Việc xây dựng lại phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Quảng Nam không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn góp phần nâng cao chất lượng y tế công lập, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và đội ngũ y tế. Những điều chỉnh mới nhằm tạo sự công bằng, minh bạch và bền vững cho hệ thống y tế địa phương. Đây là nội dung sẽ được bàn thảo trong Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 28 (dự kiến khai mạc vào ngày 4/12).
Cấp thiết
Theo ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế (đơn vị chủ trì xây dựng phương án), việc xây dựng lại phương án giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) thay thế mức giá cũ tại các cơ sở y tế công lập ở Quảng Nam xuất phát từ nhiều yếu tố cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, trước hết là để phù hợp với những thay đổi về chính sách pháp lý và mức lương cơ sở.
Hiện tại, các cơ sở KCB đang áp dụng các mức giá quy định từ Thông tư 21/2023 và Thông tư 22/2023 của Bộ Y tế, với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng lên 2,34 triệu đồng. Điều này khiến các mức giá hiện hành không còn phù hợp, đòi hỏi phải điều chỉnh để đảm bảo chi trả tiền lương và chi phí vận hành của các cơ sở.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ 1/1/2024) quy định các tỉnh, thành phố phải tự xây dựng và ban hành giá dịch vụ KCB không vượt quá khung giá do Bộ Y tế quy định. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21/2024 hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương xây dựng giá mới.
“Điều hết sức cấp thiết phải đề xuất ban hành phương án giá KCB mới là để các cơ sở y tế đảm bảo tự chủ tài chính. Các cơ sở y tế công lập theo cơ chế tự chủ nhóm 2 phải tự đảm bảo chi phí hoạt động và chi trả lương cho nhân viên.
Mức giá dịch vụ KCB cũ không đủ để bù đắp chi phí, nhất là trong bối cảnh lạm phát và chi phí y tế tăng cao. Việc xây dựng lại phương án giá nhằm tạo nguồn thu hợp lý, duy trì chất lượng dịch vụ tại các cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giúp đảm bảo quyền lợi cho nhân viên y tế” - ông Mười nói.
Theo đại diện Sở Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB cũng giúp đảm bảo sự công bằng giữa người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) và người chưa tham gia BHYT. Đồng thời, quy định mới sẽ minh bạch hơn trong việc niêm yết giá và quản lý nguồn thu.
Những điểm mới
Điểm nổi bật nhất trong phương án giá mới là điều chỉnh chi phí tiền lương cấu thành trong giá dịch vụ KCB. Hiện mức giá dịch vụ được tính trên cơ sở mức lương 1,8 triệu đồng. Phương án giá mới sẽ điều chỉnh chi phí tiền lương cấu thành trong giá dịch vụ theo mức lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng; tỷ lệ tăng khoảng 30% so với trước đây để bù đắp chi phí nhân công.
Sở Y tế khẳng định phương án giá mới cam kết không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế quy định. Các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm sẽ được điều chỉnh dựa trên danh mục mới của Thông tư 23/2024 của Bộ Y tế. Điều này đảm bảo tính pháp lý và công bằng giữa các tỉnh, thành trên cả nước.
Phương án xây dựng giá được chia thành hai nhóm chính. Đối với các dịch vụ do Quỹ BHYT thanh toán, danh mục bao gồm khám bệnh, hội chẩn, ngày giường điều trị và dịch vụ kỹ thuật, giá mới sẽ áp dụng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng, giúp bù đắp chi phí vận hành thực tế.
“Điểm đặc biệt của phương án giá mới này là phân tách rõ dịch vụ thuộc và không thuộc BHYT, đảm bảo công bằng và minh bạch hơn. Điều này khác với phương án giá cũ chủ yếu áp dụng cho người bệnh có BHYT.
Đối với các dịch vụ ngoài phạm vi Quỹ BHYT thanh toán, giá dịch vụ KCB không thuộc danh mục BHYT cũng được điều chỉnh, đảm bảo công khai và minh bạch. Điều này giúp người bệnh không có thẻ BHYT biết rõ chi phí khi sử dụng dịch vụ” - ông Mười nói thêm.
Phương án mới đề xuất mức giá áp dụng linh hoạt theo từng tuyến. Tuyến tỉnh áp dụng cho 3 bệnh viện đa khoa và 6 bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam và 6 bệnh viện chuyên khoa: Phụ sản-Nhi; Y học cổ truyền; Phạm Ngọc Thạch, Tâm thần, Da liễu, Mắt).
Đối với tuyến huyện có 14 bệnh viện hạng III và 3 phòng khám đa khoa không xếp hạng, giá sẽ được tính tương đương với bệnh viện hạng IV đối với các cơ sở chưa xếp hạng. Tuyến xã có 237 trạm y tế sẽ áp dụng mức giá bằng 70% so với tuyến huyện. Đối với giường lưu tại trạm y tế, mức giá chỉ bằng 50% ngày giường bệnh nội khoa loại 3.
Theo Sở Y tế, phương án mới cũng quy định cụ thể về giá 9.275 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, với các mức giá được điều chỉnh theo từng danh mục.
Đặc biệt, 759 dịch vụ gây tê, chưa bao gồm chi phí thuốc và ô xy, cũng được đưa vào bảng giá chi tiết. Các dịch vụ kỹ thuật phức tạp, nếu phát sinh trong quá trình điều trị sẽ được tính thêm 50% đến 80% chi phí tùy trường hợp.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở Y tế trong xây dựng phương án giá mới cần quy định rõ ràng, minh bạch, chi tiết, tuyệt đối không được nâng mức giá dịch vụ cao hơn quy định của Bộ Y tế.
“Sở Y tế cần đánh giá tác động của phương án giá mới đối với đối tượng chịu tác động, cụ thể là bệnh nhân và nhân viên y tế. Phương án giá mới phải được áp dụng từ 1/1/2025”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở Y tế hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình, thủ tục, hồ sơ của phương án giá dịch vụ KCB, đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành, hoàn chỉnh phương án trước khi trình UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp đến.