Tôi nghe giáo viên và cán bộ tại huyện Nam Trà My nói, vùng Trà Linh và vài xã lân cận, học sinh đến 12 là nhiều em nghỉ học, dù điều kiện gia đình và chính sách của Nhà nước hoàn toàn cho phép các em học lên cao. Lý do không học nữa là sâm có giá, ở nhà trồng sâm.
Giá sâm đang cao nhưng thị trường bắt đầu bão hòa, và chắc chắn đến lúc nào đó, sâm thô chỉ đơn giản là đầu vào có giá nhỉnh hơn các mặt hàng khác một chút. Khi công nghiệp chế biến sâm phát triển mạnh, thì giá lên trời sẽ dần tụt xuống đất. Lúc đó, sinh kế bền vững chính là thước đo cho sự phát triển chứ không phải là thở mạnh - nhẹ theo thị trường.
Khí hậu ngày càng gay gắt, thì môi trường sản xuất sẽ càng biến đổi theo, đồng nghĩa để đảm bảo cái ăn thì phải xoay xở và đa dạng hóa sinh kế.
Một khảo sát mới đây của các chuyên gia kinh tế Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sử dụng dữ liệu khảo sát tiếp cận nguồn lực hộ gia đình ở Việt Nam (VARHS) giai đoạn 2008 – 2018 ở 12 tỉnh, cho thấy sự tác động đến sinh kế từ khí hậu thay đổi là rất rõ.
Đối tượng bị nặng nhất là nông nghiệp, nếu gặp phải hạn hán lũ lụt thường xuyên, kết quả là thất bại trong kiếm ăn. Từ đó, hình thành rõ lớp/nhóm chuyển đổi nhanh, là kinh tế phi nông nghiệp, với xác suất các hộ gia đình lựa chọn sinh kế phi nông nghiệp gấp 27 lần so với kinh kế dựa vào nông nghiệp.
Điều người ta cần là vốn ở đâu? Vốn tài chính, tự nhiên, Nhà nước, cộng đồng, cá nhân sẽ giúp họ điều chỉnh chính sách sinh kế. Điều đáng nói từ nghiên cứu trên, là ảnh hưởng của học vấn sẽ quy định đường hướng làm ăn. Đây là vốn con người. Trình độ cao thì động lực để thay đổi, lương, thu nhập sẽ cao hơn người có học vấn thấp, và sinh kế sẽ bền vững hơn.
Theo một nghiên cứu của Oxfam Việt Nam năm 2018, thì 23% hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp giáo dục sau THPT đã chuyển dịch từ nhóm 40% thu nhập thấp nhất lên các nhóm thu nhập cao hơn; hộ gia đình có chủ hộ tốt nghiệp tiểu học, tỷ lệ này chỉ là 8%, và thêm một khẳng định từ đó, rằng “cứ tăng thêm mỗi năm đi học sẽ có xác suất tăng thêm bình quân khoảng 5% tiền lương, tiền công”.
Tiếp xúc với không ít cán bộ và người lao động không chỉ ở vùng cao, thú thật tôi rất ngạc nhiên khi họ xem ra khá thờ ơ với mọi sự thay đổi đang chóng mặt quanh ta, sự thay đổi được gọi tên là sinh kế bền vững.
Muốn bền vững thì phải thay đổi tư duy làm ăn, tiếp cận công nghệ mới chứ không phải đơn thuần là bán mua được chăng hay chớ. Gọi đúng tên là họ bằng lòng với thu nhập và cách sống hiện tại, tất nhiên để thay đổi không phải dễ, nhưng nỗ lực làm mới mình, ít quá. Những câu chuyện vượt khó, tiếp cận lối làm ăn mới, không nhiều.
Sẽ đến lúc, nếu không tiếp cận lối làm ăn mới, thì sẽ không làm được gì cả. Ở Việt Nam, chuyện này có thể kéo dài thêm một thế hệ, và trong sản xuất nông nghiệp, nó có thể dài hơn, vậy thì nó đồng nghĩa với những rủi ro từ biến đổi khí hậu sẽ còn triền miên.
Quay trở lại với chuyện học sinh, thanh niên không chịu đi học cao hơn để kiếm một nghề bền vững, là nỗi lo không chỉ của những ai quan tâm đến sự ổn định kinh tế - xã hội, nhưng để xóa đi điều đó, không có cách nào khác, ít ra ở thời điểm hiện tại.
Một người ở Nam Trà My nói, khi nào sâm ngọc linh trở thành hàng hóa bình thường, thì chính người dân ở đó sẽ chịu rủi ro nhiều nhất, bởi sự gay gắt của khí hậu khiến họ không xoay xở kịp trước những thiệt hại. Và khi công nghệ vào cuộc, không khéo họ sẽ thành kẻ làm thuê cho các ông chủ ngay trên đất của mình. Lúc đó sẽ biết tiền và chữ, cái nào hơn!