Tài chính - Thị trường

Quảng Nam và "cuộc chiến" chống thất thu ngân sách

TRỊNH DŨNG 21/06/2024 09:06

Một đề án “chống thất thu ngân sách trên địa bàn Quảng Nam” đã được ban hành ngày 12/6/2024. Tuy nhiên, việc bảo đảm số thu hàng năm, tạo sự công bằng, môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật về thuế, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân... sẽ không dễ dàng thực hiện. Đây thực sự là một “cuộc chiến” đầy gian nan!

XAY DUNG VANG LAI
Khó kiểm soát các doanh nghiệp xây dựng vãng lai trong chuyện nộp thuế

Khoảng trống thu ngân sách

Quảng Nam đã gia nhập vào các tỉnh, thành chuyển ngược ngân sách về Trung ương kể từ năm 2017. Thu ngân sách 3 năm gần đây do ngành thuế thực hiện đều đạt và vượt dự toán giao (2021 đạt 122,3%, năm 2022 đạt 140,3% và năm 2023 đạt 103,6%). Kết quả này là nỗ lực không mệt mỏi của cơ quan thuế trong việc khai thác, nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu ngân sách.

Tuy nhiên, dù không thể thống kê được con số cụ thể về thất thu ngân sách là bao nhiêu, nhưng cơ quan thuế nhận định vẫn còn khoảng trống một số lĩnh vực, hoạt động kinh doanh vẫn còn thất thu. Thất thu về thuế, phí lẫn đối tượng nộp thuế.

Theo thống kê của cơ quan thuế, hiện nay có khoảng 1.200 doanh nghiệp có quan hệ liên kết (86 doanh nghiệp FDI). Tuy nhiên, số thu về thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng số tiền thuế nộp ngân sách của các doanh nghiệp này rất thấp (năm 2021 chỉ 2,47%, năm 2022 khoảng 2,04%). Doanh nghiệp kê khai lỗ chiếm tỷ lệ lớn/tổng số doanh nghiệp có giao dịch liên kết (từ 53 đến 55%).

Khai thác khoáng sản đóng góp ngân sách khoảng 250 tỷ đồng/năm, nhưng cơ quan thuế không thể kiểm soát nổi. Ngành thuế đã từng than phiền là cho dù có đặt camera hay trạm cân cũng không thể nào kiểm soát nổi trữ lượng khai thác hay vận chuyển của chủ các mỏ khoáng sản này.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngoại tỉnh xây dựng vãng lai không dễ kiểm soát khi không thể kịp thời cập nhật các dự án đầu tư, gói thầu có nguồn vốn ngân sách. Các doanh nghiệp này không do cơ quan thuế địa phương quản lý. Họ không kê khai hay không nộp thuế đầy đủ, nhưng chế tài xử lý không được quy định cụ thể. Thất thu lĩnh vực này khá nhiều, không thể quản lý.

Tính đến 31/3/2024, khoảng 1.014 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải được quản lý thuế với tổng số phương tiện hoạt động trong lĩnh vực này là 4.322 xe. Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở GTVT, hiện có khoảng 1.431 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải với tổng số xe lên đến 8.600 xe.

Con số này chênh lệch khá nhiều so với dữ liệu quản lý thuế của cơ quan thuế. Số thu thuế mỗi năm ở lĩnh vực này chỉ khoảng 25 - 30 tỷ đồng, chưa tương xứng với quy mô và mức độ hoạt động thực tế của loại hình kinh doanh này trên địa bàn.

Mặt khác, thống kê 3 tháng đầu năm 2024 có gần 6,2 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài làm việc tại địa phương nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều cá nhân không kê khai, nộp thuế nên việc quản lý nguồn thu này không hiệu quả...

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho hay việc ban hành Đề án “Chống thất thu ngân sách trên địa bàn Quảng Nam” là điều cần thiết nhằm chống thất thu, bảo đảm nguồn thu hàng năm, tạo sự công bằng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân.

VAN TAI
Kinh doanh vận tải là một trong 7 lĩnh vực, hoạt động trong đề án chống thất thu thuế

Gian nan thực thi

Cơ quan thuế thừa nhận các giao dịch liên kết, kê khai chính sách giá hàng hóa, dịch vụ giữa các bên liên kết không theo giá thị trường, giảm thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, chuyển giá.

Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai sản lượng tính thuế chưa phù hợp công suất khai thác được cấp phép, kê khai không trung thực sản lượng khoáng sản khai thác bán ra, khai giá tính thuế tài nguyên không đúng giá bán thực tế.

Các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện các gói thầu xây lắp tại địa phương không kê khai, phân bổ thuế giá trị gia tăng theo quy định. Nhiều cá nhân nước ngoài làm việc tại Quảng Nam không kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công... Tuy nhiên, cơ quan thuế không có đầy đủ thông tin để kịp thời quản lý thuế hiệu quả đối với các hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Đề án “Chống thất thu ngân sách trên địa bàn Quảng Nam” chú trọng tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động kinh doanh có rủi ro cao về thuế.

Cụ thể trên 7 lĩnh vực: khai thác khoáng sản, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh ban đêm, kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện các gói thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh (vãng lai), cá nhân người nước ngoài làm việc tại địa phương phát sinh nghĩa vụ thuế.

Không thể trông chờ vào những nguồn tăng thu đột biến, nên việc tìm kiếm các giải pháp chống thất thu để góp phần tăng thu ngân sách đã từng được cơ quan thuế đặt ra, không phải đến từ bây giờ khi ban hành đề án này.

Dư luận đã từng phân vân công cuộc chống thất thu của ngành thuế có đủ nhân lực, trình độ và các kỹ thuật cần thiết để thực hiện? Nhưng điều quan trọng không kém vẫn là chuyện bản thân doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với địa phương đặt cơ sở kinh doanh, nâng cao đạo đức kinh doanh, kê khai trung thực.

KHOANG SAN (2)
Không dễ kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản để thu thuế

Những khó khăn khi không thể kiểm soát nổi phương tiện vận tải, sản lượng khai thác khoáng sản luôn đề cập tại các hội nghị đánh giá công tác quản lý thuế nhiều năm qua vẫn không thay đổi. Làm sao có thể có được dữ liệu của các loại hình hoạt động này để đưa vào quản lý thuế?

Có thể thấy 7 lĩnh vực đưa ra để chống thất thu thuế này, mỗi loại hình đều có cái khó riêng, làm sao ngành thuế có thể thực hiện được? Thực tế không chỉ riêng về thuế, việc ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, đề án rất dễ, nhưng thực thi trên thực tế rất khó. Ai làm, làm như thế nào vẫn là câu chuyện không dễ giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Tiếp nói, để thực hiện thành công đề án chống thất thu thuế phải dựa vào 3 trụ cột chính. Đó là việc phối hợp hoàn hảo giữa cơ quan thuế với các ngành, địa phương (trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu), có thông tin thì ngành thuế mới có thể tiến hành công tác này được; mở rộng tuyên truyền, truyền thông đến cộng đồng nộp thuế biết việc đóng góp ngân sách là chuyện đương nhiên; ứng dụng công nghệ thông tin trên bình diện tổng thể để có dữ liệu lớn. Nhiệm vụ gì, ai làm và làm như thế nào đã được đề án “phân công cụ thể” cho các cơ quan, địa phương.

“Sẽ rất khó nên mới phải xây dựng đề án. Đó là cơ sở pháp lý để cơ quan thuế xây dựng chuyên đề cụ thể, đưa ra mẫu biểu, nội dung, từng bước thực hiện. Không thể một lúc làm hết toàn bộ mọi chuyện trong đề án một cách trọn vẹn.

Các nội dung trong đề án đều có một ứng dụng đi kèm trong việc phân tích mức độ rủi ro. Tùy từng thời điểm, thời gian cụ thể sẽ phối hợp thực hiện các chuyên đề chống thất thu cụ thể trên nền dữ liệu lớn đã được cập nhật thường xuyên. Điều quan trọng nhất là sự cộng sinh tinh thần, ý chí phối hợp giữa các cơ quan. Nếu chỉ đơn độc ngành thuế thì không thể làm gì được nhiều cho công cuộc chống thất thu ngân sách” - ông Tiếp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam và "cuộc chiến" chống thất thu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO