Nông nghiệp

Quế Sơn tập trung phòng trừ dịch hại trên cây trồng

MAI NHI 29/02/2024 09:29

Nhằm đảm bảo vụ đông xuân 2023 - 2024 đạt kết quả, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương của huyện Quế Sơn tích cực hỗ trợ người dân triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên cây trồng...

a-1.jpg
Nông dân thị trấn Đông Phú tập trung theo dõi, chủ động phòng trừ dịch bệnh gây hại lúa đông xuân. Ảnh: PV

Diệt chuột cắn phá lúa

Ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Ban nông nghiệp xã Quế Mỹ cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, nông dân địa phương gieo sạ 385ha lúa, hiện nay hầu hết diện tích chuẩn bị làm đòng.

Từ đầu vụ đến nay, nhất là trong giai đoạn cây lúa 30 - 60 ngày tuổi, chuột xuất hiện và cắn phá rải rác ít nhất 50ha lúa trên nhiều cánh đồng ở tất cả 9 thôn của xã Quế Mỹ. Qua kiểm tra tại nhiều khu vực, tỷ lệ chuột gây hại lúa bình quân khoảng 15%, có nơi 20%.

“Trước tình hình trên, Ban nông nghiệp xã cùng các hội, đoàn thể và ban nhân dân 9 thôn tích cực vận động nông dân mở nhiều đợt ra quân diệt chuột.

Thời gian qua, toàn xã Quế Mỹ đã diệt khoảng 2.700 con chuột bằng các biện pháp như đào phá hang đánh bắt, đặt bẫy hình bán nguyệt, đánh bả sinh học…” - ông Trung nói.

Hiện nay, trên nhiều cánh đồng lúa của huyện Quế Sơn, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên các chân ruộng với mật độ 2 - 3 con/m2, nơi cao 5 - 10 con/m2. Ngoài ra, sâu đục thân 2 chấm, sâu phao, rầy nâu, rầy lưng trắng... cũng đang gây hại rải rác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho hay, đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn xã sản xuất 476ha lúa. Hơn 2 tháng qua, toàn xã có 16ha lúa bị chuột cắn phá và rất nhiều khả năng số diện tích thiệt hại sẽ tăng mạnh nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

“Tính đến thời điểm này, Quế Phú đã diệt được 6.500 con chuột và xã trích nguồn ngân sách hỗ trợ người dân với mức mỗi cái đuôi chuột là 3 nghìn đồng” - ông Hoa nói.

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn thông tin, vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn 13 xã, thị trấn của huyện canh tác tổng cộng 3.629ha lúa; trong đó có 558ha lúa nước trời và 3.071ha lúa chủ động tưới.

“Hiện nay, lúa nước trời đang giai đoạn mút đòng - trổ rải rác, còn lúa chủ động nước thì đang thời kỳ cuối đẻ nhánh - đứng cái” - ông Thành nói.

Ông Lê Công Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho biết, trước nguy cơ chuột phát sinh gây hại lúa đông xuân trên diện rộng (nhất là khu vực từ xã Quế Mỹ xuống xã Quế Xuân 1), thời gian qua ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhà nông triển khai những biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Nhờ vậy, đến nay tình trạng chuột cắn phá đã giảm đáng kể, hầu hết ruộng lúa sinh trưởng và phát triển tốt…

Đối phó bệnh khảm lá sắn

Thời gian này, nhiều vùng của xã Quế Mỹ xuất hiện bệnh khảm lá gây hại những ruộng sắn non.

a-2.jpg
Nhiều ruộng sắn non ở xã Quế Thuận bị bệnh khảm lá gây hại. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Ban nông nghiệp xã cho hay, 3 năm gần đây, bệnh khảm lá liên tục xuất hiện và gây hại hàng loạt ruộng sắn ở địa phương. Riêng vụ sắn năm nay, nông dân xã Quế Mỹ trồng khoảng 300ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại các thôn Phú Cường 1, Phú Cường 2, An Phú.

Mặc dù hồi đầu vụ nhà nông đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh đồng ruộng, làm đất khá kỹ và chủ động thay thế một số giống sắn thường bị nhiễm bệnh nhưng hiện nay toàn xã vẫn có 30ha sắn bị bệnh khảm lá gây hại với tỷ lệ bình quân khoảng 20%.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Quế Sơn, thời gian qua toàn huyện đã có 180ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ bình quân 10 - 20%, nơi cao 30 - 40%. Số diện tích nhiễm bệnh vừa nêu chủ yếu phân bố ở các xã Quế Mỹ, Quế Thuận, Quế Phong, Quế Minh, Quế Hiệp, thị trấn Đông Phú…

Theo cơ quan chuyên môn, khảm lá sắn là một bệnh hại nguy hiểm do vi rút Sri Lanka Cassava Mosaic gây ra. Bệnh này có khả năng phát tán và lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom sắn giống.

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ; mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo...

Ông Nguyễn Mậu Ánh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, hiện nay bệnh khảm lá trên cây sắn chưa có thuốc đặc hiệu phun trừ.

Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tập trung hướng dẫn nông dân nhổ bỏ những cây sắn bị nhiễm bệnh, còi cọc, không phát triển nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn tập trung phòng trừ dịch hại trên cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO