Kết quả kiểm tra, giám sát kinh doanh vàng miếng kể như đã đi vào nền nếp, nhưng thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vẫn chưa bao giờ yên ổn.
Hiện tại Quảng Nam đã có đến 105 doanh nghiệp tại 11/18 huyện, thành phố được cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Những cuộc kiểm tra của cơ quan quản lý đều cho thấy 100% doanh nghiệp này đều vi phạm. Đó là chưa kể thời hạn thực hiện việc chuyển đổi thành lập doanh nghiệp và xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đã chấm dứt ngày 25.5.2013, nhưng vẫn còn đến 25% cửa hàng kinh doanh vàng được kiểm tra vẫn chưa thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp. Sự khó khăn hay rắc rối trong việc kiểm soát loại hình kinh doanh này không đến từ thái độ của cơ quan quản lý hay thanh tra chuyên ngành mà chính từ sự bất hợp tác của doanh nghiệp, địa phương, cơ quan thuế… hoặc không rõ ràng từ quy định mức xử phạt vi phạm quá cao so với thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp vàng tại địa phương.
Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Quảng Nam, hiện tại không ít hiệu vàng cố tình lẫn tránh và thiếu hẳn sự hợp tác của các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra. Tại các chợ, một số cửa hiệu, cửa hàng vẫn tự do sang nhượng. Một số cửa hàng kinh doanh xen kẽ các loại trang sức bạc, vàng có độ tuổi thấp hơn vàng trang sức, mỹ nghệ (dưới 8 cara), nhưng việc xác định độ tuổi vàng lại rất phức tạp, cần phải có cơ quan chuyên môn riêng biệt, tốn nhiều thời gian và kinh phí. Điều này hiện tại vẫn nằm ngoài tầm tay với của cơ quan quản lý Quảng Nam. Chi nhánh NHNN Quảng Nam đã từng gửi công văn yêu cầu UBND, chi cục thuế các huyện, thành phố hợp tác cung cấp danh sách các hiệu vàng trên địa bàn, nhưng một số huyện không cung cấp hoặc cung cấp không đúng địa chỉ thực tế hoặc một số hộ kinh doanh đã ngừng hoạt động, nên số lượng tổng hợp danh sách hiệu vàng không được đầy đủ và chính xác.
Chi nhánh NHNN Quảng Nam khẳng định không phải cơ quan kiểm tra chùn tay hay thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vàng mà cái chính là họ không thể thực hiện đúng như quy định vốn đã có nhiều bất hợp lý. Làm sao cơ quan quản lý có thể áp dụng mức quy định phạt từ 150 đến 200 triệu đồng cho doanh nghiệp không có giấy chứng nhận hoặc đăng ký doanh nghiệp khi quy mô kinh doanh của doanh nghiệp quá nhỏ lẻ, giá trị sản xuất trung bình của một doanh nghiệp chỉ vào khoảng 0,5kg vàng/quý? Thậm chí có nhiều hộ đã chuyển đổi thành lập doanh nghiệp, có đủ giấy phép rồi tự trả lại cho cơ quan quản lý vì không biết và không thể hạch toán về thống kê kế toán, tính thuế doanh nghiệp. Bởi đơn giản họ chỉ là những hộ kinh doanh cá thể, buôn bán cò con. Vì luật phải “lên đời” doanh nghiệp, làm sao nắm hết mọi quy định?
Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP và Nghị định 95/2011/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 12.12.2014 tưởng là việc quản lý thị trường này sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng thực tế thì ngược lại. Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng là điều không bàn cãi. Vẫn biết là quy định chặt chẽ với chế tài xử phạt như thế để dần tiến tới việc chấm dứt sự rối loạn của thị trường vàng. Nguyên tắc và công cụ đã có như có tác dụng răn đe, nhưng vấn đề là cơ quan quản lý lại không thể thực hiện được điều đó thì một khi chính sách bất ngờ gây khó, không thể áp dụng vào thực tế địa phương, có cần kiến nghị để thay đổi, có thêm những quy định mới cho phù hợp. Nếu không xử lý tốt (hợp tác, sửa đổi hay ban hành thêm quy định hợp lý), ắt hẳn các cơ quan quản lý cũng sẽ lại tiếp tục “bó tay” khi mong muốn đưa thị trường kinh doanh vàng nhỏ bé này vào sự ổn định. Tình trạng thị trường bất ổn hay rắc rối như vàng hiện tại sẽ vẫn còn tiếp diễn...
NHẬT PHONG