Tiện dụng, phù hợp xu thế nhưng phần nào đó vẫn bảo lưu được thói quen đọc, cho thấy tiện ích của đọc sách bằng các thiết bị điện tử. Cách tiếp cận mới không xóa bỏ niềm vui đọc sách, ngược lại còn làm giàu trải nghiệm cho nhiều thế hệ trong xu thế của một xã hội bùng nổ về công nghệ...
>> Công nghệ số kích thích văn hóa đọc
>> Truyền cảm hứng đọc
Kho sách trong lòng bàn tay
Nhiều năm nay, Phan Hoàn Thịnh (xã Tam Tiến, Núi Thành) vẫn xem chiếc máy đọc sách Kindle của mình như một vật bất ly thân trong những chuyến đi. Vốn là tín đồ của công nghệ và sách, Thịnh cho rằng sự kết hợp khá lý thú này đã cho ra đời chiếc máy đọc sách, thay đổi hoàn toàn thói quen đọc sách của mình từ lúc nhỏ.
Thịnh mê đọc. Thời sinh viên, anh lê la khắp các quán cà phê sách, thư viện... để tìm đọc. Đủ nguồn, đủ thể loại sách, nhưng chọn lựa ưa thích của anh là sách văn học nước ngoài, một số tác phẩm trinh thám, sách báo về công nghệ.
Nhưng túi tiền hạn hẹp của sinh viên lẫn quỹ thời gian không có nhiều khi vừa phải làm thêm vừa đi học, anh không có nhiều điều kiện để đọc. Có lúc việc đọc sách bị gián đoạn, hứng thú đối với những cuốn sách cũng vì đó mà giảm đi.
Thế rồi sau này, khi đã đi làm, theo dõi các trang thông tin về công nghệ, Thịnh bắt gặp được một thứ thiết bị có thể dung hòa thói quen, sở thích và công việc của mình: thiết bị đọc sách. Anh mua một máy đọc sách cỡ nhỏ, mày mò tìm cách sử dụng, mua bản quyền sách để lưu về máy và bắt đầu nghiền ngẫm.
“Sách công nghệ có rất nhiều tiện dụng. Có thể đọc mọi lúc, mọi nơi, có thể xài chính điện thoại thông minh hoặc máy đọc sách để đọc. Máy đọc sách có ưu thế hơn, tránh được “nhiễu thông báo” khi đọc trên điện thoại thông minh, ánh sáng của máy đọc sách cũng được tối ưu để đọc được lâu hơn mà đỡ đau mắt.
Ngoài ra, vì tính tiện dụng nên có thể hình dung ai cũng mang được cả một thư viện sách trong lòng bàn tay mình, và chỉ mất vài giây để tìm đọc quyển sách mình ưa thích” - anh Thịnh chia sẻ.
Đọc sách trở thành một niềm yêu. Thịnh kể, anh đọc được từ một nhà văn nổi tiếng câu nói, người ta chỉ sống được một đời, người đọc sách có thể sống trong nhiều cuộc đời.
“Những người đọc sách thường chia thành hai nhóm. Nhóm đọc “fiction” đi tìm thế giới mình không có mặt ở đó, và nhóm đọc “non-fiction” tìm tới kiến thức mình chưa có được, nôm na là nhóm viễn tưởng và nhóm thực tại.
Ban đầu, có thể đọc sách để tìm hứng thú, rảnh lúc nào đọc lúc đó. Sau đó có thể nâng lên việc lên lịch đọc, hoặc cao hơn nữa là đặt mục tiêu thời gian đọc, số lượng đọc” - Thịnh cho biết.
Làm mới trải nghiệm đọc sách
Sách vốn dĩ cũng như đồ ăn thức uống, phải ngon, hoặc hợp. Phải được cho thử từ nhỏ để biết khẩu vị. Sẽ khó có sự định hướng rõ ràng cho lựa chọn đọc sách, nhưng đọc sách nên là một thói quen cần được định hướng. Nhiều người vẫn giữ được niềm yêu thích với sách, trong đó có Lê Bảo Ngọc (Tam Kỳ).
“Việc đọc sách bằng smartphone, máy đọc sách mang lại cho tôi nhiều sự tiện lợi hơn. Tôi có thể đọc bất cứ đâu, dù ít cảm xúc hơn đọc sách giấy truyền thống một chút nhưng thực sự là rất tiện. Trong số 10 cuốn sách gần đây nhất mà tôi đã đọc thì có đến 8 trong số đó là đọc trên điện thoại và máy đọc sách” - Bảo Ngọc nói.
Ngoài đọc sách bằng máy đọc sách và điện thoại thông minh, khoảng một năm trở lại đây, Bảo Ngọc tiếp xúc nhiều hơn với sách nói. Những kênh đọc sách giúp cho bạn trẻ này có thể nghe thay vì đọc, tranh thủ lúc đang nấu ăn, dọn nhà hoặc làm một số việc khác.
Tuy nhiên, bạn trẻ này cho hay sách nói có một nhược điểm là sẽ không thể nhớ nhiều chi tiết, làm gián đoạn việc suy ngẫm, giảm khả năng suy nghĩ và tưởng tượng như đọc sách truyền thống.
“Khi đọc sách, kiến thức của sách sẽ đọng lại là kiến thức của mình. Người đọc có thể đọc đi đọc lại một quyển sách nhiều lần, và mỗi lần đọc lại thấy mình khám phá ra một điều gì đó mới, hoặc một khía cạnh khác.
Đó là lý do tôi thường có thói quen khi đọc bằng điện thoại, máy đọc sách một quyển sách mà tôi thấy hay và tâm đắc, nhất định tôi phải mua một bản sách giấy để đọc lại nhiều lần khác” - Bảo Ngọc nói thêm.
Sự lấn át của văn hóa nghe nhìn, không làm mất đi văn hóa đọc. Dẫu có nhiều nền tảng nghe nhìn kiểu “mì ăn liền”, nhưng nhờ sách công nghệ, người đọc sách có cách tiếp cận mới phù hợp, duy trì được thói quen đọc sách, khả năng chọn lựa sách và cách đọc.
Văn hóa đọc sẽ vẫn có sức sống bền bỉ, và thực tế không chỉ người trẻ, mà mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tiếp cận với sách công nghệ thông qua sự phổ biến của các thiết bị thông minh phục vụ đọc sách hiện nay.
Nhờ duy trì thói quen đọc sách, người đọc sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ, níu giữ lấy sự quan tâm, yêu thích của mỗi người. Để những cảm xúc mạnh mẽ, tích cực vẫn được lan tỏa, gìn giữ qua thói quen rất bổ ích: đọc sách.