Quy hoạch - Đầu tư

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình đến năm 2030: Nhận diện nguồn lực, thu hút đầu tư

NGUYỄN QUANG 12/04/2024 09:49

Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, tiềm năng, lợi thế phát triển của huyện Thăng Bình; là nền tảng để địa phương thu hút đầu tư các dự án lớn.

Bản đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật vùng huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT
Bản đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật vùng huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT

Khơi dậy tiềm năng

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến 2030 sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để nhân dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch. Từ đó thống nhất cao nhận thức, hành động để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới.

“Đây là cơ hội thuận lợi lan tỏa thông điệp về tiềm năng, thế mạnh của Thăng Bình để bạn bè, doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Thăng Bình” - ông Hùng nói.

Thăng Bình là địa phương đã được Trung ương, tỉnh đầu tư nhiều công trình hạ tầng quan trọng về giao thông, thủy lợi..., tiêu biểu như tuyến đường Võ Chí Công, đường nối từ đường Võ Chí Công đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Thăng Bình cũng đang tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp quốc lộ (QL) 14E, đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp (KCN) Đông Quế Sơn (và cả KCN Bắc Thăng Bình trong tương lai) kết nối với QL14H và QL1.

Dự án liên kết vùng miền Trung kết nối vùng biển Thăng Bình với các huyện phía tây nam của tỉnh, cầu Tây Giang kết nối Bình Sa và Bình Hải... Những công trình, dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2025, làm thay đổi đáng kể diện mạo của Thăng Bình.

Thời gian tới, Thăng Bình tiếp tục thực hiện dự án thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có hạng mục nạo vét hơn 30km sông Trường Giang qua Thăng Bình; xây mới 3 cầu qua sông Trường Giang là cầu Bình Dương, cầu Bình Triều và cầu Bình Nam.

Qua đó cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như đời sống người dân trên địa bàn huyện. Để tạo thuận lợi thu hút đầu tư, Thăng Bình chú trọng cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại huyện Thăng Bình. Mong mỏi của cả hệ thống chính trị, người dân Thăng Bình là cố gắng tạo ra vùng đất lành để nhà đầu tư và doanh nghiệp an tâm làm ăn” - ông Hùng nhấn mạnh.

Triển khai phương án quy hoạch

Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 là hội nghị công bố quy hoạch đầu tiên của cấp huyện trên địa bàn tỉnh kể từ khi Quảng Nam thực hiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 16/3 vừa qua.

bm.jpg
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 là tiền đề để huyện Thăng Bình khơi thông thế mạnh, phát triển mạnh kinh tế - xã hội. Ảnh: Q.VIỆT

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng đây là sự kiện quan trọng, nhận diện khoa học về các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phát triển của huyện Thăng Bình trong tương lai.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu huyện Thăng Bình khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành triển khai ngay các phần việc tiếp theo để tổ chức quản lý, triển khai thực hiện kịp thời phương án quy hoạch.

Đó là triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất để xúc tiến các nguồn lực đầu tư thời gian đến, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển.

“Huyện Thăng Bình cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động kết hợp chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động lành nghề, đáp ứng yêu cầu việc làm khi doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án lớn” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.

Ông Steven Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Khu nghỉ dưỡng Hoiana cho rằng, công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 là tiền đề quan trọng để xây dựng, khớp nối đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, các dự án trên địa bàn huyện, trong đó có dự án Hoiana.

Ông Steven Wolstenholme cho biết, năm 2024, trên diện tích 80ha ở Thăng Bình, doanh nghiệp đầu tư xây dựng 3 công trình gồm Khu nghỉ dưỡng thấp tầng biển, Khu nghỉ dưỡng thấp tầng sân golf và Khu thương mại dịch vụ cửa ngõ với tổng mức đầu tư dự kiến 300 triệu USD, tạo thêm việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, trên cơ sở nội dung quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch. Các cấp, ngành, địa phương sẽ phối hợp tổ chức triển khai quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tận dụng tối đa nguồn lực.

Xác định vùng trọng điểm phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp

Mục tiêu của Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 là cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, điều chỉnh, khớp nối các quy hoạch trên địa bàn; làm cơ sở để lập quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật huyện. Đồng thời hướng đến vùng trọng điểm phát triển về dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.

Quy hoạch xác định diện tích đất tự nhiên là 412,25km2, Thăng Bình là vùng trọng điểm phát triển về dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Theo quy hoạch, đến năm 2030, dân số huyện Thăng Bình đạt 200 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 73%.

Về không gian vùng, tiểu vùng Đông định hướng phát triển du lịch, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp. Tiểu vùng Trung định hướng phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông lâm nghiệp, trong đó đô thị Hà Lam là nội thị của đô thị loại IV Thăng Bình. Tiểu vùng Tây phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình đến năm 2030: Nhận diện nguồn lực, thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO