Sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố: Mấu chốt vẫn là chuyện nhân sự

HÀN GIANG - THÀNH CÔNG 01/03/2019 06:16

Việc tinh giản bộ máy, cắt giảm phụ cấp; thực hiện sắp xếp, tổ chức 1.003 thôn/khối phố còn 515 thôn/khối phố đang được các địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện. Khó khăn lớn nhất nhiều địa phương gặp phải là chuyện nhân sự. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận việc triển khai ở cơ sở, cùng những băn khoăn, tâm tư từ cán bộ thôn - những người sẽ nghỉ việc và người nhận đảm đương công việc...

Đảng ủy xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) họp Chi bộ thôn Kim Đới và Chi bộ thôn Kim Thành để thống nhất các nội dung liên quan việc sáp nhập hai thôn. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Đảng ủy xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) họp Chi bộ thôn Kim Đới và Chi bộ thôn Kim Thành để thống nhất các nội dung liên quan việc sáp nhập hai thôn. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Đã có không ít nỗi niềm của những người trong cuộc. Người còn tiếp tục công việc thì băn khoăn về chế độ chính sách, lo lắng trước áp lực của bộn bề công việc sau sáp nhập thôn, khối phố. Người phải tinh giản sau sắp xếp cũng có tâm tư trước khi “lui về”.

3 cán bộ - 5 chức danh

Cuộc họp tại UBND xã Tam Thăng một ngày cuối tháng 2 liên quan đến công tác nhân sự nhận được khá nhiều ý kiến của các trưởng thôn, bí thư chi bộ. Trước ngày sáp nhập thôn Kim Thành vào Kim Đới, Đảng ủy xã Tam Thăng quyết định mời những cán bộ thôn lên để gặp mặt, lắng nghe tâm tư. Theo kế hoạch, không chỉ giảm từ hai thôn còn một đối với Kim Thành và Kim Đới, mà còn phải cắt giảm cán bộ bán chuyên trách theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND về quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở các thôn trên địa bàn xã.

Không khí cởi mở, những nỗi niềm được lắng nghe. Ông Châu Ngọc Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng cho hay, với đề án sáp nhập, thôn Kim Đới mới có tổng cộng 600 hộ, địa bàn khá rộng, trong khi đó, chỉ có 3 cán bộ không chuyên trách đảm nhiệm 5 chức danh, sẽ là bộn bề công việc mới. Trước mắt, Đảng ủy xã muốn lắng nghe đề xuất, nguyện vọng của các cán bộ đương nhiệm, đồng thời đề nghị đề cử người giữ các chức danh mới sau khi sáp nhập. Phương án đưa ra là giải tán Chi bộ thôn Kim Thành, sáp nhập về Chi bộ thôn Kim Đới, bàn chọn giữa hai bí thư chi bộ để chọn một. Kết quả, cả hai bí thư chi bộ đương nhiệm đều… xin rút. “Những bí thư chi bộ cũ đều nguyên là cán bộ xã về hưu, tuổi cao, được động viên hoạt động không chuyên trách ở thôn. Tuy nhiên, đến khi lấy ý kiến, cả hai đồng chí đều xin nghỉ. Tuổi tác cao, với lượng công việc khá lớn sau khi sáp nhập thôn, rõ ràng sẽ có một áp lực lớn đối với cán bộ không chuyên trách. Chúng tôi hiểu áp lực đó của các cán bộ cơ sở. Phương án khác thay thế được tính đến, một đồng chí phó bí thư được đề cử giữ chức vụ với tiêu chí còn trẻ, nhiệt huyết, đủ năng lực và phẩm chất chính trị ” - ông Cảnh bộc bạch.

Và ngay trong tuần này, UBND xã Tam Thăng đã tổ chức lễ công bố quyết định về việc sáp nhập thôn Kim Đới và Kim Thành, có tên mới là thôn Kim Đới; công bố các quyết định giải thể chi bộ, các hội đoàn thể cũ, thành lập chi bộ, các hội đoàn thể mới; quyết định miễn nhiệm chức danh bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên hai thôn cũ và chỉ định chức danh lâm thời. Ông Trịnh Xuân Thu  - người được cử giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Kim Đới mới chia sẻ rằng, là một đảng viên, cựu quân nhân, ông hiểu và ý thức trách nhiệm của mình trong công việc chung. Tuy nhiên, trước mắt vẫn là nhiều điều mới mẻ, không biết công việc sắp đến sẽ như thế nào, bộ máy mới vận hành ra sao, bà con có đồng thuận không. “Sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ thôn mới có, cũ có, chắc chắn cũng sẽ không thể hoạt động trơn tru ngay được” - ông Thu nói.

Nhiều áp lực

Chia sẻ câu chuyện thực hiện đề án ở các thôn thuộc vùng miền núi, ông Nguyễn Văn Hoa - Bí thư Chi bộ thôn Tống Coói (xã Ba, Đông Giang) nói, việc sáp nhập đòi hỏi trách nhiệm của cán bộ cơ sở phải được phát huy tốt hơn. Với đặc thù miền núi, có nhiều chương trình, chính sách, việc triển khai từ cơ sở có vai trò quan trọng. Nay, đội ngũ này vừa phải tinh giản đi, vừa đảm nhiệm một địa bàn rộng hơn, sẽ không tránh khỏi áp lực. “Ở địa bàn các thôn mà bà con có sự gần gũi, đoàn kết thì sau khi sáp nhập vẫn dễ triển khai công việc. Nhưng đặt trường hợp ở miền núi, dân cư khá thưa thớt, nhiều làng xóm trước đây có nảy sinh xung đột, sau khi sáp nhập, sẽ nảy sinh khó khăn cho đội ngũ cán bộ thôn trong việc thực hiện chế độ, chính sách; các hoạt động từ cơ sở khó đạt được sự đồng thuận” - ông Hoa nói.
Theo thống kê, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay (kể các chức danh hưởng phụ cấp bằng 0,3 lần mức lương cơ sở) là gần 15.000 người. Ngoài các vị trí chủ chốt, những chức danh gồm phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội phụ nữ, chi hội trưởng hội nông dân, chi hội trưởng hội cựu chiến binh và bí thư đoàn thanh niên sẽ hoạt động “tự nguyện”, vì phần phụ cấp 0,3 lần mức lương cơ sở bị cắt. Một cán bộ phụ trách thanh niên thôn (xin giấu tên) cho biết thêm, bình thường, mức phụ cấp cũng chỉ đủ tiền xăng xe, song cũng là nguồn động viên cho anh em cơ sở hoạt động vì việc chung. Nay, nếu bị cắt giảm luôn, họ sẽ phải “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, trong khi công việc vẫn như vậy.

Ông Châu Ngọc Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng chia sẻ, không thể phủ nhận, cắt chế độ, tư tưởng của một bộ phận cán bộ thôn có sự dao động, công việc bắt đầu có phần chểnh mảng. Như thế, phong trào ở cơ sở sẽ bị ảnh hưởng. Kéo theo đó, xã cũng phải tăng cường cán bộ xuống cơ sở, việc sẽ nặng hơn, nhưng hiệu quả còn chưa thể khẳng định được, do thiếu những cánh tay nối dài ở cấp thôn. “Đây là khó khăn hiện hữu. Chúng tôi mong chính quyền cấp trên có chính sách, cơ chế để hỗ trợ, động viên cho anh em cơ sở tiếp tục cống hiến và gắn bó với phong trào. Anh em cán bộ cơ sở là đảng viên, chấp hành chủ trương chung, nhưng trên thực tế, điều kiện của nhiều người cũng còn khó khăn, do đó việc cắt giảm phụ cấp là nỗi niềm ưu tư của không ít cán bộ cơ sở hiện tại” - ông Cảnh nói.

HẠN CUỐI HOÀN THÀNH ĐẾN NGÀY 31.3

Theo chỉ đạo chung của tỉnh, đến 31.3 này các địa phương trên địa bàn phải hoàn thành việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố.

Việc sáp nhập thôn/khối phố đòi hỏi trách nhiệm của cán bộ cơ sở phải được phát huy mạnh hơn, nhất là ở miền núi. Ảnh: T.S
Việc sáp nhập thôn/khối phố đòi hỏi trách nhiệm của cán bộ cơ sở phải được phát huy mạnh hơn, nhất là ở miền núi. Ảnh: T.S

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng chia sẻ, việc sắp xếp lại, sáp nhập, thành lập thôn/khối phố mới có quy mô phù hợp, giảm bộ máy cồng kềnh, giúp công tác quản lý, điều hành ở cơ sở được hiệu quả, thuận lợi hơn. Bởi, hiện nay chúng ta có điều kiện hạ tầng giao thông, nhân lực, thông tin liên lạc... Qua theo dõi tình hình thực tế, do quỹ thời gian chuẩn bị cho việc sắp xếp, sáp nhập thôn/khối phố không nhiều, nên trong quá trình triển khai (theo kế hoạch ban đầu là hoàn thành từ 1.1.2019), bên cạnh nhiều địa phương làm tốt cũng có một vài nơi chuẩn bị chưa kỹ cho nên cần phải có thêm thời gian. Do đó, Quảng Nam chủ trương kéo dài lộ trình thực hiện, nhưng đến ngày 31.3.2019 các địa phương phải hoàn tất việc sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố trên địa bàn. “Trong quá trình triển khai, có một số địa phương thực hiện rất thuận lợi, nhân dân rất hưởng ứng, đồng tình. Nhưng ở một vài địa phương gặp những trở ngại mà tỉnh đang có sự chỉ đạo rất quyết liệt như công tác chuẩn bị nhân sự bộ máy thôn/khối phố chưa theo kịp với các bước thực hiện thủ tục sắp xếp, sáp nhập. Có địa phương nhân sự chưa được tính một cách kỹ lưỡng, ai sẽ làm việc và ai nghỉ việc do dôi dư của quá trình sắp xếp, sáp nhập; ai sẽ làm vị trí nào ở địa bàn thôn cho hợp lý, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã đối với cơ sở” - ông Võ Hồng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, khi sắp xếp lại thôn/khối phố, thủ tục hành chính cũng có những biến động. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền xã, phường, thị trấn phải tính đến các yếu tố về thủ tục hành chính, thậm chí là sắp xếp lại các tổ dân cư, các tổ đoàn kết để hoạt động của ban công tác mặt trận, chi hội đoàn thể được thuận lợi, hiệu quả, đỡ xáo trộn và biến động lớn. Ngoài ra, yếu tố về phong tục tập quán, gắn kết làng xã cũng đã tồn tại rất lâu đời rồi, vì vậy cần giải đáp, giải thích cặn kẽ để mọi người đồng tình ủng hộ khi tên gọi có sự thay đổi. Bởi lẽ đã có những cái tên gắn liền với làng nhưng bây giờ hai làng nhập một, thì lấy tên nào để tạo sự đồng thuận cao nhất, để làng vẫn còn tồn tại, truyền thống văn hóa vẫn còn tồn tại, chỉ có tên gọi địa bàn có sự thay đổi cho phù hợp mà thôi. “Vấn đề chế độ hỗ trợ cho cán bộ ở thôn/khối phố nghỉ việc ngân sách tỉnh đảm bảo cân đối và đáp ứng. Cái chính bây giờ là sự chi trả, thanh quyết toán ở cấp xã có một vài nơi chưa kịp thời, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt. Khi mọi việc xong xuôi, ổn định nhân sự bộ máy rồi thì mới tính toán chi hỗ trợ cho các trường hợp dôi dư do việc sắp xếp lại thôn/khối phố” - ông Võ Hồng khẳng định.

Theo kết quả khảo sát của ngành tuyên giáo một số địa phương, việc cắt phụ cấp 0,3 mức lương cơ bản đối với 5 chức danh (phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng hội phụ nữ, chi hội trưởng hội nông dân, chi hội trưởng hội cựu chiến binh và bí thư đoàn thanh niên) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ. Hiện nay ở một số thôn hoạt động cầm chừng, ít hiệu quả hơn trước; một số phong trào lắng xuống. Thậm chí, tại một số nơi, những người được cơ cấu lại hoặc bổ nhiệm mới không muốn nhận nhiệm vụ, do sau khi sáp nhập địa bàn thôn rộng, dân cư đông, công việc nhiều nên việc lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ tại thôn gặp rất nhiều khó khăn, phụ cấp quá ít không đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với chức danh kiêm nhiệm.

PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẢNG VIÊN

Làm tốt công tác nhân sự - để 3 người đóng tròn vai 5 chức danh ở thôn/khối phố đang được các địa phương tập trung thực hiện, với tinh thần phải được nhân dân đồng thuận cao, vừa đảm bảo công việc được thực hiện trôi chảy ở cơ sở.

 Đảng ủy thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) họp giao ban với cán bộ tổ dân phố triển khai công tác chuẩn bị nhân sự sắp xếp tổ dân phố trên địa bàn.
Đảng ủy thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) họp giao ban với cán bộ tổ dân phố triển khai công tác chuẩn bị nhân sự sắp xếp tổ dân phố trên địa bàn.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Ông Lê Khoa - Bí thư Chi bộ thôn An Thọ (xã Tam An, huyện Phú Ninh) chia sẻ, thực hiện đề án được phê duyệt, thôn Phước An sẽ sáp nhập với thôn An Thọ và lấy tên mới An Thọ. Thời gian qua, các bước chuẩn bị cho việc thành lập thôn mới được chi bộ hai thôn thực hiện chu đáo, nhân dân cũng đồng thuận cao tại các cuộc họp. Đến nay, còn một khâu hết sức quan trọng, quyết định cho việc hoàn thành chủ trương sáp nhập, thành lập thôn mới là làm công tác nhân sự cán bộ thôn. Trong chi bộ đã bàn, lựa chọn nhân sự giới thiệu tham gia thôn mới, và đang tiếp tục chờ xin ý kiến định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy xã Tam An. Cốt làm sao lựa chọn cho được 3 nhân sự đảm nhiệm 5 chức danh ở thôn mới theo yêu cầu hiện nay, được nhân dân tín nhiệm, đồng thuận cao, giữ vững và phát huy tốt phong trào tại cơ sở. Gần 15 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn An Thọ, nay ông Lê Khoa xin thôi chức danh này, vì xét thấy tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để đảm đương công việc. Đồng thời ông Khoa cũng muốn để cho anh em trẻ thay thế, có đủ khả năng làm tốt hơn công việc, lại đáp ứng được định hướng về công tác cán bộ thôn là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Ông Khoa nói, dù không còn tham gia cán bộ chủ chốt ở thôn nhưng ông sẽ luôn ủng hộ, giúp đỡ để cán bộ trẻ kế cận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khi nói về chế độ hỗ trợ hoạt động cho cán bộ thôn, ông Khoa tâm tình, vì phong trào chung của địa phương mà đội ngũ những người cán bộ thôn như ông luôn hăng hái, nỗ lực trong các nhiệm vụ được giao. Làm với tinh thần vô tư là chính, bởi nếu tính toán so đo, với chế độ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng mà ông được nhận chỉ đủ đổ xăng xe, tiền điện thoại và tham gia đóng góp vào hoạt động của hội, đoàn thể ở thôn. Xin thôi chức danh bí thư chi bộ, ông sẽ đóng góp sức lực của mình trong vai trò hội viên người cao tuổi. Dù không được hỗ trợ, các đảng viên khác cũng sẽ tích cực tham gia đảm nhiệm các chức danh hội, đoàn thể ở thôn, đảm bảo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ở cơ sở.

Tại huyện Bắc Trà My, thời gian qua Đảng ủy, UBND xã Trà Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, lấy ý kiến chuẩn bị nhân sự cán bộ thôn mới khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập giảm từ 6 xuống còn 3 thôn. Từ phương án dự kiến, đã có 9 nhân sự được giới thiệu, cho ý kiến thống nhất lựa chọn tham gia đảm nhiệm chức danh ở thôn sau khi sắp xếp. Ông Đoàn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Trà Giang chia sẻ, qua nắm bắt tư tưởng, 9 nhân sự này đều thống nhất nhận nhiệm vụ. Các nhân sự nêu trên sẽ tham gia hoạt động ở thôn mới khi Đảng ủy, UBND xã Trà Giang công bố quyết định bổ nhiệm lâm thời. Việc bầu cử trưởng thôn sẽ sớm tổ chức đúng theo thời gian quy định. “Việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn theo tinh thần Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy (khóa XX) đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nhân sự cán bộ thôn mới. Để giải quyết những khó khăn đã dự lường khi thôn mới được thành lập, Đảng ủy, UBND xã Trà Giang phân công cán bộ xã về đứng điểm ở mỗi thôn để hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động của thôn” - ông Minh chia sẻ.

Tránh cục bộ

Có thể khẳng định, đề án thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố trên địa bàn tỉnh được ban hành trên cơ sở nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Nhưng trong điều kiện thôn mới được thành lập sẽ có quy mô địa bàn rộng hơn so với cũ, nhân sự chủ chốt thôn giảm còn 3 người, trong khi mức hỗ trợ hàng tháng cho các chức danh khác không còn nữa thì công tác nhân sự cán bộ thôn mới đang được các địa phương hết sức quan tâm, có những định hướng ngay từ đầu cho cơ sở. Bí thư Đảng ủy thị trấn Trà My (Bắc Trà My) - Trương Đình Tuyết nói, có một số cán bộ tổ dân phố, chi hội trưởng các hội đoàn thể ở tổ không muốn làm nữa. Vì tỉnh cắt kinh phí hỗ trợ hàng tháng, thứ nữa là họ muốn nghỉ luôn để nhận mức hỗ trợ một lần 5 triệu đồng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Địa phương đang tập trung động viên, làm tốt công tác tư tưởng, nêu cao trách nhiệm của đảng viên, sự ủng hộ của hội viên trong việc thực hiện chủ trương. “Theo lộ trình, thị trấn Trà My công bố quyết định chỉ định tổ trưởng tổ dân phố mới, sau đó sắp xếp củng cố các tổ chức đoàn thể. Tháng 9 tới sẽ bầu trưởng thôn. Ở một số tổ chức hội còn lựa chọn nhân sự là đảng viên đảm nhận nhiệm vụ” - ông Tuyết cho biết.

Theo kế hoạch, đầu tháng 3.2019, huyện Phú Ninh thực hiện tổ chức, sắp xếp lại thôn/khối phố trên địa bàn theo Nghị quyết 42 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh. Việc bố trí, sắp xếp lại các chức danh và hoàn chỉnh danh sách những người hoạt động không chuyên trách ở thôn/khối phố trên địa bàn huyện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.3.2019. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập các tổ công tác đứng điểm chỉ đạo việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố trên địa bàn. Trong đó, công tác nhân sự cán bộ thôn/khối phố mới sau khi sắp xếp, tổ chức lại được lãnh đạo huyện rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thường trực đảng ủy cấp xã bám sát định hướng của cấp trên, dự kiến tốt phương án, phát huy nguyên tắc dân chủ, công khai, chặt chẽ, nhận được sự tín nhiệm, đồng thuận cao trong nhân dân, đảm bảo được tinh thần “Đảng cử, dân bầu”. Đến ngày 25.3.2019 các địa phương tổ chức họp dân và công bố quyết định chỉ định trưởng thôn/khối phố lâm thời, ra mắt thôn/khối phối mới. “Việc sắp xếp các chức danh ở thôn/khối phố, Phú Ninh chỉ đạo theo hướng chung là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn/khối phố; trường hợp những nơi chưa đủ điều kiện thì có thể thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn/khối phố. Trong đó tập trung lãnh đạo sắp xếp, bố trí hài hòa, tránh cục bộ nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, sâu sát địa bàn khu dân cư sau khi sáp nhập, hợp nhất. Các địa phương phải báo cáo phương án để Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện” - ông Thạnh nói.

HÀN GIANG - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, tổ chức lại thôn/khối phố: Mấu chốt vẫn là chuyện nhân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO