Từ ngày 1-3/8, tại huyện Nam Trà My diễn ra Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024. Các địa phương đang tích cực chuẩn bị tham gia lễ hội thường niên về dược liệu lớn của huyện.
Trà Linh chuẩn bị chu đáo
Tháng 8 sắp tới, những hộ dân trồng sâm Ngọc Linh của chốt Tăk Hrâng (xã Trà Linh, Nam Trà My) chuẩn bị chọn những cây sâm đẹp nhất, tham gia tuyển lựa vòng “sơ khảo” tại xã để dự thi sâm đẹp của huyện Nam Trà My.
Anh Hồ Văn Dấu - Trưởng chốt Tăk Hrâng nói, chốt có 44 hộ dân tham gia trồng sâm nên việc chọn sâm đẹp để tham gia thi là chuyện không khó. Hộ dân nào cũng háo hức chờ đến lễ hội để được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa do huyện tổ chức nên mọi sự chuẩn bị rất chu đáo.
Xã Trà Linh - thủ phủ của sâm Ngọc Linh đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho lễ hội sâm Ngọc Linh lần này của huyện. UBND xã Trà Linh đã họp và phân công chi tiết từng phần việc cho thành viên, ban ngành thực hiện.
Xã Trà Linh tham gia nhiều hoạt động trong lễ hội như cúng đền thờ sâm Ngọc Linh tại làng Con Pin (thôn 2, xã Trà Linh), rước biểu tượng sâm Ngọc Linh tại lễ hội, tham gia tất cả hoạt động khác trong những ngày diễn ra lễ hội.
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết: “Lễ hội diễn ra hàng năm là cơ hội cho người dân xã Trà Linh quảng bá sâm Ngọc Linh đến với người dân các vùng trong nước và bạn bè quốc tế. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, giúp người dân của xã thoát nghèo và hiện nay đang từng bước vươn lên làm giàu.
Thông qua việc tham gia các hoạt động của lễ hội, xã cũng kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc hữu quý hiếm của sâm Ngọc Linh.
Đồng thời phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Xê Đăng, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân”.
Kết nối và quảng bá
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, qua 5 lần tổ chức, Lễ hội Sâm Ngọc Linh hàng năm đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn của du khách gần xa.
Tham gia lễ hội, du khách không chỉ có dịp chiêm ngưỡng những cây sâm, củ sâm đẹp và chất lượng nhất, mà còn được thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trà My.
Các hoạt động tại lễ hội liên quan đến cây sâm Ngọc Linh đã góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
“Sâm Ngọc Linh nói riêng và dược liệu nói chung đã giúp cho người dân Nam Trà My thoát nghèo bền vững, làm giàu trên chính quê hương mình. Huyện sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị sâm Ngọc Linh cùng với sự chung tay của các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh dành cho Nam Trà My” - ông Mẫn nói.
Lễ hội Sâm Ngọc Linh năm 2024 sẽ diễn ra phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi với quy mô 60 gian hàng thu hút các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ trồng sâm trong huyện tham gia xuyên suốt lễ hội để phục vụ nhu cầu mua sâm tại chỗ của du khách.
Đồng thời các hoạt động văn hóa cũng sẽ diễn ra tại lễ hội như thi trình diễn cây nêu trong nghi thức truyền thống ăn trâu huê của đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My.
Nhân dịp lễ hội, huyện tổ chức công bố biểu trưng huyện Nam Trà My và Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh - huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam”.
Tại lễ hội cũng sẽ diễn ra hội thi sâm Ngọc Linh đẹp với sự tham gia của cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, các chốt và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện.
Qua hội thi nhằm quảng bá, giới thiệu đến những người yêu thích và quan tâm sâm Ngọc Linh những tác phẩm sâm đẹp nhất, giá trị nhất của huyện Nam Trà My.