Sáng tạo của Hội An với bài chòi

ĐỖ HUẤN 08/12/2023 09:30

Hội An tự hào là nơi có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (được UNESCO xét công nhận 7/12/2017). Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, Hội An không chỉ giữ gìn và phát huy hiệu quả giá trị loại hình diễn xướng dân gian này mà còn tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.

Diễn xướng bài chòi là sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An. Ảnh: Đ.HUẤN
Diễn xướng bài chòi là sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An. Ảnh: Đ.HUẤN

Hành trình sống dậy bài chòi

Có một thời gian khá dài, loại hình hô hát bài chòi tưởng chừng đã mai một. Ở Hội An cũng vậy! Từ khi có “Đêm phố cổ Hội An” (khởi xướng năm 1998), bài chòi mới xuất hiện trở lại với hình thức “hội” chơi và được phục hồi những nét văn hóa đặc sắc của nó.

Chính “Đêm phố cổ”, nhờ vào các điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng của phố, nhờ vào lượng người dân và du khách đến với lễ hội ngày càng đông nên trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy ở nội thị (được tổ chức hằng đêm). Còn ở các thôn, khối phố ở ngoài khu phố cổ, trò chơi bài chòi được tổ chức theo định kỳ mỗi dịp lễ tết, hội hè.

Trên địa bàn Hội An hiện có khoảng 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia các chương trình lễ hội hàng năm.

Riêng ở Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố, Đội tuyên truyền văn nghệ lấy dân ca - bài chòi làm loại hình biểu diễn nghệ thuật chủ yếu. Nhà hát nghệ thuật cổ truyền Hội An cũng xây dựng được đội ngũ hô hát bài chòi xuất sắc để phục vụ công chúng với tần suất hoạt động rất cao.

Tại những hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của thành phố, các tiết mục hô hát bài chòi thường xuyên được đội văn nghệ xã phường, trường học, doanh nghiệp lựa chọn đầu tư dàn dựng để tham gia. Trong các lễ hội làng xã, xóm thôn, diễn xướng và trò chơi bài chòi trở thành hoạt động thông lệ ở hầu hết địa bàn dân cư.

ThS.Phùng Tấn Đông - người có nhiều nghiên cứu về văn hóa Hội An cho rằng, chính những hoạt động mà Hội An nỗ lực thực hiện đã tạo ra lớp công chúng đắc lực của Nghệ thuật bài chòi.

“Nhân dân ở các vùng như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại, Thanh Hà, Cẩm Hà… nói chung nơi nào cũng có công chúng của bài chòi. Chính vì vậy mà khi trò chơi được phục dựng đã có khán giả của hô hát bài chòi. Cho nên nó tương thích với sở thích của đông đảo người dân. Đây là cơ sở để bài chòi càng ngày càng lan tỏa, được bảo tồn và phát triển” - ông Đông nói.

Trong các trường học, bắt đầu từ năm 2004, Trung tâm VH-TT Hội An (nay là Trung tâm VH-TT&TT-TH) phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố đã đưa bộ môn hát dân ca - bài chòi vào trường học bậc THCS.

Và từ năm 2011 đến nay, trung tâm còn mở lớp học hát dân ca - bài chòi hằng đêm tại hoạt động “Phố đêm” trong khu phố cổ dành cho các em thiếu nhi. Lớp học này cũng sẵn sàng đón khách du lịch tham gia học hát. Hoạt động này ngoài mục đích bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi còn tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn trong khu phố cổ.

Sáng tạo để giữ gìn

“Tiếng lành đồn xa”, liên tục nhiều năm bài chòi Hội An được mời diễn giao lưu văn hóa và phục vụ lễ hội, sự kiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế, ở nhiều nước khác nhau từ Đức, Hunggary, sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Úc… Và với hoạt động du lịch ở Hội An, trò chơi bài chòi đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân và du khách thập phương khi đến tham quan khu phố cổ.

Từng tham gia hoạt động hô hát bài chòi trong các “Đêm phố cổ”, anh hiệu Minh Nhanh ở phường Cẩm Châu nói: “Không riêng khách trong nước mà khách quốc tế cũng hay đến lắng nghe mình diễn xuất. Trò chơi này gọi là diễn xướng bài chòi nên luôn phải vừa hát vừa diễn để khách hiểu và biết được loại hình dân gian này. Cho nên khách ngày càng yêu mến và mỗi lần về Hội An là tìm đến cùng chơi bài chòi”.

Để tạo được sự yêu thích, hấp dẫn du khách là cả quá trình sáng tạo công phu của những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật ở Hội An. Bởi, vừa phải giữ cho được phần tinh túy, hồn cốt của Nghệ thuật bài chòi, vừa phải tạo ra độ tương thích, hòa nhịp với cuộc sống đương đại.

Ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố cho rằng, phải biết quốc tế hóa bài chòi, khi giới thiệu bài chòi cũng phải sử dụng tiếng Anh, rồi khi con bài đến cũng phải sử dụng tiếng Anh để hướng dẫn du khách, thậm chí hướng dẫn cả cách chơi và giải thích những ưu điểm của bài chòi.

“Đặc biệt, Hội An là nơi tiếp nhận du khách trong cả nước từ mọi vùng miền cho nên cách phát âm, giọng địa phương cũng phải biết điều chỉnh cho phù hợp để khách dễ hiểu; đồng thời phải tạo ra lớp nghệ nhân hô hát bài chòi thật sự hấp dẫn. Và những lớp nghệ nhân diễn giỏi, hát hay là những người làm cho trò chơi bài chòi sống lại”.

Nhân kỷ niệm 6 năm đón Bằng công nhận Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gợi lại hành trình đã qua để ghi nhận đóng góp quan trọng và hiệu quả của Hội An về giá trị thực hành để Nghệ thuật bài chòi được vinh danh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáng tạo của Hội An với bài chòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO