Thế giới

Sống hài hòa cùng thiên nhiên

NAM VIỆT 05/06/2024 16:08

(QNO) - Trước thực trạng 40% diện tích đất đai toàn cầu đang bị suy thoái, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số vào năm 2050, ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6) được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phát động với chủ đề: "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", kêu gọi mọi người sống hài hòa cùng thiên nhiên.

mt.jpg
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres. Ảnh: Gettyimages

Trong thông điệp gửi thế giới nhân ngày Môi trường thế giới 2024, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres cho biết, nhân loại phụ thuộc vào đất đai. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, một hỗn hợp độc hại của ô nhiễm, hỗn loạn khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang biến những vùng đất lành mạnh thành sa mạc và hệ sinh thái thịnh vượng thành vùng chết.

Con người đang tàn phá rừng và đồng cỏ, đồng thời hủy hoại sức mạnh của đất để hỗ trợ hệ sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng. Điều đó có nghĩa mùa màng thất bát, nguồn nước biến mất, nền kinh tế suy yếu và cộng đồng gặp nguy hiểm, trong đó những người nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các quốc gia phải thực hiện tất cả cam kết nhằm khôi phục các hệ sinh thái và đất đai bị suy thoái, kế hoạch hành động về khí hậu quốc gia để ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030; tăng quy mô tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với thời tiết khắc nghiệt, bảo vệ thiên nhiên và hỗ trợ phát triển bền vững.

"Mỗi đô la đầu tư vào việc phục hồi hệ sinh thái sẽ mang lại lợi ích kinh tế lên tới 30 đô la" - ông António Guterres khẳng định.

Trên quy mô toàn cầu, cứ 5 giây lại có một diện tích tương đương với một sân bóng đá bị xói mòn. Điều đáng chú ý là phải mất 1.000 năm mới tạo ra được 3cm lớp đất mặt.

media.mehrnews.com-d-2024-06-05-4-_5015965.jpg
Chung tay bảo vệ môi trường sống vì hôm nay và mai sau. Ảnh: En.mehrnews

Khu vực châu Á và Thái Bình Dương tự hào về sự đa dạng sinh học phong phú. Tuy nhiên, những thay đổi trong sử dụng đất và suy thoái do thâm canh nông nghiệp, phá rừng và đô thị hóa không được kiểm soát đang làm giảm tính đa dạng sinh học của nhiều hệ sinh thái.

Do đó, khu vực đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng do căng thẳng về nước và suy thoái đất.

Giai đoạn 2021 - 2030 được Liên hiệp quốc xác định là thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái, chú trọng nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Hôm nay (5/6), UNEP và Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hiệp quốc (ESCAP) nhóm họp các đối tác và bên liên quan để thảo luận các lĩnh vực ưu tiên về phục hồi đất, sa mạc hóa và khả năng chống chịu hạn hán trong khu vực như sử dụng tài nguyên nước tuần hoàn, sản xuất lương thực bền vững và phát triển đô thị chống chịu hạn hán.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống hài hòa cùng thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO