Môi trường

Sông Đầm suy giảm đa dạng sinh học

PHAN VINH 19/07/2024 09:44

Tình trạng suy giảm đa dạng sinh học ở sông Đầm đang diễn ra mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của hoạt động kinh tế ở các khu công nghiệp; tình trạng đánh bắt thủy sản, chim chóc tận diệt; ngăn mặn tách dòng ngược tự nhiên...

Ảnh 1 -Toàn cảnh sông Đầm qua góc nhìn từ flycam.
Toàn cảnh sông Đầm. Ảnh: PHAN VINH

Vắng bóng nhiều loài

Hơn 20 năm làm nghề thả lưới, sống nương tựa vào mạch nước sông Đầm, nhưng giờ đây ông Lê Minh Thạnh (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) phải tìm kiếm công việc khác để mưu sinh.

Ông Thạnh nói, mấy đời qua, cả gia đình ông và bà con sống ven sông Đầm không phải lo cái ăn, kể cả đảm bảo con cái học hành. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, người dân bắt đầu nhận thấy rõ sự thay đổi.

Ban đầu, các loại rong chết dần, cây sậy, cây năng cũng còn rất ít. Môi trường sống thay đổi, các loại thủy sản như lươn, rạm bè hay loài đặc sản của sông Đầm là cá diếc, cá trắm cỏ cũng ít hẳn đi.

“Dân Tam Thăng có lệ, mỗi lần tới Tết Đoan ngọ là rủ nhau đi bắt rạm, rạm đi thành bầy, kết lại thành từng mảng nên dân mình gọi là rạm bè, giờ không còn thấy cảnh tượng đó nữa.

Hay con cá trắm cỏ ăn gốc cây năng mà giờ cây năng không có thì cũng không thấy con trắm cỏ nào. Rất nhiều loài khác, những năm gần đây gần như “mất tích” khỏi sông Đầm, nên ít ai theo nghề nữa” - ông Thạnh nói.

Theo ông Bùi Văn Hưởng (Trưởng thôn Vĩnh Bình giai đoạn 2015 - 2022), không chỉ các loài động vật sống dưới nước mà chim, cò ở sông Đầm cũng thưa vắng hơn trước đây. Cảnh từng bầy vịt trời rủ nhau theo đàn đi kiếm ăn, chiều lại, từng đàn cò bay rợp trời... cũng vắng dần.

“Bất kể loài nào ở sông Đầm cũng đều có liên quan tới nhau, chỉ cần một loài không còn thì những loài khác cũng sẽ tự diệt. Như các loại rong không còn thì tôm cá không có chỗ ở, rồi lươn không có thức ăn... Sông Đầm là hệ sinh thái khép kín mà giờ đang bị đứt gãy” - ông Hưởng chia sẻ.

Tác động tiêu cực

Theo kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực hồ sông Đầm của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, với phương pháp điều tra định lượng theo tuyến, sông Đầm hiện có 81 loài động vật có xương sống, 214 loài động vật không xương sống và 170 loài thực vật.

Trong khi so sánh chỉ số số lượng loài của hồ sông Đầm với Vườn quốc gia Bạch Mã và Vườn quốc gia Ba Bể thì các con số lần lượt là 465 - 630 - 510. Số liệu này chứng minh, chỉ số phong phú loài của hồ sông Đầm không quá thấp so với các vườn quốc gia khác.

Ảnh 2 - Người dân cho rằng, thuỷ sản ở sông Đầm những năm gần đây đã bị suy cạn rất nhiều.
Người dân cho rằng, thủy sản ở sông Đầm những năm gần đây đã bị suy cạn. Ảnh: PHAN VINH

Sông Đầm có diện tích mặt nước khoảng 200ha; tổng lưu vực hồ, bao gồm cả những làng xung quanh khoảng 650ha. Với hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ nhưng hồ Sông Đầm đang đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm, khan hiếm, cạn kiệt cả về mức độ và quy mô, nhất là nước thải từ các khu công nghiệp đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước tại hồ Sông Đầm có thể kể đến sự gia tăng dân số kéo theo lượng rác thải gia tăng với khối lượng lớn phục vụ sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm nguồn nước như rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp.

Theo nhóm nghiên cứu từ Khoa Khoa học tự nhiên - Trường Đại học Quy Nhơn, ngoài nguyên nhân về ô nhiễm nguồn nước thì biến đổi khí hậu và thiên tai bão lũ cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở sông Đầm.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các sinh vật ngoại lai có đặc điểm thích nghi rộng với các hệ sinh thái và có khả năng sinh trưởng tốt cũng cạnh tranh trực tiếp với các loài bản địa về mặt thức ăn và khả năng sinh sản, trong đó, ốc bưu vàng là minh chứng cụ thể và dễ hình dung nhất.

Ngoài ra, hệ thống quản lý đa dạng sinh học ở địa phương chưa hoàn thiện, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo chưa rõ ràng, thiếu sự quan tâm, phối hợp chưa được chặt chẽ giữa các vùng giáp ranh do sự khác nhau về cơ chế quản lý, trình độ quản lý, xử lý các vụ việc cũng khác nhau.

Điều này đã dẫn đến tình trạng trong một thời gian dài, hệ sinh thái sông Đầm phải gánh chịu các đợt tận diệt vì việc mưu sinh thiếu hiểu biết của người dân.

Ảnh 3 - Khu vực khe Ba La, nơi dẫn nước xả thải từ khu công nghiệp Tam Thăng ra sông Đầm.
Khu vực khe Ba La, nơi dẫn nước xả thải từ Khu công nghiệp Tam Thăng ra sông Đầm. Ảnh: PHAN VINH

Bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học

Theo PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, để bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học ở sông Đầm, cần nhìn ở nhiều khía cạnh. Trong đó, phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế của người dân, địa phương và hệ sinh thái nơi đây.

Cách làm được cho là bền vững và hiệu quả là triển khai các hoạt động du lịch sinh thái ở sông Đầm. Đồng thời, phải quản lý lại việc khai thác nguồn lợi thủy sản để có định hướng khai thác hợp lý và có giải pháp bảo vệ cụ thể.

Nghiêm cấm các nhà máy tại Khu công nghiệp Tam Thăng xả nước thải trực tiếp vào sông. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất gây nguy hại cho thủy sản và ô nhiễm môi trường sông và ven sông. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức về môi trường sinh thái, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản sông Đầm.

Ảnh 4 - Cây năng, một loại thức ăn cho cá trắm cỏ, chim chẻo và nhiều loài sinh vật khác nay hiếm ở sông Đầm.
Cây năng, một loại thức ăn cho cá trắm cỏ, chim trích cồ và nhiều loài sinh vật khác nay hiếm ở sông Đầm. Ảnh: PHAN VINH

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, ngày 19/7, địa phương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm”.

Sự kiện có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực đa dạng sinh học như PGS-TS.Phạm Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; ông Hoàng Việt - Tổ chức WWF Việt Nam; GS.Kim Kwi Won - đại diện International Urban Tranining Center (IUTC) - Hàn Quốc; TS.Đặng Ngô Bảo Toàn - giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn; TS.Chu Mạnh Trinh - Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm...

Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động Năm đa dạng sinh học, cũng là dịp để các nhà khoa học đánh giá sông Đầm một cách chi tiết nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn và xử lý các vấn đề gây suy giảm đa dạng sinh học nơi đây.

Cụ thể, làm sao để bảo tổn và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài chim, xử lý các tác động gây suy giảm đa dạng sinh học, phát triển hệ thống cây xanh, góp phần làm cơ sở quy hoạch khu vực sông Đầm. Đặc biệt, hội thảo còn là cơ sở khoa học, hình thành hồ sơ pháp lý trình Chính phủ đề nghị công nhận Khu đa dạng sinh học đất ngập nước sông Đầm.

“Trước mắt, trong năm 2024, TP.Tam Kỳ sẽ đầu tư 30 tỷ đồng để trồng cây xanh, xây dựng cảnh quang sông Đầm và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Tiến tới việc quy hoạch 650ha tổng thể bao gồm vùng phụ cận và 200ha diện tích mặt nước tạo phân khu mới, thực hiện quy hoạch chi tiết khu vực này để đầu tư phát triển về hạ tầng và du lịch trải nghiệm. Làm sao thực hiện song song đảm bảo đa dạng sinh học nhưng vẫn hài hòa với cuộc sống người dân” - ông Nam khẳng định.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Đầm suy giảm đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO