Môi trường

Sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ

T.CÔNG - M.LINH 19/07/2024 11:15

(QNO) - Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái ngập nước sông Đầm” do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức sáng nay 19/7.

441a1440.jpg
Đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo. Ảnh: LINH - CÔNG

Dự hội thảo có ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, Thành ủy Tam Kỳ cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Nhiều tiềm năng

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, với Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Sông Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ.

Sông Đầm mang vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ; cùng với hệ thống Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh là tiềm năng to lớn đối với việc phát triển du lịch của TP.Tam Kỳ nói riêng và khu vực phía nam của tỉnh nói chung trong tương lai.

441a1453.jpg
Ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: LINH - CÔNG

TP.Tam Kỳ luôn quyết tâm, vào cuộc tích cực trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm. Nhờ đó, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đã có những kết quả tích cực bước đầu: diện tích cây xanh tăng lên, nước trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi.

Cạnh đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai các đề tài về nghiên cứu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái điển hình; đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý lưu vực hồ Sông Đầm với mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học tại sông Đầm.

img_6367.jpg
Nhiều tham luận tại hội thảo đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý lưu vực hồ Sông Đầm. Ảnh: Đ.T

“Hội thảo khoa học là cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học... về các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm” - ông Nguyễn Duy Ân chia sẻ.

[VIDEO] - Hội thảo Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước Tam Kỳ:

Hướng đến khu bảo tồn đất ngập nước

Nhấn mạnh tính đúng đắn của chủ trương quy hoạch vùng đất ngập nước sông Đầm thành Khu bảo tồn đất ngập nước - bảo tồn đa dạng sinh học vì sự phát triển nền kinh tế xanh, bền vững cho Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung, GS-TS. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay, Quảng Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, đáp ứng các tiêu chí của một vùng đất ngập nước quan trọng.

img_9324.jpg
Sông Đầm đang tích lũy đa dạng sinh học cao. Ảnh: Đ.T

Vùng đất ngập nước Bãi Sậy Sông Đầm với diện tích hơn 200ha không những đang tích lũy đa dạng sinh học cao về thực vật, động vật mà còn có chức năng vô cùng quan trọng như kiểm soát lũ lụt, điều hòa dòng chảy, điều hòa khí hậu, nạp lưu giữ nguồn nước ngầm, ổn định vùng bờ, tồn trữ trầm tích và các loại dinh dưỡng, nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sinh, làm sạch nguồn nước... làm nền tảng cho các giá trị văn hóa, cho du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch hòa quyện với cộng đồng nông nghiệp bản địa.

“Bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái đất ngập nước Bãi Sậy Sông Đầm là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học bản địa một cách bền vững, là một trong các giải pháp quan trọng giúp tích lũy - bảo vệ nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất và đời sống của cộng đồng địa phương trong bối cảnh của hiện tượng El Nino xảy ra nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Đây cũng là bổ sung quan trọng cho tỉnh Quảng Nam có thêm một khu bảo tồn đất ngập nước nội địa mà trong bản Quy hoạch đa dạng sinh học quốc gia năm 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 chưa đề cập” - GS-TS. Đặng Huy Huỳnh nói.

441a1605.jpg
GS-TS. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: LINH - CÔNG

Tìm giải pháp bền vững

Phân tích những nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học, PGS-TS. Phạm Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho hay, các nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm đa dạng sinh học tại hồ Sông Đầm chủ yếu do phá rừng tái sinh, khai thác gỗ, khai thác củi, phun thuốc diệt cỏ, xả nước thải... Hậu quả là diện tích đất tại hồ bị thu hẹp làm suy giảm hệ sinh thái, và số loài có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tăng.

photo_1080295711_dji_287_jpg_4357984_0_202162817632_photo_original.jpg
Sông Đầm đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ các hoạt động của con người. Ảnh: Đ.T

“Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái ở khu vực hồ Sông Đầm, cần phải có biện pháp quy hoạch bảo tồn sinh thái và sinh cảnh sống của các loài, giảm thiểu nguyên nhân tác động đến số lượng cá thể ngoài tự nhiên nhằm phát triển bền vững các loài, quần thể thực vật nơi đây” - PGS-TS. Phạm Hồng Thái nói.

TS. Lương Quang Đốc (Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) thông tin, qua nghiên cứu, hồ Sông Đầm đang chịu tác động mạnh do các hoạt động của con người thông qua đô thị hóa; xả thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường; khai thác không hợp lý hoặc mang tính hủy diệt và hiện tại chưa có kế hoạch bảo vệ, sử dụng nguồn lợi mang tính bền vững.

img_0303(1).jpg
Sông Đầm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Đ.T

TS. Lương Quang Đốc đề xuất thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh với cơ chế quản lý theo quy định hoặc duy trì Công viên đất ngập nước với các hoạt động quản lý, sử dụng theo hướng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và là một địa chỉ tiêu biểu của cộng đồng tích cực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Hội thảo còn ghi nhận nhiều tham luận đáng chú ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái; phát triển du lịch cộng đồng sông Đầm; các chính sách, quy định quản lý, bảo tồn đất ngập nước, quy trình xây dựng hồ sơ thành lập khu bảo tồn đất ngập nước...

441a1513.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LINH - CÔNG

Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái ngập nước sông Đầm”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho hay, trong những năm gần đây, sông Đầm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Do đó, việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm là hết sức cần thiết nhằm phục hồi, tạo môi trường sống an toàn, bền vững cho các loại động thực vật bản địa, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân; góp phần phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái cho TP.Tam Kỳ.

“Việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm là phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt năm 2014 và Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đang trình Chính phủ phê duyệt” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho hay.

[VIDEO] - Đồng chí Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO