Sáng tác văn chương giữa thời Covid-19

LÝ ĐỢI (thực hiện) 21/06/2021 08:48

Sự khủng khiếp của Covid-19 và cả những biến thể, biến tướng của nó thì đã quá rõ ràng, dư chấn sẽ còn kéo dài rất nhiều năm nữa. Nhìn lại lịch sử, những biến cố lớn như thiên tai, đại dịch, chiến tranh… đều để lại những dấu ấn khó phai mờ trong văn chương. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về câu chuyện sáng tác thế nào giữa thời Covid-19 với các cây bút gốc Quảng đang sinh sống tại Sài Gòn và Hà Nội.

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC (SÀI GÒN): “LỢI THẾ” CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

 

Covid-19 dù đang tung hoành và gây lo lắng, đau khổ, nhưng nghĩ cho cùng, cũng là… một “lợi thế” cho người cầm bút. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên là “Đóng cửa phòng văn hì hục viết”, để khỏi phải bị “Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”, mà còn được khen là chấp hành tốt quy định của Nhà nước.

Với người cầm bút, điều lý tưởng nhất vẫn là có thời gian toàn tâm, toàn ý để sống cùng tác phẩm. Quá trình viết nhọc nhằn này mà không bị phân tâm bởi ngoại cảnh, bởi những lo toan sát sườn về cơm áo gạo tiền, rồi thỉnh thoảng còn bị chia năm xẻ bảy vì các mối quan hệ xã hội… thì còn gì bằng.

Có những tài năng lớn, dù bận rộn trăm công ngàn việc, họ vẫn viết được tác phẩm để đời. Ấy là sự ngoại lệ. Còn nhìn chung những người “thường thường bậc trung” như chúng ta đây vẫn cần có thời gian cho riêng mình để dành cho việc trau chuốt tác phẩm.

Tôi có anh bạn thân thiết là nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái, do những ngày giãn cách, anh đã “giết” thời gian bằng cách nhẩn nha chọn lọc các hình ảnh đã chụp về Hội An. Chụp từ tháng 7.1973 đến nay, bao nhiêu ngàn ảnh, làm sao chọn những tấm ưng ý nhất, nếu không toàn tâm, toàn ý?

Xin thưa, trong nghịch cảnh, bao giờ người ta cũng tìm ra sự “thuận cảnh” hữu ích. Nhờ thế, tập sách “Hội An - Lang thang phố nhớ” của Tam Thái nay đã hoàn thành bản thảo ngon lành, mà trước đó anh cứ nợ vì bận rộn với công việc thường nhật.

Thêm trường hợp khác mà tôi biết là nhà văn Nguyễn Đông Thức. Những ngày này không thể bia bọt, bù khú bạn bè như thường lệ, anh đã đóng cửa viết nháp hàng trăm trang tiểu thuyết mà bấy lâu nay đã thai nghén.

Ý tôi muốn nói là dẫu Covid-19 có tác động đến toàn xã hội cỡ nào đi nữa, thì mỗi người, kể cả người cầm bút, vẫn nên có cách sử dụng thời gian giãn cách một cách hiệu quả cho công việc của mình.

NHÀ THƠ LA MAI THI GIA (SÀI GÒN): “RẤT NHIỀU ĐỀ TÀI MỚI”

 

Tại thời điểm tôi đang ngồi viết những dòng này, Sài Gòn vẫn đang diễn ra dịch, cứ mỗi sáng nghe tin tức về số ca nhiễm mới thì dân thành phố lại lặng đi vì lo lắng: không biết lúc nào bản thân mình, người nhà lại trở thành F0, F1…

Nghĩ đến cảnh phải ôm chăn màn tạm biệt gia đình đi vào khu cách ly, hoặc những đứa con bé xíu của mình có nguy cơ lây nhiễm đã lo lắng đến căng thẳng và rơi nước mắt.

Đại dịch đã kéo dài cả 2 năm, một thảm họa khủng khiếp với nhân loại. Đây không chỉ là một đại dịch, nhiều bạn bè tôi vẫn coi đấy là một cuộc chiến tranh sinh học, một thế chiến thứ 3… Và trận chiến giữa loài người với dịch bệnh này đã ảnh hưởng, tác động đến sáng tác của các nhà văn, nhà thơ thế nào ư? Tôi nghĩ là rất nhiều!

Nhiều nhà văn, nhà thơ từ lâu quá bận rộn không còn thời gian viết, thì trong đại dịch này, khi bị cầm chân ở nhà, họ đã đọc và cầm bút viết… Tôi tin có nhiều tác phẩm đã được viết trong thời gian phong tỏa, cách ly…, hoặc vì thất nghiệp do nhà máy đóng cửa, công ty ngưng việc.

Riêng với tôi, mới một tuần giãn cách xã hội, không phải đến trường để giảng dạy, không phải họp hành, chỉ ngồi nhà và ngồi nhà, tôi đã đọc được số sách mà bình thường có khi cả tháng còn chưa đọc hết.

Đại dịch toàn cầu này đã mở ra trước mắt người viết rất nhiều đề tài mới, dù có muốn nhìn nhận hay không thì ngổn ngang sự kiện vẫn đập vào mắt chúng ta mỗi ngày. Người sáng tác nhìn đâu cũng thấy những câu chuyện, những cảnh đời, những vấn đề… cần được đưa vào trang viết.

Từ trận chiến tuyến đầu của các y bác sĩ phải rời xa chồng vợ, con thơ, cha mẹ, người yêu để đi vào tâm dịch, đến những con người mưu sinh từng ngày trên đường phố phải ngưng mọi hoạt động kiếm miếng ăn cho gia đình… Rồi cái đói, sự phá sản, cái chết… đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta. Tất cả đều là đề tài cho người sáng tác.

Viết làm sao để cho các thế hệ sau vẫn thấy rõ nỗi đau của những người vì Covid-19 và các biến thể của  nó mà ra đi không có người thân bên cạnh; viết làm sao để thấy được nỗi đau của những y bác sĩ mấy chục ngày phải xa gia đình đi làm nhiệm vụ và về thăm nhà chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào, rồi lại ra đi; viết làm sao để thấy nỗi đau của người con bay hàng ngàn cây số về thăm mẹ nhưng chỉ bước đến hàng rào cách ly rồi bị buộc quay đầu; hoặc nỗi đớn đau của đứa con từ trại cách ly quỳ lạy vong linh người cha vừa ra đi mà anh không thể nào về nhìn mặt cha lần cuối.

NHÀ VĂN LÊ ANH HOÀI (HÀ NỘI): “CÓ NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ TẬP TRUNG SÁNG TÁC”

 

Giãn cách, hạn chế tiếp xúc tạo cho văn nghệ sĩ có nhiều thời gian để tập trung sáng tác. Chẳng phải những trại sáng tác do các cấp hội tổ chức cũng mong muốn điều này sao? Tuy nhiên, ở nhà hoặc ngồi trong xưởng vẽ riêng tư thì luôn hiệu quả hơn các trại sáng tác rất nhiều. Đó là suy đoán vậy, chứ bản thân tôi chưa nhận lời tham dự trại sáng tác nào, nên khó để so sánh.

Là một người viết hứng thú với các chủ đề con người, xã hội đương đại, đại dịch khiến tôi có những suy tư, gợi cảm hứng khá nhiều. Đại dịch thì đe dọa sức khỏe và tính mạng con người, gây ra rất nhiều thiệt hại về văn hóa, xã hội, kinh tế… Tuy nhiên, tôi không dành nhiều thời lượng để phản ánh điều này, mà lồng vào đây cái nhìn hài hước, giễu nhại để đưa ra những suy tư về tâm lý con người nhiều hơn.

Tôi làm luân phiên giữa viết văn, vẽ tranh và làm thơ, hợp với cái nào thì làm cái nấy. Tôi có viết một loạt bài thơ với tiêu đề chung là Ghi chép, kèm đánh số theo trình tự sáng tác. Trong đó có rất nhiều câu liên quan đến chủ đề này, ví dụ: “đi bộ qua những căn nhà im ỉm/ những ánh mắt vằn truy vết tôi/ ta sợ nhau như người từng sợ cả chim trời…”.

Hoặc: “mùa ôn dịch/ em mừng vì tiết kiệm được phấn son/ đeo kính và khóc trong khẩu trang rất gọn…”.

Hoặc: “đêm qua tôi mơ mình là tráng sĩ/ tuốt gươm xông vào doanh trại corona/ tên chúa trùm quỳ lạy xin tha/ nhưng hắn không đeo khẩu trang thế là tôi chạy/ may mà thoát…”.

Hoặc: “ngày mở với chất lượng không khí ở mức tuyệt vời cho sức khỏe/ tạo kháng thể chống cô-vi/ trời thì xanh, mây thì trắng, gió thì mơn man/ này hỡi xe ôm, cho một cuốc xe cùng trời cuối đất…”.

Với tư cách là người vẽ, thời gian này tôi sáng tác được nhiều hơn. Có lẽ để tự cân bằng và có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn về màu sắc và ánh sáng, tôi vẽ khá nhiều tĩnh vật. Lặng im nhìn thật kỹ ánh sáng trên các đồ vật, hoa lá rồi cố gắng thể hiện những điều đó ra trên toan. Tôi nghĩ đó cũng là một cách tự sắp xếp tâm trí rất tuyệt vời. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáng tác văn chương giữa thời Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO