguồn gen giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: X.H

Nằm trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, Quảng Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu đạt hơn 64 nghìn héc ta và ban hành danh mục 30 loại cây dược liệu ưu tiên phát triển.

Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng sẽ nâng tầm ngành công nghiệp dược liệu bằng việc hình thành, hoàn thiện tổ chức các sản phẩm theo chuỗi cho 9 loài dược liệu. Hệ thống các nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu sẽ được phát triển tại các vùng sinh thái tập trung.

Theo đánh giá từ Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Quảng Nam hiện có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc... Những loại dược liệu quý hiện có như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng, cẩu tích, lan kim tuyến, đại hồi, màng tang... Tổng diện tích cây dược liệu qua thống kê khoảng 2.471ha, chủ yếu trồng ở các huyện miền núi.

Hiện tại, Quảng Nam đã trình Bộ Y tế đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Nếu đề án được thông qua, đây sẽ là trung tâm công nghiệp dược liệu đầu tiên của cả nước.

Trong quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030 đặt ra mục tiêu hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp mang tầm quốc gia. Hiện tại, đề án đã được Chính phủ đồng ý chủ trương và đang chờ các góp ý từ các bộ, ban ngành.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam thúc đẩy phát triển công nghiệp dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO