(QNO) - Chiều nay 14/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác Triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06).
Ngoài điểm cầu chính tại TP.Hồ Chí Minh, hội nghị tổ chức trực tuyến đến 10 tỉnh có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch (Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai, Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam, Thanh Hóa).
Tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì với sự tham dự của các thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh.
Quảng Nam nằm trong “nhóm nguy cơ”
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thông tin, cuộc làm việc nhằm đôn đốc các địa phương còn chưa đạt yêu cầu trong tích hợp dịch vụ công trên nền tảng Đề án 06, kiểm điểm lại những việc đã làm, nhận diện hạn chế còn đang đối mặt.
“Việc tích hợp các tiện ích phục vụ đời sống như lý lịch tư pháp, sức khỏe điện tử, dữ liệu đất đai hộ tịch... là nội dung quan trọng để đảm bảo phát huy việc cung ứng dịch vụ công trên nền tảng số, góp phần quản trị xã hội hiệu quả và thông minh. Do đó, cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, nhân rộng kinh nghiệm, cách làm hay để thúc đẩy Đề án thực chất, hiệu quả hơn” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói.
Thống kê từ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), đánh giá chung về Bộ chỉ số đánh giá chất lượng theo Quyết định 766, ngày 23/6/2022, Quảng Nam nằm trong nhóm 7 địa phương có điểm đánh giá loại tốt với 80/100 điểm. Tuy nhiên, hạn chế của Quảng Nam được Cục Cảnh sát QLHC về TTXH ghi nhận bao gồm: Tỷ lệ tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID còn thấp: 104.958 sổ trên ứng dụng VNeID (đứng thứ 53/63 toàn quốc) và chưa hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai.
Cụ thể, về số hóa dữ liệu hộ tịch, Quảng Nam đã số hóa trên nền dân cư hơn 1,4 triệu dữ liệu (25%). Hiện đang vướng mắc về thủ tục đấu thầu mua máy scan phục vụ lưu trữ bản ảnh.
Về số hóa dữ liệu đất đai, Quảng Nam nằm trong 8 địa phương chưa hoàn thành số hóa dữ liệu. Hiện Quảng Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 tại 48 xã phường thuộc 5 huyện, thành phố với 646.312 thửa đất. Dự án giai đoạn 2 đã hoàn thành đo đạc 3 phường của thị xã Điện Bàn (Vĩnh Điện, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung)/ 13 huyện, thị xã, thành phố và các xã còn lại của giai đoạn 1. Tổng số thửa đã đo được mới ở mức hơn 14.000 trên tổng số hơn 1 triệu thửa.
Ngoài ra, 5 địa phương hiện đang thuê hạ tầng tại VNPT (Quảng Nam, Phú Thọ, Thái Bình, Kiên Giang, Đồng Nai) đều có những hạn chế về an ninh an toàn như nhau.
Trong năm 2024, Quảng Nam đã bố trí trong dự toán cho các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố. để thực hiện Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số giai đoạn 2021-2025, bảo đảm triển khai Đề án 06. Trong đó, khối tỉnh hơn 21 tỷ đồng, khối huyện hơn 60 tỷ đồng, bổ sung cho Công an tỉnh phục vụ hoạt động triển khai Đề án 06 2 tỷ đồng.
Khẩn trương hoàn thành số hóa và đưa dữ liệu hộ tịch, đất đai
Qua báo cáo của các địa phương, Tổ Công tác Đề án 06 Trung ương đã tổng hợp được 64 khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 06 thuộc trách nhiệm của 12 bộ, ngành. Tổ công tác đã gửi các đơn vị để nghiên cứu, đề xuất các bộ, ngành thành viên Tổ Công tác có văn bản hướng dẫn, trả lời các địa phương trước ngày 20/11/2024 để triển khai thực hiện.
Về phía UBND 11 địa phương, Tổ Công tác Đề án 06 Trung ương kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa.
Lãnh đạo địa phương phải thống nhất nhận thức hành động và tổ chức thực hiện trong chuyển đổi số theo tinh thần “lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc từ dưới lên”. Đặc biệt, thực hiện đảm bảo nguyên tắc “05 vấn đề - 04 xuyên suốt - 03 giá trị - 02 nhận thức - 01 quyết tâm” để triển khai thành công Đề án của địa phương mình.
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đề nghị Quảng Nam và 10 tỉnh, thành tại buổi làm việc khẩn trương hoàn thành số hóa và đưa dữ liệu hộ tịch, đất đai đã được số hóa vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm thủ tục hành chính (như Bình Dương, Đồng Nai). Trong đó, phải hoàn thành số hóa và làm sạch dữ liệu về lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích trước 31/3/2025 để đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và xử lý cho người dân.
Trong đó, quán triệt, tuân thủ đúng quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tổ công tác yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng số, nâng cấp, thực hiện đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công nghệ thông tin, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
[VIDEO] - Quảng Nam đã xây dựng video tuyên truyền cách tích hợp bảo hiểm y tế về VNeID để tuyên truyền cho người dân:
Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối thông suốt với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nhóm các địa phương cần đẩy mạnh việc triển khai nhân rộng 19 mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo của TP.Hà Nội (như thu phí “không đồng”; thuê dịch vụ công nghệ thông tin…). Trong đó, tập trung đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, thu thuế khoán hộ gia đình và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế theo Nghị quyết 44 của Chính phủ.