Thương mại - Dịch vụ

Quảng Nam tìm cách khơi thông thị trường hàng hóa

NGUYỄN QUANG 10/09/2024 10:00

Gắn chặt việc sản xuất với phân phối hàng hóa bao giờ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh không dễ có được kênh phân phối ổn định; vì vậy cần nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể mở rộng thị trường.

td2.jpg
Chị Trần Phạm Mỹ Dung tận dụng các kênh bán hàng để khơi thông thị trường hàng hóa những tháng cuối năm, dịp tết.

Khó kết nối nhà phân phối lớn

Đã bước vào mùa giao thương cuối năm nên các doanh nghiệp, cơ sở dược liệu tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chị Trần Phạm Mỹ Dung - chủ cơ sở kinh doanh dược liệu Mỹ Dung (xã Trà Mai, Nam Trà My) cho biết, cơ sở tăng quy mô sản xuất gấp đôi những tháng bình thường.

Chị Dung tăng cường kết nối các điểm cung ứng đẳng sâm, sâm cau, giảo cổ lam, khổ qua rừng… ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My thu mua về sơ chế, bán ra thị trường. Ngoài các mối làm ăn lâu năm, chị Dung còn tham gia thương mại điện tử qua các kênh zalo, facebook.

“Quan trọng nhất với cơ sở bây giờ là phân phối hàng hóa, khơi thông thị trường. Tôi tận dụng thương mại điện tử, bán hàng qua các chợ truyền thống, hội chợ, chương trình kết nối giao thương, cả kinh doanh online lẫn offline để mong doanh thu đạt mục tiêu đề ra.

Kế hoạch thời gian tới là chế biến hàng OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn chất lượng để khẳng định vị thế, đưa hàng hóa vào bán ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn” - chị Dung nói.

Chưa nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh có hàng hóa bán ở siêu thị, trung tâm thương mại như Co.opMart Tam Kỳ, Lotte Mart, Big C, Vincom Plaza ở Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quảng Nam gặp khó khăn khi tìm kiếm kênh phân phối có uy tín, thương hiệu để bán sản phẩm. Không khó để nhận ra, nhiều nhà phân phối dành ưu tiên đặc biệt cho những sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín.

Các siêu thị, trung tâm thương mại đặt ra không ít tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quy chuẩn thực phẩm sạch và chưa thực sự “cởi mở” với hàng hóa còn nhỏ lẻ, hàng hóa chưa khẳng định được vị thế.

Ông Võ Tấn Hiệu gắn bó lâu năm với làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cho biết, sản phẩm làng nghề dù được vinh danh nhưng rất khó đi vào bán ở siêu thị, trung tâm thương mại.

Hiện nay khó khăn của làng nghề là chỉ mới tiêu thụ sản phẩm tại các địa bàn nông thôn chứ chưa thể chen chân vào siêu thị, trung tâm thương mại. Các nhà phân phối lớn chuộng kinh doanh các sản phẩm cao cấp từ trầm hương nên nhang hương chưa cạnh tranh được.

Tìm cách mở rộng thị trường

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà phân phối đều gặp những khó khăn nhất định.

td.jpg
Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đang khuyến mãi sâu để kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Ảnh: Q.VIỆT

Siêu thị đã dành phạm vi rộng lớn, dễ nhìn ở Co.opMart Tam Kỳ để các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trưng bày, bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Không thể đưa tất cả hàng hóa Quảng Nam vào bán ở Co.opMart Tam Kỳ.

Các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh cần có giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chí đầu vào của siêu thị để cạnh tranh, cùng phân phối với các sản phẩm hàng hóa khác.

Trong bối cảnh các sản phẩm, hàng hóa Quảng Nam chưa rộng mở thị trường xuất khẩu thì kênh thương mại nội địa là cứu cánh.

Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), những năm qua, thương mại nội địa luôn giữ vững đà tăng trưởng cao.

Qua đó trở thành trụ đỡ quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng thương mại của tỉnh, khơi thông thị trường cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn và hàng hóa nông sản.

Bà Hiền cho rằng, hàng hóa chưa thể vào bán ở các trung tâm phân phối lớn không phải là bế tắc và có thể khơi thông ở các thị trường khác, thậm chí là thị trường ngách, thị trường nhỏ.

“Gắn chặt sản xuất với phân phối hàng hóa bao giờ cũng rất cấp thiết. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp, cơ sở năng động cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng để xâm nhập các thị trường khác nhau, khơi thông đầu ra đem lại lợi nhuận khá” - bà Hiền nói.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Ngành công thương được giao nhiệm vụ đẩy mạnh gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa; tăng cường liên kết chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng, an toàn. Đồng thời triển khai mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị đẩy nhanh các chương trình kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Ngành công thương khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa Quảng Nam; đặc biệt, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam tìm cách khơi thông thị trường hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO