Sinh kế thoát nghèo bền vững - Bài 1: Đa dạng mô hình sinh kế

DIỄM LỆ 20/01/2021 08:01

Hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, sinh kế cho hộ nghèo vẫn là vấn đề được quan tâm, nhưng các mô hình có phát huy hiệu quả hay không vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều địa phương.

Người dân được hỗ trợ sinh kế phù hợp sẽ có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Người dân được hỗ trợ sinh kế phù hợp sẽ có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Giai đoạn 2016 - 2020, hàng nghìn hộ nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, được thực hiện bởi rất nhiều cơ quan, đơn vị, tạo động lực thoát nghèo cho nhiều hộ dân.

Đồng hành

Trong 3 năm qua, được sự phân công của Đảng ủy xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My), Hội Phụ nữ xã đã đồng hành, giúp đỡ 2 hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững mỗi năm. Xác định sinh kế là con đường thoát nghèo tốt nhất, bà Nguyễn Thị Lai - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trà Giác cùng các chi hội trưởng đã đến từng nhà hội viên nghèo để tìm hiểu nguyện vọng của chị em.

Theo bà Lai, hội đồng hành và định hướng, giúp chị em xác định được sinh kế nào là bền vững để thoát nghèo. Đặc biệt, gia đình nào có con học xong lớp 9 hoặc 12 ở nhà thì hội đến động viên các cháu đi học nghề, tìm việc làm.

Bà Đinh Thị Mãi (thôn 4, Trà Giác) có hai con gái, một học xong trung cấp văn thư nhưng không có việc làm và một người học đại học dang dở thì nghỉ vì nhà nghèo. Bà Lai cùng với gia đình bàn bạc, cho 2 người đi học nghề may công nghiệp. Chỉ sau 1 tháng học nghề, hai người con của bà Mãi đều được vào thực hành ở công ty may tại Tam Kỳ, và có việc làm ngay sau khi học. Từ nguồn thu nhập của họ cùng với sự cố gắng của vợ chồng bà Mãi, gia đình đã thoát nghèo trong năm 2020.

Bà Mãi nói: “Hai đứa con đi làm có tiền lương gửi về, vợ chồng tôi vừa làm công cho người ta vừa chăm sóc rẫy keo của nhà, có vay thêm 50 triệu đồng để trồng keo. Năm 2020 xã có hỗ trợ bò cho hộ nghèo để nuôi nhưng bị bệnh chết rồi, nhưng tôi cũng thoát nghèo được nhờ có thu nhập từ 2 con gái và vợ chồng tôi đi làm thuê nữa”.

Hội Phụ nữ xã Trà Giác được phân công đồng hành cùng phụ nữ tìm hướng thoát nghèo bằng sinh kế phù hợp. Ảnh: D.L
Hội Phụ nữ xã Trà Giác được phân công đồng hành cùng phụ nữ tìm hướng thoát nghèo bằng sinh kế phù hợp. Ảnh: D.L

Gia đình bà Hồ Thị Nhé, người dân tộc Giẻ Triêng ở thôn 1 (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) đã thoát nghèo nhờ mô hình kinh tế vườn rừng. Năm 2015, thông qua nguồn hỗ trợ của tỉnh dành cho hộ nghèo, gia đình bà Nhé được cấp cây con giống, mạnh dạn vay thêm vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Ban đầu bà chỉ đầu tư trồng 5ha keo bởi sợ làm nhiều nếu thu không được thì nợ nần.

Nhận được sự động viên của những cán bộ địa phương, bà Nhé bắt đầu nuôi thêm bò, gà, heo rừng. Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, bà Nhé đã xuất bán được lứa heo, gà đầu tiên, đàn bò cũng được nhân lên. Có vốn, bà trồng thêm 4ha cao su, 4ha sắn, mua thêm bò, phát triển đàn bò lên 20 con. Chỉ sau 3 năm tập trung làm rừng, chăn nuôi, gia đình bà Nhé đã thoát nghèo, dần trở thành hộ có nguồn thu nhập khá ở xã Phước Đức.

Bà Nhé nói: “Mình nghèo vì không biết cách làm ăn, đông con. Giờ con lớn, có sức làm việc, cả nhà cùng làm, hết đói nghèo rồi, cuộc sống khá hơn. Tất cả nhờ vào nhà nước giúp đỡ, không có nhà nước giúp thì không dám làm”.

Động lực từ những mô hình

Nhân rộng mô hình sinh kế thoát nghèo

Giai đoạn 2016 - 2020, từ các nguồn vốn, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 318 tỷ đồng để nhân rộng, đa dạng mô hình sinh kế. Hỗ trợ mô hình sinh kế được thực hiện bởi rất nhiều chương trình, dự án. Cụ thể, Chương trình 30a đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Các xã còn khó khăn ngoài Chương trình 30a và 135 được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nội dung hỗ trợ chủ yếu về giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Cùng với đó là tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hộ tham gia dự án. Ngoài ra, một số địa phương đã thực hiện hỗ trợ đối với hộ nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng; hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm...

Những năm gần đây, nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh rất phù hợp thực tế. Như trường hợp của chị Blup Yến (xã La Dêê, huyện Nam Giang), gia đình thuộc hộ nghèo của xã, tuy còn trẻ nhưng do vướng bận con cái nên chị không đi học nghề may dù được địa phương vận động. Được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã La Dêê, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng dành cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội Phụ nữ xã đứng ra đồng hành giúp đỡ chị Yến, hướng dẫn chị sinh kế lâu dài bằng cách mua máy xay xát, nấu rượu, chăn nuôi.

Sau hơn 1 năm, chị Yến đã có nguồn thu nhập ổn định, mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Đến nay, mỗi năm thu nhập của gia đình đạt khoảng 60 triệu đồng, nguồn vốn vay đã trả xong. Chị Yến cho biết lúc đầu chị sợ vay vốn, bởi vay không biết làm sao để trả, để làm gì thoát nghèo chị cũng không định hình được. Nhưng nhờ có sự đồng hành của chị em trong Hội Phụ nữ xã, nên chị mới dám vay vốn để làm ăn.

Tại huyện Nam Giang, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện, xã phối hợp hướng dẫn triển khai thực hiện trực tiếp đến người nghèo, hộ nghèo nhằm đảm bảo đúng đối tượng và hiệu quả. Đối với nguồn vốn Nghị quyết 30a và Chương trình 135 giai đoạn 2018 - 2020, tổng ngân sách tỉnh đã bố trí cho huyện gần 20 tỷ đồng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trong đó Nam Giang đã xây dựng 12 mô hình, với tổng nguồn vốn 3,6 tỷ đồng để xây dựng các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế. Nam Giang đã lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp của huyện hỗ trợ người dân trồng mới hơn 1.000ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo Úc và keo tai tượng; gần 50ha cây dược liệu gồm ba kích tím và đinh lăng; hơn 40ha cây ăn quả gồm bưởi da xanh và bơ các loại; hỗ trợ phát triển chăn nuôi hơn 600 con bò cái sinh sản, 500 con heo cỏ địa phương. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đã được triển khai nhanh chóng, góp một phần không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2019 đã giảm còn 36,51% (giảm 10,73% so với năm 2017).

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nam Giang đã lồng ghép, thực hiện hiệu quả một số mô hình. Như mô hình nuôi bò đực giống, bò cái sinh sản, heo cỏ địa phương cho các hộ dân ở xã La Dêê, Chơ Chun, Tà Pơ, Đắc Tôi. Đặc biệt là mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Cà Dy, Zuôih, Chà Vàl đem lại thu nhập cao cho người dân. Ngoài những mô hình phát triển sản xuất, Nam Giang đẩy mạnh việc thoát nghèo bằng chính những nguồn lực, giá trị văn hóa bản địa  cũng như các hoạt động du lịch tại địa phương. Có thể kể mô hình du lịch sinh thái thác Grăng, phát triển du lịch làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu - Za Ra, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, vừa góp phần lưu giữ, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.

-----------------------------------

Bài 2: Từ mô hình đến thực tiễn

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế thoát nghèo bền vững - Bài 1: Đa dạng mô hình sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO