Sinh kế cho người dân vùng thủy điện: Khoảng trống lớn

NGUYỄN QUANG 25/07/2023 05:58

Chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng kết quả còn khiêm tốn. Thời gian đến, các doanh nghiệp thủy điện, địa phương, sở, ngành cần huy động tối đa nguồn lực, phối hợp chặt chẽ triển khai kế hoạch từng năm, thực hiện hiệu quả hơn sinh kế cho người dân vùng thủy điện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham gia chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng thủy điện của Công ty CP Thủy điện Nước Biêu (Nam Trà My). Ảnh: NGUYỄN QUANG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham gia chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng thủy điện của Công ty CP Thủy điện Nước Biêu (Nam Trà My). Ảnh: NGUYỄN QUANG

Chưa đạt kỳ vọng

Trên địa bàn huyện Đông Giang hiện có 3 công trình thủy điện A Vương, Sông Kôn 2, Za Hung ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm, nghiệp của người dân. Tổng số hộ dân đang sản xuất nông, lâm nghiệp trong phạm vi hồ, đập thủy điện là 223 hộ với 558 lao động.

Ở hồ, đập thủy điện A Vương là 109 hộ/308 lao động; hồ, đập thủy điện Sôn Kôn 2 là 106 hộ/229 lao động; đập thủy điện Za Hưng là 8 hộ/21 lao động. Tổng diện tích đất sản xuất của người dân quanh khu vực thủy điện là 270,76ha, chủ yếu là trồng keo, làm lúa rẫy, trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò...

Ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tổ chức triển khai chương trình sinh kế cho người dân vùng thủy điện còn lúng túng, cần hướng dẫn thực hiện của cơ quan chuyên môn cấp trên.

Việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách hiện nay đều quy định phạm vi, đối tượng và điều kiện của từng chương trình. Do vướng cơ chế hoạch toán vốn đầu tư nên các công ty thủy điện không thể huy động nguồn kinh phí cho chương trình sinh kế.

“Mong UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện phát triển sinh kế cho người dân khu vực hồ thủy điện” - ông Bảo nói.

Ông Lê Đình Phúc - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, để thực hiện chương trình sinh kế cho người dân lưu vực thủy điện huyện Bắc Trà My, doanh nghiệp đã dùng các nguồn trích từ quỹ phúc lợi, từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên vốn không nhiều.

Theo quy định, chi phí chương trình sinh kế cho người dân không được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp nên nguồn lực chưa được như mong muốn.

Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 thuộc danh mục công trình quan trọng đặc biệt theo Quyết định số 470 của Thủ tướng Chính phủ, vì thế các hoạt động trong khu vực hồ chứa phải được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Quy định này có nhiều khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông đi lại, du lịch, dịch vụ, bến bãi phục vụ vận chuyển hàng hóa của người dân…

Cần vào cuộc hiệu quả hơn

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo triển khai chương trình sinh kế cho người dân vùng thủy điện, đặc biệt không ít địa phương chưa xây dựng kế hoạch, chương trình, chưa đánh giá nhu cầu, số lượng người dân cần hỗ trợ phát triển sinh kế với các mô hình phù hợp.

Còn nhiều đơn vị thủy điện chưa tích cực chủ động, trách nhiệm chưa cao trong việc hỗ trợ sinh kế cho người dân. Hiệu quả, giá trị sản xuất từ các mô hình chưa cao. Một số mô hình sinh kế đã triển khai nhưng chưa xác định được số lượng người dân hưởng lợi từ mô hình.

Sau khi nhường đất triển khai các dự án thủy điện, người dân miền núi rất cần hỗ trợ sinh kế để ổn định cuộc sống. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Sau khi nhường đất triển khai các dự án thủy điện, người dân miền núi rất cần hỗ trợ sinh kế để ổn định cuộc sống. Ảnh: NGUYỄN QUANG

“Các địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu về hỗ trợ phát triển sinh kế để xây dựng kế hoạch phù hợp. Các huyện miền núi cần hỗ trợ người dân vùng thủy điện trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển chương trình lâm nghiệp bền vững, trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn tại các địa điểm phù hợp với quy hoạch, ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm” - ông Quang đề xuất.

Với vướng mắc về thuế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Cục Thuế tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp thủy điện hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân thì được trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thủy điện trong việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân.

Để chủ động về nguồn vốn thực hiện chương trình sinh kế, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu doanh nghiệp thủy điện chủ động xây dựng nguồn kinh phí đối ứng cho các địa phương triển khai các mô hình sinh kế cho người dân.

“Các huyện rà soát, tổng hợp tất cả nguồn vốn, tăng cường lồng ghép để hỗ trợ các mô hình sinh kế phù hợp vào các nhiệm vụ, chương trình của trung ương, của tỉnh, của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Bửu nói.

Để tạo động lực chương trình sinh kế cho người dân vùng thủy điện, ông Bửu yêu cầu các sở, ngành cần thực hiện mạnh mẽ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt giúp các địa phương nhân rộng các mô hình khi triển khai hiệu quả và thu hút các doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế cho người dân vùng thủy điện: Khoảng trống lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO