(QNO) - Bộ VH-TT&DL vừa ban hành văn bản hướng dẫn gửi UBND các tỉnh, thành phố rà soát, điều chỉnh và xác định đơn vị hành chính (ĐVHC) có di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản lịch sử quốc gia đặc biệt...
Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh: Việc sắp xếp địa giới không làm thay đổi tên gọi, giá trị và yếu tố gốc cấu thành của các di tích đã được công nhận.
Dựa theo văn bản hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa
phương liên quan rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định ĐVHC hình thành sau sắp xếp có di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL.
Quảng Nam là địa phương sở hữu hệ thống di sản, di tích phong phú, đa dạng với 2 di sản văn hóa thế giới (Khu đền tháp Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An; 2 di tích quốc gia đặc biệt; 67 di tích quốc gia cùng hàng loạt di tích cấp tỉnh).
Cạnh đó, Quảng Nam còn có 16 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Do vậy, yêu cầu rà soát, cập nhật lại thông tin hành chính là một nhiệm vụ quan trọng.
Việc rà soát và cập nhật các thông tin liên quan đến di sản, di tích không chỉ đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý nhà nước mà còn khẳng định cam kết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hình thành ĐVHC mới.
Theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL, các địa phương sau sắp xếp phải giữ nguyên tên gọi của các di tích và khu du lịch đã được công nhận để bảo toàn giá trị pháp lý và lịch sử; cập nhật địa danh hành chính mới đi kèm tên di tích nhằm thống nhất thông tin; rà soát lại toàn bộ hồ sơ khoa học, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, tránh thất lạc hoặc nhầm lẫn sau sáp nhập địa giới.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, giữ nguyên tên gọi di sản để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản; rà soát hồ sơ khoa học của di sản để thống nhất phạm vi phân
bố, lan tỏa của di sản để có cơ sở quản lý theo thẩm quyền.
Đặc biệt, việc xác định tổ chức và cá nhân có trách nhiệm quản lý di tích phải rõ ràng. Không để xảy ra tình trạng "vô chủ" hoặc xung đột thẩm quyền. Các trung tâm, ban quản lý di tích cũng được yêu cầu kiện toàn bộ máy, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn và pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
UBND tỉnh yêu cầu Sở VH-TT&DL thực hiện báo cáo rà soát và gởi kết quả về Bộ VH-TT&DL trước ngày 30/10/2025.