Nối nhịp từ quá khứ đến tương lai thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn di tích được xem là giải pháp ưu việt hiện nay.
Lưu trữ khoa học
Ông Lưu Ngọc Thành - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định, các giá trị di sản văn hóa (DSVH), bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam mới chỉ được thực hiện tư liệu hóa ở mức độ khiêm tốn.
“Đó là lưu trữ, bảo quản, tư liệu hóa và quảng bá các tư liệu DSVH thông qua thiết bị máy tính, mạng internet, trưng bày bảo tàng... Các việc làm này chưa phát huy tốt hiệu quả trong công tác quản lý và khai thác dữ liệu số về DSVH từ phía đơn vị quản lý DSVH cấp tỉnh” - ông Lưu Ngọc Thành nói.
Chương trình số hóa DSVH Việt Nam cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp yêu cầu các tỉnh thành phải bắt tay thực hiện từ nay đến 2030. Bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa; quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Với khoảng 441 di tích và 200 lễ hội cùng các loại hình phi vật thể khác, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Quảng Nam cần tiến hành các hoạt động nghiệp vụ phục vụ công tác số hóa toàn bộ tài liệu của hệ thống DSVH này.
Với tư cách là một nguồn tư liệu DSVH vật chất và tinh thần độc đáo, các chuyên gia đưa ra giải pháp bằng cách ứng dụng phần mềm số hóa.
Ứng dụng này sẽ giúp kho tàng DSVH ở Quảng Nam được cập nhật ở mức độ chính xác, giúp ích trong việc nắm tình hình, thực trạng hoạt động quản lý hệ thống DSVH của Quảng Nam.
Thật ra, từ năm 2017, Trung tâm Quản lý DSVH Hội An đã bắt tay vào việc “số hóa” tư liệu để bảo tồn di tích. Bằng cách sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, dữ liệu 3D để có thể số hóa, lưu trữ, tái hiện một cách chân thực hình ảnh các di sản có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phục dựng và quảng bá di sản.
Bên cạnh đó, ở thời điểm này, Trung tâm CVS của Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã phối hợp Công ty VNi thực hiện 3D scanning Đô thị cổ Hội An - DSVH và thiên nhiên thế giới. Các điểm di tích chính trong di sản Hội An được số hóa 3D với công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality) và 360 Virtual tour.
Các nhà quản lý, nghiên cứu và kể cả du khách dễ dàng tiếp cận hình ảnh di sản trước khi đặt chân tới thực địa. Tương tự, thành cổ Trà Kiệu ngay sau khi được phát lộ, bằng phương pháp bảo quản 3D đã phác họa lại tòa thành cổ. Ngoài những phương pháp khoanh vùng bảo vệ, một sơ đồ 3D hình thành giúp người xem dễ dàng hình dung về một quang cảnh thành cổ cách đây hàng trăm năm.
Nhiệm vụ trọng tâm
Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chương trình số hóa DSVH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về DSVH trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cũng như bảo đảm tích hợp được vào Khung kiến trúc chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình số hóa DSVH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là 100% di tích quốc gia đặc biệt sẽ được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.
Cùng với đó, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích. Ngoài ra, người làm công tác chuyên môn trong ngành DSVH được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành văn hóa xác định. Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, hiện nay sở đã có những bước đi bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Tại các đơn vị như Ban Quản lý di tích, Bảo tàng, Thư viện tỉnh… đã và đang áp dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và đạt những kết quả khả quan.
Tại Hội An và Mỹ Sơn đã xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ số hóa tài liệu, tư liệu theo di tích được cung cấp bởi Cục DSVH và Trung tâm Dữ liệu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam lưu trữ hình ảnh, video về di tích và DSVH phi vật thể.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Ban Quản lý di tích tỉnh đã triển khai công tác số hóa trên hệ thống tài liệu Hán - Nôm ở các di tích. Các file tài liệu này được lưu trữ trong hệ thống thư viện số quốc gia và hệ thống phần mềm của Ban Quản lý di tích tỉnh.