Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Điểm sáng ngành giáo dục
Nhiều năm trước đây, GD-ĐT được coi là một trong những ngành đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý cũng như dạy và học. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của Sở GD-ĐT hay cấp trên đến các đơn vị, trường học đều thông qua “con đường” công nghệ thông tin. Việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ cũng được hướng dẫn chi tiết qua cổng thông tin điện tử và thực hiện thuận lợi, nhanh chóng tại phòng giao dịch một cửa của sở.
Lúc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh đi vào hoạt động, Sở GD-ĐT cũng là đơn vị nhập cuộc nhanh chóng. Khi UBND tỉnh quyết định ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện trong các năm 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh với tổng cộng 91 thủ tục hành chính thì ngành GD-ĐT xếp thứ 2, chỉ sau ngành y tế.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý luôn là sự quan tâm của ngành, hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay 14 trong số 74 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Ngoài ra, sở phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin Quảng Nam lắp đặt hệ thống mạng Wan, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công văn trong toàn ngành. Cổng thông tin điện tử của sở có khá đầy đủ nội dung về thông tin và quản lý, trong đó trang tài nguyên điện tử - nguồn học liệu mở giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh dễ dàng tìm hiểu. Tất cả trường học trên địa bàn tỉnh triển khai các phần mềm ứng dụng quản lý giáo dục, phần mềm quản lý trên môi trường mạng của cơ quan chủ quản như quản lý học sinh, giáo viên, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử.
“Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các phần mềm phục vụ tốt công tác quản lý chuyên môn như quản lý học tập, quản lý đề trắc nghiệm, tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” - ông Quốc nói.
Xây dựng chính quyền điện tử
Tại hội nghị Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả tích cực song Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong xây dựng chính phủ điện tử, hiện đứng thứ 88/193 thế giới, 6/11 nước ASEAN. Năm 2020 cần đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, trong đó dịch vụ trực tuyến mức độ 4 tăng lên 30% (hiện 10,7%); tất cả bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu.
Đối với cấp tỉnh, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Sở Thông tin và truyền thông, đến nay đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hệ thống phần mềm một cửa điện tử. Tất cả 19 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 18 huyện, thị xã, thành phố triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử để theo dõi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Tỉnh cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 757 dịch vụ mức độ 3 (tỷ lệ hồ sơ đạt 20% tổng số hồ sơ), 177 dịch vụ mức độ 4 (tỷ lệ hồ sơ đạt hơn 37% tổng số hồ sơ); liên thông 3 cấp văn bản điện tử và kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, kết nối hệ thống Q-office của tỉnh với trục quốc gia. Các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố đã kết nối liên thông phần mềm Q-office với trục liên thông văn bản của tỉnh để gửi nhận văn bản điện tử.
Cũng theo Sở Thông tin và truyền thông, việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được tập trung thực hiện. Hiện các ngành đang xây dựng 24 hệ thống thông tin chuyên ngành, như Sở LĐ-TB&XH với phần mềm quản lý người có công, đối tượng chính sách, quản lý cấp phép lao động nước ngoài; Sở Tư pháp với phần mềm hộ tịch, lý lịch tư pháp; Sở Giao thông vận tải với cấp đổi giấy phép lái xe; Sở Kế hoạch - Đầu tư với đăng ký kinh doanh, quản lý đầu tư nước ngoài; Sở Nội vụ với quản lý cán bộ, công chức… Riêng Sở Thông tin và truyền thông đã chủ động kết nối với các hệ thống thông tin quốc gia phục vụ nhu cầu khai thác dữ liệu của tỉnh, bao gồm cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cấp đổi giấy phép lái xe, cấp phép liên vận (Bộ Giao thông vận tải), lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp).