Quảng Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2021 -2025 đưa 5.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác này được triển khai đến các địa phương. Và đã có những tín hiệu lạc quan từ câu chuyện này ở các huyện miền núi, cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Chuyện người lao động sang HamYang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc) làm việc trong thời gian gần đây đã trở thành xu thế mới tại huyện Nam Trà My. Hiệu quả do người đi trước mang về trong thực tiễn đã giúp người chưa đi có niềm tin và động lực để sang HamYang làm việc theo chương trình hợp tác giữa hai địa phương.
Lao động thời vụ phù hợp
Trở về từ HamYang vào tháng 6/2024, chị Hồ Thị Thêm (thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) lại tỏ ý mong muốn được đi tiếp thêm đợt nữa dù chị đã đi được hai lần. Chị Thêm sang HamYang từ tháng 11/2023, thời hạn 5 tháng, được gia hạn thêm 3 tháng nên trọn vẹn 8 tháng là chị về lại Nam Trà My. Sau 2 đợt sang HamYang làm việc, chị Thêm đã trả hết tiền mượn cho con gái đi học đại học, làm nhà, mua xe máy, mua thêm bò giống, sâm giống và quế để trồng, còn gửi tiết kiệm gần 200 triệu đồng.
Chị Thêm kể: “Qua bên đó tôi làm việc hái dâu tây trong nhà kính, hái xong đóng gói xếp vào thùng để họ tới chuyển về nhà máy. Công việc nhẹ hơn hẳn nương rẫy khi ở nhà. Trước đó thì tôi đã đi 1 đợt rồi, mình làm việc chăm chỉ, thật thà, chủ thương nên bảo lãnh để đi tiếp đợt tháng 11/2023 đó. Tôi làm mỗi tháng được 36 triệu đồng, dành dụm về lo cho gia đình. Nay cũng ưng đi nữa, nhưng xã, huyện nói nên nhường cho người khác cũng có cơ hội đi làm cải thiện đời sống. Sau này có cơ hội tôi sẽ tính tiếp”.
Vượt qua con dốc khá cao, lên đến gần đỉnh núi ở nóc Tăk Nầm (thôn 1, xã Trà Mai), chúng tôi mới đến được nhà của anh Đinh Văn Thôi và chị Hồ Thị Tuyết. Anh chị sau khi đi làm đợt thứ hai ở HamYang trở về vào tháng 6/2024, thì chuyển lên nhà ở trên núi sống để tiện chăm đàn dê mới mua.
Trong thời gian tới, Quảng Nam tập trung thực hiện tốt Chương trình số 30-CTr/TU ngày 21/4/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Giai đoạn 2023-2030, toàn tỉnh phấn đấu đưa 12.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm 1.500 lao động). Quảng Nam sẽ chú trọng đưa lao động đi làm việc ở các thị trường có điều kiện làm việc tốt, công nghệ tiên tiến, thu nhập cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời xúc tiến mở rộng các thị trường tiềm năng, như Đức, Canada... khi có điều kiện.
Cả hai vợ chồng cùng sang HamYang làm việc thời vụ, có tháng thu nhập cao nhất 42 triệu đồng/người, thấp nhất được 35 triệu đồng/người. Sau khi trừ chi phí, gửi về lo cho con cái ăn học hàng tháng, anh chị còn tiết kiệm hơn 600 triệu đồng mang về.
Chị Tuyết nói: “Vợ chồng tôi cũng ưng đi đợt nữa vì có chủ bảo lãnh đi lại, nhưng mình đi 2 đợt rồi, nhường cho bà con mình cùng đi làm để có thu nhập, thoát nghèo. Qua bên đó công việc nông nghiệp nhẹ nhàng, không có gì nặng nhọc vì làm trong nhà kính hết. Chính quyền quận HamYang cũng quan tâm lao động Nam Trà My lắm, ông quận trưởng ghé thăm hỏi rồi còn tặng quà, tổ chức cho lao động huyện mình đi tham quan đây đó nữa. Dù xa con rất buồn nhưng đi làm để có tiền lo cho con nên nếu có cơ hội tôi sẽ đi tiếp”.
Hợp tác hiệu quả giữa hai địa phương
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, chính quyền quận Hamyang và huyện Nam Trà My đã có các hoạt động quan hệ hợp tác, giao lưu kể từ khi ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào ngày 21/4/2015 đến nay.
Và từ tháng 8/2024, hai bên đã ký kết bản thỏa thuận kết nghĩa, đưa mối quan hệ hữu nghị hợp tác lên một bước tiến mới. Ông Dũng cho biết: “Hiệu quả hợp tác giữa hai bên đã thể hiện rõ nét ở việc có những chuyến thăm qua lại để trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng và phát triển sâm. Lao động Nam Trà My đã sang HamYang làm việc rất hiệu quả, được quận HamYang đánh giá cao về tinh thần, thái độ làm việc. Thời gian tới ngoài việc hợp tác đưa lao động sang làm việc, thì HamYang và Nam Trà My sẽ tiếp tục hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác”.
Ông Jin Byung Young - Quận trưởng Quận HamYang trong chuyến sang thăm Nam Trà My vào đầu tháng 8/2024, đánh giá cao tinh thần làm việc của người lao động Nam Trà My. Khi hai địa phương đã thỏa thuận kết nghĩa, thì quận HamYang sẽ dành sự quan tâm tốt hơn nữa đối với lao động Nam Trà My khi qua làm việc ở HamYang.
Lúc rảnh rỗi, ông Jin Byung Young luôn dành thời gian đến thăm lao động Nam Trà My đang làm việc tại các nông trại ở HamYang. Ông dành thời gian để hỏi thăm họ về chỗ ăn, ở, có gì chưa hài lòng để ông có thể yêu cầu các doanh nghiệp thuê lao động điều chỉnh. Quận HamYang cũng dành nguồn kinh phí tổ chức cho lao động đi tham quan các thành phố lớn của Hàn Quốc trong điều kiện có thể. HamYang mong muốn sẽ có nhiều công việc hơn nữa để lao động Nam Trà My được sang làm việc, và cũng mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện để nhiều người lao động của Nam Trà My thuận lợi xuất cảnh sang HamYang.
Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động, đạt 62,91% kế hoạch năm 2024. Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 40.596 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 27.837 lao động, Hàn Quốc 5.582 lao động, Trung Quốc 1.080 lao động...
Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm. Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi... (L.Q)
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện chức năng kết nối cung - cầu thị trường lao động trong và ngoài nước, đặc biệt với các công ty có chức năng đưa người lao động sang nước ngoài làm việc có thời hạn, giúp lao động của tỉnh đi làm việc ở nhiều thị trường chất lượng cao.
Tổ chức sàn giao dịch việc làm
Bám sát chương trình của Trung tâm Lao động nước ngoài (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) và chỉ thị, kế hoạch của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tập trung thực hiện tốt chỉ tiêu tỉnh đặt ra về đưa lao động (LĐ) đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
Trong đó, trung tâm phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch, tạo cơ hội để người LĐ gặp gỡ đơn vị tuyển dụng. Đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Hiện nay, chương trình đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc (EPS) đang được nhiều LĐ tham gia. Đây là chương trình được thực hiện theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ việc làm và lao động Hàn Quốc. Từ năm 2022 đến nay, Quảng Nam có 165 LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này, riêng 8 tháng đầu năm 2024 có 55 người.
Cùng với chương trình EPS, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam duy trì thực hiện chương trình đưa LĐ đi làm việc ở Nhật Bản theo chương trình IM Japan (thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản) với khoảng 200 LĐ. Ngoài ra, phối hợp Trường Cao đẳng THACO đưa 225 LĐ (số liệu từ 2022 đến nay) ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và Bắc Trà My sang Lào làm việc trong các nông trường của THACO AGRI. Đồng thời kết nối cùng doanh nghiệp xúc tiến đưa LĐ sang châu Âu, có thu nhập cao như Rumani, Đức…
Hỗ trợ người lao động
Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Hiện nay số LĐ đi qua các chương trình này đều ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo trong việc đưa LĐ đi làm việc tại nước ngoài trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt tư tưởng trong nhân dân nói chung”.
Theo ông Dũng, tình trạng “cò” thị trường thu nhập cao, hấp dẫn, tuyển LĐ lớn tuổi… khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép tuyển dụng, đã gây nhiễu thị trường LĐ. Một số LĐ tự tìm kiếm thông tin trên mạng, tự liên hệ kết nối để được đi nước ngoài làm việc nhanh, không thông qua tổ chức, đơn vị có chức năng, nên dẫn đến hệ quả bị mất tiền, thậm chí không đi được. “Vì thế Trung tâm khuyến cáo các địa phương và người LĐ chỉ nên thông qua cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về LĐ ở địa phương để được tư vấn, hướng dẫn rõ ràng” - ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Trưởng bộ phận kinh doanh Suleco tại Quảng Nam cho biết, công ty đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyển dụng, đào tạo LĐ đưa đi nước ngoài làm việc có thời hạn. Để LĐ tiếp cận thông tin tốt hơn, Công ty Suleco đã phối hợp tổ chức các buổi tư vấn tại các ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm; tổ chức định hướng nghề nghiệp cho quân nhân xuất ngũ, đoàn viên thanh niên, học sinh THPT. Đồng thời công ty cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ, xúc tiến LĐ với các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, và đến từng cụm dân cư tuyên truyền, hướng dẫn. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tuyển dụng, nhất là miền núi để đồng bào vùng cao dễ dàng tiếp cận.
“Để khuyến khích LĐ đi làm việc tại Nhật Bản, Công ty Suleco hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, miễn phí ký túc xá khi học tiếng Nhật tại Quảng Nam. Ngoài ra, học viên được trang bị kỹ năng, kiến thức văn hóa, đời sống của Nhật Bản để có thể sống được bên Nhật. Học viên nào có tín chỉ tiếng Nhật theo các cấp độ yêu cầu sẽ được nhận học bổng đầu vào, với các mức từ 8 - 28 triệu đồng. Tại Quảng Nam, Suleco dành chính sách hỗ trợ riêng cho người Quảng Nam tham gia đơn tuyển tại Nagasaki. Cụ thể, mỗi học viên sẽ được hỗ trợ 18 triệu đồng, quân nhân xuất ngũ sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng ngay khi nhập học” - bà Nhung nói.
Những năm qua, Suleco đã tiếp nhận tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho hơn 1.500 LĐ có mong muốn đến Nhật làm việc, Quảng Nam có 49 LĐ sang Nhật Bản làm việc. Các ngành nghề LĐ làm việc tại Nhật là nông nghiệp, xây dựng dân dụng, chế biến thực phẩm, chăm sóc người cao tuổi, láp ráp điện tử, đóng gói công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí. Mức lương trung bình LĐ có thể nhận từ 25-36 triệu đồng/tháng. Trong năm 2024 và 2025, Suleco đặt mục tiêu đưa 300 LĐ Quảng Nam đến Nhật làm việc, đi cùng với các chính sách ưu đãi và nguồn thông tin đa dạng để LĐ dễ dàng đưa ra lựa chọn tốt nhất cho chính mình.
Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng các chương trình hợp tác đào tạo, đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc.
Ký kết hợp tác
Kể từ năm 2022, Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung (đóng chân tại TP. Hội An) đã bắt đầu ký kết hợp tác MOU giữa nhà trường và Công ty Takara - Nhật Bản. Lễ ký kết có sự chứng kiến của Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo TP.Hội An. Và sự hợp tác này đã mở ra hướng đi mới cho sinh viên đăng ký theo học chương trình thực tập sinh đi Nhật Bản tại Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung.
Tập đoàn Takara được thành lập năm 1924 tại thủ đô Tokyo Nhật Bản và có các chi nhánh tại Thượng Hải - Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam. Với gần 100 năm bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, xây dựng các hạng mục cấp thoát nước, điều hòa không khí và cứu hỏa. Lãnh đạo TP.Hội An đã kết nối tập đoàn với Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung để đào tạo nhân lực và tạo việc làm tốt cho sinh viên.
Theo TS. Lê Ngọc Viên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cho biết, Tập đoàn Takara phối hợp với nhà trường tổ chức khóa đào tạo Takara Zemi về chuyên môn, tiếng Nhật, kỹ năng sống và văn hóa Nhật cho 30 sinh viên nhà trường. Các em này đang theo học trình độ cao đẳng, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước có nguyện vọng đi làm việc ở Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.
Điều đặc biệt khiến nhà trường yên tâm khi tuyển sinh sinh viên đầu vào các khóa đào tạo Takara Zemi là người của Takara khi đã tuyển chọn được thực tập sinh, họ sẽ đến tận nhà của thực tập sinh để thăm gia đình, trò chuyện về công việc, điều kiện ăn ở, chế độ đãi ngộ của con em họ khi sang Nhật Bản làm việc. Điều này khiến cho các gia đình yên tâm hơn khi cho con em họ ra nước ngoài làm việc có thời hạn.
Lựa chọn đúng đắn
Sang Nhật Bản làm việc từ tháng 7/2023, anh Nguyễn Tấn Thắng (nguyên sinh viên khóa 8, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước) và anh Trần Huỳnh Thạnh (nguyên sinh viên khóa 11, chuyên ngành xây dựng công trình thủy) là hai thực tập sinh đầu tiên được Tập đoàn Takara chọn lựa.
Hai thực tập sinh đã học tập tốt nghề mà bản thân đã chọn, hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện sang Nhật làm việc khi được phỏng vấn. Giờ đây hai thực tập sinh vẫn đang làm việc và trưởng thành từng ngày tại đất nước Nhật Bản, thường xuyên liên lạc với thầy cô trong trường, bày tỏ rằng bản thân họ rất hài lòng vì đã có sự lựa chọn đúng ngay từ đầu về chuyên ngành đã học để được đi làm việc ở đất nước Nhật Bản.
Với trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và ngôn ngữ được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp tại Nhật Bản, đại diện nhà trường cho rằng, các em sinh viên sẽ có lợi thế lớn khi trở về nước làm việc, nhất là các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo ông Viên, năm 2024, nhà trường và Tập đoàn Takara đã xây dựng chương trình đào tạo Takara Zemi dành riêng cho sinh viên đăng ký học ngành cấp thoát nước của nhà trường có nguyện vọng đi làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Tháng 9 này, Tập đoàn sẽ cử người sang cùng với nhà trường trực tiếp sơ tuyển đầu vào để đào tạo 30 sinh viên bậc cao đẳng chính quy cho chương trình.
Ở chương trình này, sinh viên được miễn 100% học phí cho toàn bộ khóa học; được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 750 nghìn đồng/tháng. Khi hoàn thành khóa học, sinh viên được cấp bằng kỹ sư thực hành bậc cao đẳng, phía Takara sẽ phỏng vấn để đưa sang Nhật Bản làm việc, được hỗ trợ 100% chi phí làm thủ tục xuất cảnh và vé máy bay sang Nhật.
Khi làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh sẽ được hưởng chế độ theo diện visa kỹ sư Nhật Bản, với mức thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí công việc, năng lực và kinh nghiệm. Thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản với thời gian tối thiểu 3 năm, sau khi kết thúc thời gian hợp đồng được tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc theo nguyện vọng của cá nhân.
Tại Trường Cao đẳng THACO (thuộc Tập đoàn Trường Hải), từ năm 2022 đến hết quý 1 năm 2024, nhà trường đã phối hợp với các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước tuyển sinh, đào tạo và đưa sang Lào làm việc tổng cộng 267 lao động tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI). Đây là công ty con của tập đoàn THACO hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (trồng trọt cây ăn trái và chăn nuôi), có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 84.000ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiện tại, Trường Cao đẳng THACO vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo và sẽ đưa sang Lào, Campuchia làm việc trong năm 2024 là 2.500 vị trí việc làm, trình độ từ sơ cấp nghề trở lên.
Sau đại dịch COVID-19, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của Quảng Nam đã khởi sắc trở lại. Kết quả của giai đoạn trước tiếp tục được phát huy, tiếp thêm niềm tin cho sự chuyển biến trong giai đoạn này.
Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về thực hiện nhiệm vụ này của tỉnh trong thời gian qua.
* Thưa ông, Quảng Nam có những lợi thế nào để có thể trở thành thị trường lao động được các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng tuyển chọn lao động sang làm việc ở các nước?
Ông Nguyễn Quí Quý: Quảng Nam được đánh giá là tỉnh có lợi thế lao động (LĐ) dồi dào, ở độ tuổi có năng suất LĐ cao. Theo kết quả thu thập thông tin thị trường LĐ, đến cuối năm 2023 lực lượng LĐ tỉnh là 1.181.450 người, trong đó LĐ nam là 584.967 người (tỷ lệ 49,51% lực lượng LĐ toàn tỉnh), LĐ nữ là 596.483 người (tỷ lệ 50,49% lực lượng LĐ toàn tỉnh). Trình độ chuyên môn của lực lượng LĐ đang được cải thiện theo xu hướng tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo, trong đó tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ được cải thiện và nâng cao hàng năm.
Mặc dù giai đoạn 2021-2024 nền kinh tế chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19 và tình hình suy giảm kinh tế thế giới nhưng tỷ lệ LĐ thất nghiệp của tỉnh Quảng Nam luôn được kiểm soát trong mức an toàn. Hiện tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn tỉnh dưới 3% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, LĐ được tạo việc làm tăng thêm liên tục gia tăng trong suốt giai đoạn, cơ cấu LĐ có sự chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế, tỷ lệ LĐ làm việc trong khu vực chính thức tăng hằng năm. Đặc biệt, LĐ của tỉnh khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được các nước đánh giá cao, tin tưởng. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Quảng Nam trở thành thị trường LĐ được các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa LĐ đi nước ngoài hướng đến với thị trường đa dạng, nhiều ngành nghề, nhiều trình độ.
* Từ sau đại dịch đến nay, Quảng Nam đã nỗ lực và đạt được thành quả ra sao trong công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, thưa ông?
Ông Nguyễn Quí Quý: Quảng Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2021 -2025 đưa 5.000 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, năm 2021 ngay sau đại dịch thì không đạt mục tiêu phấn đấu trong năm, nên từ năm 2022 đến nay tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác này.
Thị trường hướng tới của tỉnh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Liên bang Nga, Ả rập Xê út, Lào. Đối với thị trường có phí và đòi hỏi chất lượng cao thì LĐ ở khu vực đồng bằng phù hợp, LĐ ở miền núi có trình độ thấp hơn sẽ phù hợp với thị trường không tốn chi phí, nghề giản đơn nhưng an toàn và có thu nhập.
Việc đầu tư ra nước ngoài (Lào, Campuchia) của một số công ty thuộc Tập đoàn ôtô Chu Lai - Trường Hải đã thu hút số lượng lớn LĐ của tỉnh, chủ yếu là LĐ thuộc các huyện có đường biên giới với Lào đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức tổ chức đầu tư ra nước ngoài, đây cũng là kênh đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lớn của tỉnh.
Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ LĐ đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể nhất là chính sách cho vay vốn đối với người gặp khó khăn về kinh phí. Nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm hiện nay đạt dư nợ cho vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 78,8 tỷ đồng, dư nợ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 726,9 tỷ đồng, dư nợ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là hơn 1.076 tỷ đồng.
Hiệu quả xã hội thể hiện rõ ở việc người LĐ sau thời gian làm việc ở nước ngoài quay trở về có thể thoát nghèo bền vững, có nguồn vốn tiếp tục tự tạo việc làm, hoặc trở thành nguồn nhân lực chất lượng tiếp tục làm việc cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hoặc doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.
* Quảng Nam định hướng thời gian tới đối với công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quí Quý: Nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cùng chung tay thực hiện, đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong toàn tỉnh đối với công tác này.
Bản thân người LĐ cần được tuyên truyền về hiệu quả của công tác đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan để không làm ảnh hưởng đến tình hình chung của tỉnh, của đất nước. Các chính sách hỗ trợ đối với LĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ được tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh theo hướng đảm bảo điều chỉnh bao quát các nhóm đối tượng, loại hình LĐ và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách địa phương. Trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ cho LĐ, ưu tiên đối với quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được khuyến khích xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho LĐ sát với nhu cầu của thị trường LĐ ngoài nước. Tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, các tổ chức dịch vụ việc làm để đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và các kỹ năng cần thiết cho LĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Với những nỗ lực của cả tỉnh, kỳ vọng rằng công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sẽ đạt được kết quả như mục tiêu tỉnh phấn đấu.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nội dung: LÊ DIỄM - HỒ QUÂN - SONG LINH - DIỄM LỆ
Trình bày: MINH TẠO