Nông nghiệp

Quế Sơn thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh:Thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa

MAI LINH 01/10/2024 07:44

Trong 5 năm qua, huyện Quế Sơn tập trung thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo ổn định đầu ra.

1.jpg
Các địa phương vùng Đông của Quế Sơn đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa quy mô lớn. Ảnh: M.L

Hiệu quả thiết thực

Ông Phan Dũng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quế Xuân 2 cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam, trong 6 vụ liên tiếp của 3 năm gần đây đơn vị liên kết với Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra.

Bình quân mỗi vụ, Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế liên kết với hơn 800 hộ nông dân trên địa bàn xã Quế Xuân 2 sản xuất khoảng 75ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100.

Ngoài việc phối hợp với doanh nghiệp tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, HTX Nông nghiệp Quế Xuân 2 còn hỗ trợ một phần kinh phí từ cơ chế của Nghị quyết số 17 cho nông dân mua hạt giống và các loại phân bón phục vụ sản xuất.

“Qua 6 vụ sản xuất cho thấy, bình quân mỗi vụ 1 sào lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 cho năng suất khoảng 462kg tươi, doanh nghiệp thu mua sản phẩm với mức giá 7.000 đồng/ kg lúa tươi thì đạt giá trị hơn 3,2 triệu đồng/sào, tăng hơn 1,4 triệu đồng/sào so với gieo sạ các loại lúa thường trên cùng chân đất và cùng chế độ thâm canh” - ông Dũng nói.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam mới đây, đại diện Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, sau khi Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh ban hành, UBND huyện Quế Sơn tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, phù hợp với quy hoạch vùng huyện đến năm 2030.

Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với các HTX nông nghiệp; chỉ đạo tổ chức họp dân tuyên truyền, phổ biến các nội dung của chính sách để triển khai thực hiện.

2.jpg
Những năm qua, hầu hết mô hình liên kết sản xuất ở Quế Sơn đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.L

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn thông tin, những năm qua UBND huyện đã quyết định phê duyệt và triển khai thực hiện 1 dự án, 5 kế hoạch liên kết sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt.

Theo ông Thành, các dự án và kế hoạch nêu trên chủ yếu là liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm giống lúa thuần chất lượng cao ĐT100, nếp 97, lúa thuần Thiên ưu 8, đậu phụng trên địa bàn các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú và thị trấn Hương An. Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án và kế hoạch liên kết sản xuất vừa nêu là hơn 39 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ theo cơ chế Nghị quyết số 17 gần 3,5 tỷ đồng.

“Những năm qua, hầu hết dự án và kế hoạch liên kết sản xuất theo Nghị quyết số 17 trên địa bàn huyện Quế Sơn đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nhờ các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm nên nông dân khá yên tâm trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa...” - ông Thành nói.

Tháo gỡ khó khăn để phát Huy Hiệu quả

Mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng thực tế những năm qua cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Quế Sơn vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

3.jpg
Liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Ảnh: M.L

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Quế Sơn cho hay, tại cùng thời điểm nhưng tỷ lệ hỗ trợ máy móc theo Nghị quyết số 17 thấp hơn so với các cơ chế khác.

Cụ thể, tỷ lệ hỗ trợ theo Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 15 là 60% kinh phí, trong khi đó Nghị quyết số 17 chỉ hỗ trợ 30% kinh phí nên các chủ trì liên kết không chọn đầu tư máy móc, trang thiết bị theo Nghị quyết số 17.

Đáng chú ý, quy mô tối thiểu đối với con vật nuôi và một số loại cây trồng theo Quyết định số 291 (ngày 22/1/2020) của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh là quá lớn nên rất khó thực hiện, đặc biệt là các dự án và kế hoạch liên kết sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi.

Theo ông Lưu Văn Thành, tỷ lệ hỗ trợ máy móc, thiết bị thấp nên các chủ trì liên kết chưa có khả năng đối ứng để đầu tư. Các nội dung hỗ trợ của chuỗi liên kết theo Nghị quyết số 17 chủ yếu là hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ dân trực tiếp sản xuất; còn các HTX chủ trì liên kết không được hưởng lợi gì, chỉ được hưởng lợi khi cung ứng giống, vật tư và thu mua sản phẩm (phần doanh nghiệp trích lại). Tuy nhiên, nguồn kinh phí được hỗ trợ sau đầu tư, HTX phải ứng vốn để thực hiện nên gặp nhiều khó khăn.

Ông Lưu Văn Thành nói, để thụ hưởng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo Nghị quyết số 17 còn khó, nhất là việc yêu cầu các doanh nghiệp liên kết ổn định với sản phẩm hằng năm là 3 năm, sản phẩm lâu năm là 5 năm.

Trong khi đó, giá cả thị trường luôn biến động nên các doanh nghiệp cũng như HTX khó khăn trong việc ký hợp đồng lâu dài với nông dân. Giá vật tư nông nghiệp tại thời điểm phê duyệt đến nay đã có biến động tăng nhưng vẫn hỗ trợ theo giá phê duyệt nên HTX đang phải chịu lỗ…

Quế Sơn kiến nghị bổ sung kinh phí để hỗ trợ phát triển kinh tế vườn

Theo UBND huyện Quế Sơn, thời gian qua ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện tập trung triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 35 (ngày 29/9/2021) của HĐND tỉnh Quảng Nam.

Riêng năm 2024 này, trên địa bàn Quế Sơn có tổng số vườn đăng ký tham gia thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết số 35 là 275 vườn, tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí giao đầu năm 2024 là 4 tỷ đồng (gồm trả nợ năm 2023 hơn 482 triệu đồng, còn lại năm 2024 hơn 3,5 tỷ đồng). Do vậy, Quế Sơn kiến nghị tỉnh quan tâm xem xét bổ sung kinh phí để huyện thực hiện đảm bảo kế hoạch.

MAI LINH

Phát triển mới 4 sản phẩm OCOP ở Quế Sơn

Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, tính đến cuối năm 2023 toàn huyện có tổng cộng 24 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 20 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Năm 2024 này, UBND huyện Quế Sơn tiếp tục chi hỗ trợ 510 triệu đồng để các chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển mới 4 sản phẩm OCOP và tham gia đánh giá, phân hạng lại 2 sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn 3 sao.

Qua kết quả thẩm định ban đầu, cả 4 sản phẩm phát triển mới của năm nay đều đủ tiêu chuẩn xếp hạng OCOP 3 sao.

TỨ ĐIỀN

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Quế Sơn tăng 10,7%

Thời gian qua, nhờ huyện Quế Sơn ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các cụm công nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp linh hoạt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương có bước chuyển biến tích cực.

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND huyện Quế Sơn, trong 9 tháng đầu năm 2024 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt hơn 3.201 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023.

NHÃ PHƯƠNG

Tổng sản lượng lúa của Quế Sơn tăng 2.589 tấn

Theo ngành nông nghiệp Quế Sơn, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu của năm 2024, nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ tổng cộng 6.724,4ha lúa.

Qua thống kê, năm nay năng suất lúa bình quân của Quế Sơn đạt 63 tạ/ha, tăng 2,9 tạ/ha so với năm 2023 và tăng 8 tạ/ha so với kế hoạch đề ra. Nhờ năng suất tăng mạnh nên tổng sản lượng lúa của huyện đạt 42.357,6 tấn, tăng 2.589 tấn so với năm 2023 và tăng hơn 5.370 tấn so với kế hoạch.

MAI NHI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh: Thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO