Hàng ngàn chiếc quần jean đã qua sử dụng thay vì phải đưa ra bãi rác, đã được các bạn trẻ tại Hội An thu gom về tái chế thành những món hàng thủ công như túi xách, ba lô, mũ nón, đèn lồng, các mặt hàng thời trang, thậm chí cả tranh mỹ thuật, được du khách ưa chuộng.
Từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Nghệ sĩ Phạm Minh Long tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật tại TP.Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm làm việc tại Sài Gòn và Hà Nội, anh có ý tưởng phát triển sản phẩm khác nhau. Qua thời gian tìm hiểu, tiếp cận với nhiều xu hướng trên thế giới, anh chọn cho mình con đường phát triển sản phẩm trên chất liệu vải jean phế liệu.
Theo Phạm Minh Long, anh tìm hiểu và được biết mỗi năm trên toàn cầu có hàng tỷ chiếc quần jean đã qua sử dụng phải thải ra các bãi rác, gây nguy cơ tác hại đến môi trường. Quần jean có độ bền rất cao do được sản xuất với công nghệ đặc biệt, tất nhiên sẽ tốn rất nhiều tài nguyên để sản xuất ra vải jean.
“Sau thời gian thử nghiệm, tôi chọn vải jean phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất, bởi vì độ loang trên nền vải sau khi wash mang đậm chất mỹ thuật, hơn nữa độ bền của vải được bảo đảm khi tái sử dụng” - Minh Long nói.
Để phát triển ý tưởng tái chế jean tại Việt Nam, Minh Long bắt đầu xây dựng trang “Tái Chế Jean” trên Facebook. Đến nay, trang đã có hơn 10 ngàn thành viên tham gia. Trên trang này họ cùng nhau chia sẻ ý tưởng sáng tạo, mẫu mã và kinh nghiệm tái chế để sản xuất ra nhiều mặt hàng thủ công khác nhau, cũng như mặt hàng có tính trang trí mỹ thuật bằng vải quần jean phế liệu.
Nhận thấy sự thuận lợi của môi trường du lịch tại Hội An có thể tiếp cận với nhiều du khách nước ngoài vốn thích hàng thủ công và tái chế, có thể đẩy mạnh sự quảng bá về sản phẩm tái chế jean, cuối năm 2024, Phạm Minh Long mạnh dạn mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình tại đây với thương hiệu Ecodenim.
...đến các tác phẩm mỹ thuật
Không dừng lại ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tái chế từ quần jean, Phạm Minh Long và các cộng sự của mình luôn trăn trở tìm cách tạo hình mỹ thuật từ chất liệu này. Sau nhiều lần cất công tìm hiểu, thấy được phong cảnh Hội An rất giàu chất liệu để làm đề tài sáng tác, họ lên ý tưởng thực hiện một tấm tranh phong cảnh về đề tài Chùa Cầu bằng vải jean phế liệu.
Người trực tiếp thực hiện tác phẩm này là Nguyễn Lan Anh, một nghệ sĩ trẻ “Gen Z”, từng theo học Khoa Thiết kế đồ họa Trường Cao đẳng FPT. Để thực hiện ý tưởng, Nguyễn Lan Anh dùng kỹ thuật sáng tác tranh xé dán (Collage), một dòng tranh có nguồn gốc từ Pháp đã được các nghệ sĩ người Mỹ du nhập vào Việt Nam từ những năm 1960. Sau khi hoàn thành, tấm tranh được tác giả mang ra trưng bày tại không gian Chùa Cầu.
Nhiều du khách ngạc nhiên trước tấm tranh Chùa Cầu thực hiện từ vải jean phế liệu có chiều dài 2m được trưng bày trong không gian thực cảnh tại đây. Nguyễn Lan Anh cho biết: “Trong quá trình sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng trên nền vải jean phế liệu, chúng tôi từng bước mở rộng sang mảng sản phẩm mang tính trang trí mỹ thuật. Sau đó, nhận thấy Hội An có rất nhiều góc phố đẹp, nhất là Chùa Cầu, chúng tôi quyết tâm thực hiện tác phẩm mỹ thuật về đề tài này”.
Theo chia sẻ của Lan Anh, khó khăn đầu tiên là chất liệu vải jean bị hạn chế về màu sắc để có thể chuyển tải ý tưởng. Thứ đến là kỹ thuật cắt dán, xử lý các mảng miếng sao cho nhuần nhuyễn, hợp lý. Do vậy, sau vài ngày đầu bắt tay vào thực hiện, phải bỏ đi hết, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn để có thể giải quyết vấn đề đó. Để hoàn thành tấm tranh này, cô đã phải tập trung hàng tháng trời.
“Tôi cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc khi tác phẩm này được nhiều du khách và người dân địa phương mến chuộng. Tôi cũng đã thực hiện nhiều tác phẩm mỹ thuật khác. Khi đủ điều kiện, tôi sẽ ra mắt một triển lãm nhỏ về phong cảnh Hội An được tạo hình bằng vải jean phế liệu” - Lan Anh nói.
Amelia Jones, nữ du khách đến từ Úc cho biết: “Chúng tôi rất thích sản phẩm thủ công được tái chế từ phế liệu của các bạn ở Hội An. Sự sáng tạo cộng với tay nghề rất điêu luyện và kiên nhẫn của các bạn đã làm ra những sản phẩm đẹp, độc bản, giá cả lại rất phù hợp. Riêng tấm tranh Chùa Cầu quá tuyệt hảo vì lần đầu tiên tôi được thấy một tấm tranh chất liệu tái chế như vậy”.