(QNO) - Giữa những chiếc tàu cao tốc, du thuyền sang trọng và thuyền đánh bắt cá bằng gỗ neo đậu tại bến du thuyền Hồng Kông (Trung Quốc), một chiếc thuyền robot không người lái dài 3m di chuyển trên mặt nước để vớt rác thải.
Rác thải gồm túi ni lông, chai nhựa, hộp nhựa, bìa carton sẽ đi qua một khe hở ở phía trước thuyền robot và di chuyển lên băng chuyền. Một chiếc máy ảnh tự động chụp lại quá trình vận chuyển trước khi đổ rác vào giỏ thu gom ở giữa thuyền.
"Chúng ta có xe chở rác cho đất liền. Tại sao chúng ta không có thứ gì đó để làm sạch nước nhỉ?" - ông Sidhant Gupta - đồng sáng lập Công ty khởi nghiệp công nghệ hàng hải Clearbot và là đơn vị phát triển thuyền robot nói.
Thuyền robot Clearbot tự hành bằng nguồn năng lượng mặt trời, có thể xử lý 80kg rác thải mỗi giờ và chở khoảng 200kg. Thuyền robot không chỉ giúp làm sạch môi trường cho tuyến đường thủy mà còn thay người lao động xử lý công việc vất vả này.
Trước đó, Clearbot cũng ra mắt thuyền robot dài hơn 4m, có thể thu gom 200kg rác mỗi giờ và chở được 1,5 tấn rác để tập kết ở một xà lan gắn phía sau thuyền. Thuyền di chuyển với tốc độ khoảng 3 hải lý.
Clearbot ra đời vào năm 2020 và hiện vận hành khoảng 10 chiếc thuyền robot cho một số cơ quan chính phủ và khách hàng doanh nghiệp trên khắp Hồng Kông, Thái Lan và Ấn Độ.
Thuyền robot của Clearbot được điều khiển từ xa thông qua bảng điều khiển trực tuyến hoặc thiết lập để chạy tự động.
Không dừng lại ở việc hút sạch rác thải, Clearbot phát triển thuật toán cho phép thuyền di chuyển xung quanh chướng ngại vật và phân tích những gì đang được thu thập, cung cấp dữ liệu để cơ quan chức năng hành động nhằm ngăn chặn dòng chất thải đổ vào đường thủy.
Tại Bangkok (Thái Lan), thuyền robot của Clearbot đang dọn tảo khỏi hồ, sử dụng cùng hệ thống băng chuyền như cho rác thải nhưng với vật liệu lưới mịn hơn để ngăn tảo thấm qua.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mai Po của Hồng Kông - nơi nghỉ ngơi của các loài chim di cư, một chiếc thuyền Clearbot thực hiện công việc loại bỏ trứng của ốc táo xâm lấn, có thể phát hiện bằng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để ngăn chúng sinh sôi.
Clearbot hiện tập trung vào việc mở rộng quy mô và đặt mục tiêu đưa 50 chiếc vào hoạt động trong vòng 2 năm tới. "Chúng tôi muốn chúng có mặt ở khắp mọi nơi" - ông Sidhant Gupta nói.
Những chiếc thuyền robot trang bị nhiều loại cảm biến và công cụ khác để lập bản đồ đáy của các tuyến đường thủy, kiểm tra chất lượng nước và thu thập mẫu. Robot có thể dọn sạch loài thực vật xâm lấn như lục bình và một cần trục giúp dọn sạch dầu tràn.