Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2020 bị tác động lớn bởi dịch Covid-19, các địa phương đang nỗ lực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Địa phương nỗ lực
Năm 2020 trải qua những đợt dịch bệnh Covid-19 kéo dài, vì thế nhiều nhiệm vụ các địa phương khó thực hiện hoàn thành, trong đó có mục tiêu giảm nghèo. Năm 2020, huyện Phước Sơn được giao chỉ tiêu giúp đỡ, hỗ trợ 250 hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Huyện giao nhiệm vụ cho các xã trợ giúp thoát nghèo bền vững cho 270 hộ. Khi các xã triển khai, hộ đăng ký thoát nghèo tăng lên thành 317 trường hợp.
Huyện Phước Sơn đã kiểm tra, thẩm định, kết quả có 213 hộ đủ điều kiện hỗ trợ thoát nghèo, số còn lại không đủ điều kiện nên huyện không đưa vào danh sách. Trên cơ sở đó, theo từng nguyên nhân nghèo, huyện Phước Sơn phân công nhiệm vụ các hội đoàn thể, phòng ban cùng vào cuộc hỗ trợ các xã, trợ giúp hộ nghèo về mọi mặt để tác động giúp họ thoát nghèo bền vững.
Với huyện Tây Giang, tỉnh giao giúp đỡ 220 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, huyện phấn đấu đưa 240 hộ nghèo thoát nghèo. Ông Bling Mia - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Số hộ nghèo mà huyện đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn con số tỉnh giao, đến nay đã có 203 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững. Trong số hộ nghèo còn lại, đối với 80 hộ diện chính sách, huyện sẽ tập trung hỗ trợ thoát nghèo theo tinh thần chung của tỉnh; các trường hợp khác sẽ giúp đỡ bằng nhiều cách như đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế... Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thực hiện các mục tiêu phục vụ công cuộc giảm nghèo cũng ảnh hưởng. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, huyện sẽ nỗ lực hết sức để đạt kế hoạch đề ra”.
Vì mục tiêu bền vững
Từ đầu năm đến nay, hai đợt dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến việc triển khai các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh đã cho hơn 3 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn, hơn 6.500 lượt hộ thoát nghèo bền vững. Với nguồn vốn vay này, hộ nghèo dùng để học nghề, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất hướng đến thoát nghèo; hộ thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Đối với chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, đã có 2.469 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, 1.685 hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo bền vững. So với con số mục tiêu của tỉnh là thoát nghèo bền vững cho 2.700 - 3.000 hộ nghèo thì đến thời điểm này đạt hơn 90%.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã cố gắng thực hiện các nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên do nhiều tác động, nhất là do dịch bệnh Covid-19 mà nhiều kế hoạch bị ảnh hưởng. Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, như giải ngân vốn, nhất là vốn đầu tư phát triển sản xuất còn chậm, hiện nay mới giải ngân đạt 22,93% kế hoạch vốn được phân bổ năm 2020. Cũng theo bà Ngọc, đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, các địa phương chậm khảo sát, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, vì thế mô hình không được triển khai kịp thời để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện giảm nghèo theo đăng ký.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh đánh giá kết quả giảm nghèo 9 tháng đầu năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã yêu cầu các địa phương phải bám sát kế hoạch đăng ký thoát nghèo bền vững của hộ nghèo, có giải pháp tác động, trợ giúp để hộ nghèo đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, không để xảy ra trường hợp thoát nghèo rồi tái nghèo. Các địa phương cũng phải bám sát cơ sở, kịp thời lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện giảm nghèo. Đối với việc giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Công tác hỗ trợ hộ nghèo phải được tập trung, tạo lực đẩy giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Đầu tư cho một hộ nghèo phải đảm bảo được họ có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, có việc làm tạo thu nhập thường xuyên, ổn định, thoát nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều.