Theo phương án tổng thể được Bộ Nội vụ thống nhất, Quảng Nam có 4 xã phải thực hiện sắp xếp lại do không đủ tiêu chuẩn về diện tích và dân số gồm xã: Quế Phước (Nông Sơn); xã Quế Cường (Quế Sơn); xã Quế Bình, thị trấn Tân An (Hiệp Đức). Ngoài ra, có 2 xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận (không thuộc trường hợp phải sáp nhập do thiếu cả 2 tiêu chí) nhưng thuộc diện khuyến khích sáp nhập theo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 653/2019/UBTVQH; UBND huyện Hiệp Đức cũng đề nghị sáp nhập trong giai đoạn này. Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, Quảng Nam còn 240 xã, giảm 4 xã so với hiện tại.
BÀI 1: ĐỒNG THUẬN NHƯNG CÒN BĂN KHOĂN
Việc xây dựng đề án thực hiện sáp nhập đã được 3 địa phương có ĐVHC xã phải sắp xếp triển khai. Ghi nhận từ cơ sở cho thấy, hầu hết nhân dân đều đồng thuận, các khâu chuẩn bị diễn ra thuận lợi, tuy nhiên cũng còn những vướng mắc, ý kiến khác nhau trước thời điểm về “ở chung nhà”...
Những tâm tư
Từ cuối tháng 8, các tổ công tác thực hiện đề án sắp xếp, hợp nhất xã Quế Cường và xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn) đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến nhân dân địa phương. Ông Tô Văn Dũng (thôn Xuân Lư, xã Quế Cường) chia sẻ, bà con trong thôn hoàn toàn thống nhất với chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp xã trong bối cảnh không đủ tiêu chuẩn về diện tích, dân số.
“Không ai từ chối hay khiếu nại, khiếu kiện gì chuyện hợp nhất xã. Việc này làm cho bộ máy chính quyền cấp cơ sở được tinh gọn, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ, xây dựng kinh tế, mọi mặt sẽ phát triển hơn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi còn chút băn khoăn, bởi truyền thống lịch sử của thôn Xuân Lư trước đây là làng Hương Lư. Năm 2008, một nửa làng Hương Lư đã nhập về xã Hương An. Bao đời nay đã gắn bó rồi, bây giờ, nguyện vọng của người dân chúng tôi là nhân việc hợp nhất này tạo điều kiện cho dân Xuân Lư về xã Hương An, sáp nhập lại theo làng cũ, thuận tiện hơn cho việc xây dựng làng văn hóa, tộc họ văn hóa, gia đình văn hóa. Nếu nhập về Hương An, chúng tôi đi về trung tâm xã, đi chợ cũng chỉ mất chưa đầy 5 phút, rất thuận tiện, lại phù hợp với truyền thống xa xưa. Hợp nhất thì vẫn là Quế Sơn, vẫn quê hương đây, nhưng thiết nghĩ nơi nào thuận tiện hơn thì nên tính toán, tạo điều kiện để thuận lợi nhất cho người dân” - ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Cường, công tác sắp xếp, hợp nhất ĐVHC xã Quế Cường vào xã Phú Thọ đã được UBND huyện, các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Để chuẩn bị cho đề án này, tổ công tác của xã đã tổ chức tiếp xúc, lấy ý kiến nhân dân về việc thực hiện hợp nhất. Kết quả lấy ý kiến lần 1 vào cuối tháng 8 vừa qua, tổng số cử tri đồng ý là 1.395/2.899, chiếm 48,98%. Tỷ lệ này khá thấp, nguyên do là có đến gần 94% số cử tri thôn Xuân Lư được lấy ý kiến không đồng ý với việc hợp nhất về xã Phú Thọ. Huyện ủy Quế Sơn chỉ đạo cho tổ khảo sát tiếp tục tiếp xúc cử tri thôn Xuân Lư để tìm được tiếng nói chung.
“Hợp nhất xã, mất đi một cái tên địa giới hành chính cũng là một niềm luyến tiếc. Nhưng đây là chủ trương lớn, cán bộ, đảng viên ở địa phương cũng rất hiểu và đồng thuận. Công việc của cán bộ địa phương vẫn vậy, chỉ có một số anh em cán bộ không chuyên trách có phần không siêng năng như trước vì sắp tới sẽ phải nghỉ theo đề án tinh giản. Thời điểm này, nhiều xã đã bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ xã, riêng chúng tôi vẫn đang còn nghe ngóng, chờ chỉ đạo của huyện, chưa biết tính sao” - ông Sơn chia sẻ.
Nếu như ở xã Quế Cường, việc hợp nhất còn vấp phải những băn khoăn của bà con cử tri, thì ở xã Phú Thọ mọi việc thuận lợi hơn khi 100% số cử tri được lấy ý kiến đều đồng thuận. Tuy nhiên, tâm tư lại đến từ phía cán bộ xã.
Ông Nguyễn Trường Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ chia sẻ, Phú Thọ đang là xã loại 1, nhưng sau hợp nhất sẽ trở thành xã loại 2. Vừa lo việc hợp nhất sẽ dôi dư cán bộ, vừa phải thực hiện theo Nghị định 34 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách xã, thôn; người làm việc giảm xuống, công việc nhiều lên, trong khi chế độ chính sách cũng sẽ giảm. Cán bộ hoạt động chuyên trách của xã từ 20 người, qua tinh giản xuống còn 12, công chức cũng giảm 2 chỉ tiêu biên chế, sắp tới hợp nhất có thể sẽ còn giảm nhiều nữa. “Đây là câu chuyện được bàn tán từ nhiều hôm nay, nhưng chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời cụ thể để ổn định tư tưởng cho anh em” - ông Sang nói.
Vừa nhập đã tách
Tại Hiệp Đức, theo kết quả lấy ý kiến cử tri ngày 27.8.2019, có 51,45% cử tri toàn xã đồng ý với đề án sáp nhập một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Quế Thọ (gồm toàn bộ thôn Hóa Trung, một phần thôn Cẩm Tú và thôn Mỹ Thạnh) vào thị trấn Tân An. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát xác định lại địa giới hành chính, phương án sáp nhập theo đề án vừa nêu đã có sự thay đổi cho phù hợp, giảm bớt sự xáo trộn theo hướng tính toán sáp nhập toàn bộ thôn Hóa Trung và 3/4 thôn Mỹ Thạnh vào thị trấn Tân An.
Tham gia góp ý vào phương án sáp nhập mới này, ông Đặng Ngọc Tam - Tổ trưởng tổ đoàn kết số 4 (thôn Mỹ Thạnh) cho rằng, sau khi sáp nhập về thị trấn Tân An, thôn Mỹ Thạnh chỉ còn có 49 hộ ở tổ 1, nếu được nên cho sáp nhập hết thôn này về thị trấn. “Hầu hết người dân đều đồng thuận với chủ trương, phương án đưa ra, dù vẫn còn có tâm tư rằng khi về thị trấn họ phải đóng các loại phí cao hơn so với lúc còn ở xã Quế Thọ, điểm cộng ưu tiên cho con em thi vào đại học cũng bị ảnh hưởng... Nhưng chúng tôi đều kỳ vọng, khi sáp nhập về thị trấn Tân An, lên khối phố, Mỹ Thạnh sẽ được đầu tư tương xứng để phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân sẽ được nâng cao” - ông Tam chia sẻ.
Tuy nhiên, việc sáp nhập hết thôn Mỹ Thạnh về thị trấn Tân An theo ý kiến của ông Đặng Ngọc Tam hay nhiều người dân địa phương là không thể thực hiện, do Tân An đã đủ diện tích tự nhiên theo đề án. Các ý kiến thảo luận đều cơ bản nhất trí với việc chia tách thôn An Cường của xã Quế Thọ thành hai thôn An Xá và An Tây và sáp nhập tổ 1 (49 hộ dân) còn lại của thôn Mỹ Thạnh vào thôn An Tây. Theo phương án này, thôn An Xá và An Tây vừa hợp nhất để thành lập thôn An Cường vào tháng 4.2019 vừa qua theo đề án sắp xếp thôn/tổ dân phố thì nay có thể lại bị “xé” ra một lần nữa.
Ông Lê Ngọc Hoàng - Trưởng thôn An Cường tâm sự, sau khi hợp nhất hai thôn An Tây và An Xá thành thôn An Cường, nhiều hộ dân đã làm lại các loại giấy tờ, nay lại tách lập thôn mới chắc hẳn người dân sẽ có sự thắc mắc, tâm tư khi lại phải đi làm mới giấy tờ. “Vậy nên, đề án cần có tính toán kỹ; việc tuyên truyền, giải thích phải được thực hiện tốt để mọi người hiểu, đồng thuận, không có lời ra tiếng vào” - ông Hoàng nói.
Trong khi đó, tại Quế Bình, thực hiện sáp nhập thôn/khối phố, địa phương này còn 3 thôn, giảm 1 thôn so với trước đây. Người dân đã thực hiện thay đổi giấy tờ, hộ khẩu, CMND để thực hiện vay vốn phát triển kinh tế và các giao dịch khác. Ban đầu khi triển khai chủ trương sắp xếp, hợp nhất xã Quế Bình với xã Quế Lưu, bà con bày tỏ quan điểm không thống nhất, vì có tâm lý không muốn phải làm lại giấy tờ thủ tục một lần nữa. Nhưng đó chưa phải là lý do lớn nhất.
Ông Phạm Thanh Ba - Chủ tịch UBND xã Quế Bình cho hay, xã Quế Bình đã được công nhận xã anh hùng; theo truyền thống lịch sử, ngày 16.2 âm lịch hàng năm là hội làng của người dân tại đình làng Bình Huề, đây là di tích lịch sử cấp tỉnh, là niềm tự hào của nhân dân địa phương. “Bà con ban đầu muốn giữ lại cái tên của xã anh hùng cũng như các di tích quan trọng khác ở xã. Tuy nhiên, sau quá trình giải thích, vận động, phổ biến các quy định, chủ trương của Trung ương, của tỉnh, hơn 78% cử tri toàn xã thống nhất với đề án thành lập xã Quế Tân Nam trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Quế Bình và Quế Lưu” - ông Ba cho hay.
_______
Bài 2: Thận trọng gỡ vướng