Nhân dân đồng thuận, chính trị ổn định, kinh tế phát triển…, là những điểm nổi bật khi nhìn lại gần 2 năm huyện Hiệp Đức thực hiện sáp nhập thị trấn Tân An và xã Quế Bình để thành lập thị trấn Tân Bình.
Phát huy nội lực
Thị trấn Tân Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là thị trấn Tân An và xã Quế Bình. Thị trấn Tân Bình có tổng diện tích tự nhiên 23,17km2, quy mô dân số 6.249 người. Sau khi thành lập thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức có 10 xã và 1 thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, tại thời điểm sắp xếp, số cán bộ công chức (CBCC) dôi dư 20 người; hoạt động không chuyên trách dôi dư 18 người.
Đến nay huyện đã thực hiện sắp xếp ổn định 18 CBCC (còn dôi dư 2 trường hợp) gồm: điều động đến các xã khác 7 trường hợp; chuyển CBCC cấp xã thành công chức cấp huyện 6 trường hợp; vận động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưởng chế độ theo quy định 4 trường hợp; chuyển thành người hoạt động không chuyên trách 1 trường hợp.
Huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động và giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư theo Quyết định số 3509 ngày 5.11.2019 của UBND tỉnh với tổng kinh phí hơn 340 triệu đồng/18 trường hợp.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng khác sau thành lập thị trấn Tân Bình đã được huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Việc sắp xếp đơn vị hành chính đã góp phần giảm đầu mối theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực ngân sách, giảm số lượng người hưởng lương (18 người), phụ cấp (18 người) từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Đức nhìn nhận: “Cái được lớn nhất là nhân dân ủng hộ, đồng thuận cao. Đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách, dù dôi dư, tinh giảm nhưng tinh thần, tư tưởng, quan điểm hết sức đoàn kết, thống nhất.
Đời sống nhân dân không những ổn định, duy trì mà phát triển rất tốt. Giá trị kinh tế trên các lĩnh vực của thị trấn Tân Bình đều đạt cao. Đặc biệt là hộ nghèo giảm mạnh.
Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể được đánh giá tốt. Việc sáp nhập đã tạo điều kiện, tiềm năng để tiếp tục phát triển, nâng tầm đô thị Tân Bình trong tương lai… Tất cả điều đó khẳng định chủ trương sáp nhập là đúng đắn”.
Cần sự hỗ trợ
Tạo điều kiện cho địa phương phát triển, lãnh đạo huyện Hiệp Đức kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Nghị quyết số 1211 nhằm đánh giá đúng tình hình thực tế giữa các địa phương.
Bởi có những địa phương ở khu vực miền núi dân số ít, phân bố không đồng đều, do đó nếu đáp ứng được tiêu chí về dân số thì diện tích lại quá rộng, khó khăn trong quản lý địa bàn.
Trung ương cần có chính sách đầu tư riêng đối với đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập sau sắp xếp, nhằm đảm bảo điều kiện để sớm phát triển. Về phía tỉnh, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thị trấn Tân Bình phát triển đồng bộ, phát huy tốt vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện.
Đặc biệt, trước mắt đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất tại trụ sở làm việc để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu giải quyết công việc cho tổ chức, công dân.
Sau khi thị trấn Tân Bình được thành lập, để phát huy tốt vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện, đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, đến năm 2035 đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, UBND huyện Hiệp Đức đã triển khai ngay công tác quy hoạch 1/5.000 đối với thị trấn.
Đồng thời bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị, nhất là tập trung định hướng đầu tư phía tây thị trấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trấn Tân Bình được đầu tư xây dựng 20 công trình với tổng số tiền hơn 163 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Văn Tỉnh nói, để tạo điều kiện phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị sau sáp nhập đơn vị hành chính, tỉnh cần quan tâm, có chương trình, nguồn lực riêng đầu tư phát triển đô thị, bởi lâu nay mới chỉ dừng ở đầu tư quy hoạch…