Nhà nước và cử tri

Sáp nhập xã Tiên Cẩm và xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước): Người dân mong giữ tên Tiên Sơn

HÀN GIANG - TÂM ĐAN 24/04/2024 08:39

Nơi đặt trụ sở và tên gọi đơn vị hành chính xã mới khi huyện Tiên Phước sáp nhập xã Tiên Cẩm và xã Tiên Sơn nhận được nhiều sự quan tâm của người dân địa phương.

anh-2.jpg
Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên, người dân còn băn khoăn khi trụ sở xã Tiên Sơn không được chọn làm Trung tâm hành chính xã mới sau sáp nhập. Ảnh: Đ.V

Những băn khoăn

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Tiên Phước giai đoạn 2023 - 2025, địa phương sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tiên Cẩm và xã Tiên Sơn để thành lập xã Tiên Sơn Cẩm.

Lý giải về việc lấy tên gọi Tiên Sơn Cẩm, theo UBND huyện Tiên Phước, hai xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa tương đồng nhau.

Tên gọi Tiên Sơn Cẩm phù hợp với tên gọi của các xã thuộc huyện Tiên Phước là dùng chữ Tiên ở đầu của tên gọi; không trùng tên với các xã, thị trấn còn lại. Đồng thời đảm bảo việc giữ lại một phần tên gọi của 2 xã sau khi sáp nhập; hài hòa tâm tư, tình cảm của người dân hai địa phương.

Việc sáp nhập hai xã nêu trên giải quyết được vấn đề sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030 đối với xã Tiên Sơn. Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính xã mới là 40,11km2 (đạt 80,22% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 7.383 người (đạt 147,66% so với tiêu chuẩn). Trụ sở xã Tiên Cẩm hiện nay được chọn làm trụ sở của đơn vị hành chính xã mới.

Thống nhất với chủ trương sáp nhập xã Tiên Cẩm và Tiên Sơn, tuy nhiên, người dân xã Tiên Sơn còn băn khoăn về việc lựa chọn tên gọi và nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã mới theo đề án được UBND huyện xây dựng.

Theo kết quả nắm bắt thông tin trên địa bàn xã Tiên Sơn gửi đến Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính huyện Tiên Phước, có ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thống nhất với địa điểm chọn đặt trụ sở đơn vị hành chính xã mới.

Nếu chọn Tiên Cẩm đặt trụ sở đơn vị hành chính thì điểm cuối của Tiên Sơn là thôn 4 và thôn 6 cách trung tâm xã 13km; điểm cuối của Tiên Cẩm là thôn Cẩm Phô và Cẩm Đông cách 4km.

Nếu chọn Tiên Sơn làm đơn vị hành chính thì điểm cuối của xã Tiên Sơn là thôn 4 và thôn 6 đến trung tâm xã 7 km; điểm cuối của xã Tiên Cẩm là thôn Cẩm Phô và Cẩm Lãnh đến trung tâm xã 7km. Vì vậy, chọn trung tâm hành chính ở xã Tiên Sơn sẽ khoa học hơn, đảm bảo tính cơ động trong quản lý, giải quyết công việc cao hơn.

Ông Đặng Tấn Minh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiên Sơn cho rằng, sáp nhập xã là rất hợp lý, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, việc chọn nơi đặt trung tâm hành chính và tên gọi xã sau khi sáp nhập cần được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để đưa ra quyết định phù hợp.

“Tên gọi xã mới như đề án đưa ra cũng rất lạ, chỉ để không mất lòng nhau. Theo tôi nên giữ tên gọi xã mới là Tiên Sơn vì nó gắn liền với nhiều sự kiện, bề dày về truyền thống lịch sử, địa lý, văn hóa tinh thần của vùng đất cách mạng Sơn - Cẩm - Hà. Từ trong kháng chiến đến nay Tiên Sơn luôn là xã đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng” - ông Minh nói.

anh-1.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tiên Phước tổ chức hội nghị phản viện đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Đ.V

Đề xuất giữ tên xã Tiên Sơn

Ngày 19/4 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tiên Phước tổ chức hội nghị phản biện đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025.

Chia sẻ về kết quả hội nghị, ông Nguyễn Chính - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tiên Phước cho hay, do chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nên xã Tiên Cẩm thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

Trong khi đó, xã Tiên Sơn là xã liền kề được sắp xếp. Địa điểm đặt trụ sở đơn vị hành chính xã mới đã được Ban Thường vụ Huyện ủy bàn và thống nhất chọn trụ sở xã Tiên Cẩm hiện nay, bởi nằm ở vị thế thuận lợi để phát triển, đồng thời cơ sở vật chất của xã mới được đầu tư xây dựng cách đây 2 năm. Trong khi đó, trụ sở xã Tiên Sơn đã xây dựng khoảng 20 năm.

Trước mắt, đề án chọn trụ sở xã Tiên Cẩm để làm nơi làm việc của xã mới. Còn về lâu dài, huyện sẽ quy hoạch xây dựng trụ sở của đơn vị hành chính xã mới đảm bảo nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc đi đến giải quyết thủ tục hành chính của người dân các thôn.

Tại hội nghị phản biện đối với dự thảo đề án, các ý kiến đại biểu, kể cả cán bộ hai xã đều cho rằng lấy tên xã mới theo đề án là không phù hợp. Trên cơ sở phản biện, hội nghị thống nhất đề xuất lấy tên xã mới là Tiên Sơn.

Các ý kiến cho rằng, tên gọi xã Tiên Sơn xuất hiện cách đây đã 76 năm, còn tên gọi xã Tiên Cẩm xuất hiện sau, cách đây 43 năm. Xã Tiên Sơn ghi dấu ấn lịch sử sâu sắc đối với phong trào yêu nước và cách mạng của Quảng Nam, và có phong trào yêu nước của cả nước cũng xuất phát từ đây.

Việc sử dụng tên xã Tiên Sơn để đặt cho đơn vị hành chính mới là phù hợp với quy định “khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp” tại Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, sau khi sáp nhập, số người dân phải chuyển đổi giấy tờ tùy thân cũng ít hơn (vì dân số xã Tiên Cẩm ít hơn). “Sau khi thảo luận, các ý kiến thống nhất đề xuất lấy tên xã mới là Tiên Sơn và đặt trụ sở tại xã Tiên Cẩm” - ông Nguyễn Chính cho biết.

Theo ông Phan Văn Dương - Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính huyện Tiên Phước, với quan điểm sáp nhập để phát triển nên việc đặt trụ sở cơ quan hành chính ở Tiên Cẩm thuận lợi hơn về giao thông, giao thoa kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền.

Còn về truyền thống lịch sử hai xã đều tương đồng nhau… Mọi công việc đến nay là bước chuẩn bị trong quá trình xây dựng đề án, phải chờ lấy ý kiến cử tri để có quyết định cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáp nhập xã Tiên Cẩm và xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước): Người dân mong giữ tên Tiên Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO