Hôm rồi có việc đi miền Nam, trên xe vô tình nghe cuộc trò chuyện liên quan đến thủ tục đất đai. Nội dung xoay quanh việc hiện người này không thể làm hồ sơ đất do huyện không giải quyết, mà nguyên nhân theo như cán bộ huyện nói là đang sáp nhập. Trong những ngày thực hiện sáp nhập tỉnh và xã, bỏ cấp huyện như hiện nay, tình trạng trên có lẽ xảy ra ở không ít nơi.
Công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương là chủ trương đúng đắn ai cũng thừa nhận.
Nhưng cũng phải thừa nhận thêm một điều là sự chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương ba cấp sang hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), sắp xếp các sở ngành, sáp nhập tỉnh diễn ra quá nhanh, dẫn đến những “cú sốc” tâm lý làm xao nhãng chức trách là điều khó tránh khỏi.
Cho nên, trong giai đoạn chuyển giao mô hình trước khi chính quyền cấp huyện kết thúc hoạt động, cũng như nhập tỉnh, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, thông suốt là điều cấp thiết đặt ra.
Bởi, dù có nhanh đến đâu thì việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình cũng cần có thời gian, nhưng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp là không thể chờ đợi.
Cũng vì dự phòng trường hợp xao nhãng giải quyết thủ tục hành chính xảy ra trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, song song với triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều công văn đôn đốc các ngành, địa phương đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, thông suốt.
Trong các hội nghị, cuộc họp quan trọng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng thường xuyên nhắc nhở vấn đề này. Càng đến gần giờ G sự đôn đốc càng dày.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong tháng 4/2025, toàn tỉnh tiếp nhận tổng cộng 127.952 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó cấp tỉnh 72.519 hồ sơ, cấp huyện 36.255 và cấp xã 19.178 hồ sơ. Về kết quả xử lý, toàn tỉnh đã giải quyết 121.266 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng và trước hạn 120.488 hồ sơ (đạt 99,36%).
Toàn tỉnh cũng đã số hóa 88.285 hồ sơ, đạt 100% đối với hồ sơ thuộc diện bắt buộc số hóa theo quy định… Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rõ rệt của các cơ quan hành chính trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, cuối tuần qua UBND tỉnh ban hành Công văn số 3785 tiếp tục nhắc nhở các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiệm vụ, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, thông suốt, nhất là khi kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện và chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Công văn lần này có cả phụ lục “Danh mục 346 thủ tục hành chính cấp huyện” để giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ chỉ đạo rà soát, đề xuất chuyển giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho UBND cấp xã hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Những chỉ đạo sát sườn như trên là kịp thời, bởi đặc thù địa lý Quảng Nam đa dạng vùng miền, đòi hỏi quá trình chuyển đổi phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong tiếp cận dịch vụ công.
Nếu không rà soát, chuyển giao nhiệm vụ phù hợp, có thể làm gián đoạn hoạt động hành chính, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, cả trước - trong và sau sắp xếp.
Đặc biệt, những thủ tục có thể đưa về cấp xã cần được hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể ngay từ bây giờ. Đồng thời chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu số, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các cấp chính quyền, gắn với chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hành chính để phục vụ giải quyết thủ tục một cách chính xác và nhanh chóng.
Chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền là một quá trình phức tạp nhưng cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong đó, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, thông suốt không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà chính là thước đo lòng tin của người dân vào công cuộc cải tổ lần này.