Môi trường

Sông Quảng Huế và câu chuyện an ninh nguồn nước

QUỐC TUẤN 07/06/2024 08:05

Quảng Huế - dòng sông chỉ dài chưa đầy 5 cây số thuộc nội vi huyện Đại Lộc nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cư dân phía hạ du của Quảng Nam - Đà Nẵng mỗi khi mùa hạn hán về.

dji_0410.jpeg
Sông Quảng Huế (Đại Lộc) dù ngắn nhưng có tác động lớn đến đời sống người dân vùng hạ du Quảng Nam - Đà Nẵng do nối nguồn nước giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Ảnh: Q.T

Dòng sông nhỏ, tác động lớn

Khởi điểm bằng việc rẽ dòng sông Vu Gia nơi ngã ba ở thôn Phú Nghĩa (xã Đại An), sông Quảng Huế vun đắp cho mùa màng cư dân, nhất là vựa rau Bàu Tròn với khoảng 70ha và hòa vào dòng Thu Bồn cũng bằng một ngã ba nước khác ở khu vực gần cầu Giao Thủy hiện nay.

Theo lãnh đạo UBND xã Đại An, điểm đầu và điểm cuối sông Quảng Huế đều thuộc xã Đại An, bề rộng luồng khoảng 30 - 35m, cung cấp nước tưới cho khoảng 260ha đất màu cũng như vựa rau Bàu Tròn của địa phương.

Theo thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 đến năm 2008 (thời điểm trước khi có các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia), mực nước kiệt nhất của sông Vu Gia (tại trạm thủy văn Ái Nghĩa) là 2,34m.

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 15 năm, các mốc nước kiệt nhất trên dòng Vu Gia trong mùa cạn tại trạm Ái Nghĩa thường xuyên bị thay thế. Mới nhất là mức nước 1,41m (tháng 2/2024) tiếp tục thấp hơn 0,04m so với mức 1,45m thiết lập vào tháng 8/2023.

Tại một buổi làm việc liên quan đến việc điều tiết nước cho hạ du Vu Gia - Thu Bồn diễn ra vào đầu tháng 5/2024 tại TP.Đà Nẵng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đề xuất xây dựng một công trình đập trên sông Quảng Huế kết hợp cầu giao thông đáp ứng yêu cầu kiểm soát nguồn nước, chủ động điều tiết lưu lượng mùa kiệt từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn; đồng thời xây dựng các hạng mục công trình chỉnh trị và ổn định bãi sông Quảng Huế.

Qua đó, giúp duy trì tỷ lệ phân lưu vào sông Quảng Huế trung bình là 20% trong mùa kiệt; giúp điều chỉnh khả năng thoát lũ về 2 sông Vu Gia - Thu Bồn hợp lý, đảm bảo khả năng thoát lũ qua sông Quảng Huế không xấu hơn hiện trạng thoát lũ hiện nay.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, có thời điểm nguồn nước trước cửa thu nước thô của nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) gia tăng độ mặn lên mức 11,192mg/lít (cao gấp hơn 37 lần quy chuẩn và là mức cao nhất từ đầu năm), trong khi đỉnh điểm hạn hán vẫn chưa đến.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, hiện tượng chuyển nước từ sông Vu Gia qua sông Thu Bồn là câu chuyện bình thường theo quy luật tự nhiên.

Tuy nhiên, tỷ lệ phân lưu lâu nay thông qua dòng sông Quảng Huế không phù hợp dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống và sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là trong mùa khô.

dji_0416.jpeg
Ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế, nơi một phần lưu lượng từ sông Vu Gia bị chuyển qua sông Thu Bồn khiến hạ du sông Vu Gia lao đao, nhất là trong mùa khô. Ảnh: Q.T

Được biết, từ năm 2019 - 2021, TP.Đà Nẵng đã định kỳ phối hợp với Quảng Nam để đắp đập tạm bằng bao cát đến cao trình +3,2m. Cao trình này mới đủ làm giảm tỷ lệ phân lưu nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn (qua cửa điều tiết nước sông Vu Gia trên sông Quảng Huế) xuống còn 24%, tương đương tỷ lệ phân lưu tự nhiên trước đây khi chưa xây dựng hồ thủy điện Đăk Mi 4.

Theo lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, đập tạm này mang lại hiệu quả cao giúp tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia và cấp nước giảm mặn tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ, đảm bảo cấp nước an toàn cho TP.Đà Nẵng.

Tại một cuộc họp về lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận: “Đến hẹn lại lên, không có năm nào người dân không nhắc tên Quảng Huế, vì đây là một phần nguyên do gây ra thiếu nước cho một số khu vực phía Bắc Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Hơn chục năm qua đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học về Quảng Huế nhưng đến nay vẫn chưa có một bản thiết kế, tư vấn nào hoàn chỉnh đủ sức thuyết phục được Chính phủ bỏ kinh phí chỉnh trị lâu dài sông Quảng Huế”.

20240520_101940.jpg
Cảnh báo về sạt lở tại khu vực gần vị trí dự kiến đặp đập tạm. Ảnh: Q.T

Dùng dằng chuyện phân chia nguồn nước

Theo dự báo nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, mức độ căng thẳng nước trong mùa khô trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ ở ngưỡng trung bình với chỉ số 15% vào năm 2030 (nhóm sông ở Đông Nam Bộ dự báo có chỉ số căng thẳng nước cao nhất lên đến 58%). Tuy nhiên trên thực tế, những mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên nước giữa các chủ thể vì nhiều lý do vẫn luôn âm ỉ.

Đáng ra, việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế đã diễn ra hồi đầu tháng 5 nhưng vẫn chưa triển khai do người dân phản ứng. Ông Sỹ - một người dân có nhà gần bờ sông cho rằng: “Con đập được đắp các năm trước đã làm xói lở mấy chục mét bờ sông, cuốn trôi đất hoa màu, uy hiếp nhà cửa, chưa nói việc chuyển dòng khiến nước ngầm sinh hoạt, tưới tiêu bị tụt sâu thêm 5 - 6m”.

Trong khi đó, theo một cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, vừa rồi TP.Đà Nẵng có chủ trương gia cố lại ngay vị trí đập tràn bằng phương pháp rọ đá tại ngã ba sông nên người dân và địa phương không thống nhất.

Vì nếu gia cố bằng bao cát thì mùa mưa lũ đến sẽ dễ tháo dỡ hoặc tự bị cuốn trôi. Còn gia cố kiên cố tại khu vực đập tràn, mùa mưa sẽ gây ra chênh lệch mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu, gây ra xói lở nặng bờ sông.

Khu vực cơ quan chức năng sẽ triển khai đập tạm bằng phương pháp rọ đá nhưng bị một số hộ dân địa phương phản ứng trong thời gian qua vì lo ngại gây sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt phía hạ lưu sông Quảng Huế. Ảnh: Q.T
Khu vực cơ quan chức năng sẽ triển khai đập tạm bằng phương pháp rọ đá nhưng bị một số hộ dân địa phương phản ứng trong thời gian qua vì lo ngại gây sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt phía hạ lưu sông Quảng Huế. Ảnh: Q.T

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Việc cơ quan chức năng, nhất là phía Đà Nẵng không triển khai giải pháp đập tạm bằng bao cát là do nếu theo phương án này thì phải thực hiện ngăn hoàn toàn dòng chảy dẫn đến thiếu nước cho vùng hạ du sông Quảng Huế.

Còn nếu làm đập tạm bằng rọ đá thì đảm bảo được tăng lưu lượng về hạ lưu sông Vu Gia và vẫn điều tiết một phần nước về hạ lưu sông Quảng Huế để đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Hiện lưu lượng nước chuyển từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn qua ngả sông Quảng Huế mới chỉ đánh giá bằng quan sát nên chưa biết cụ thể là bao nhiêu phần trăm.

Về lâu dài, khi có công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế thì cũng không nên đặt ra mục tiêu về tỷ lệ phân lưu nước mà chỉ cần vận hành bảo đảm cao trình mực nước cho các trạm bơm ở hạ lưu sông Vu Gia hoạt động được”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Quảng Huế và câu chuyện an ninh nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO