Những tin tức tốt và hành động tử tế sẽ mang đến trường năng lượng tích cực cho mỗi người. Tử tế với người khác và tử tế với chính bản thân mình, sẽ tạo nên môi trường gắn kết cùng niềm tin xây dựng cuộc sống đẹp hơn. Chúng tôi lựa chọn khởi đầu năm 2025 bằng “văn hóa tử tế”, chọn sống tử tế... từ những lòng tốt giữa cuộc đời.
Những tin tức tốt và hành động tử tế sẽ mang đến trường năng lượng tích cực cho mỗi người. Tử tế với người khác và tử tế với chính bản thân mình, sẽ tạo nên môi trường gắn kết cùng niềm tin xây dựng cuộc sống đẹp hơn. Chúng tôi lựa chọn khởi đầu năm 2025 bằng “văn hóa tử tế”, chọn sống tử tế... từ những lòng tốt giữa cuộc đời.
Họ có những khác biệt về quê quán, công việc... nhưng lại gặp nhau ở cách chọn hành xử bằng lòng tử tế.
Lòng nhân giữa những mất mát
Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vẫn còn những ngày đượm buồn. Chúng tôi nhớ những gương mặt thất thần trước dòng sông bùn. Ở vùng đất vừa trải qua thảm họa, dường như con người yêu thương nhau hơn.
Hình ảnh người người của thôn Làng Nủ và bộ đội rùng rùng bỏ chạy, vẫn không ngăn những bước chân người ở khắp đất nước tìm về Làng Nủ chia sẻ cùng đồng bào.
Trên cánh đồng lô nhô những cột nhà gãy vụn và lẫn trong bùn lầy, bóng những chiếc Drone liên tục bay, phun thuốc khử khuẩn. Nhóm tình nguyện viên phần lớn là những người trẻ cùng với Công ty AGS Technologies tổ chức lên giúp đồng bào.
Trước đó vài ngày, 400 người lính của Trung đoàn 316 lặn lội giữa bùn lầy để dọn bớt cột nhà và tìm kiếm người mất tích. Những người dân thôn Làng Nủ và bộ đội nắm tay nhau chạy lên triền đồi, thoát khỏi dòng sông bùn khi nghe kẻng báo động.
Hồi ấy, tại nhà anh Hoàng Văn Toàn, bóng những người phụ nữ ngồi tụm bên nhau. Ở thôn Làng Nủ có nhiều gia đình tập thể như vậy, mọi người tập hợp, che chở cho nhau, đoàn kết như bó đũa.
Tôi lại nhớ đến những ngày sau thảm họa. Các tình nguyện viên nhóm thiện nguyện “Quỹ kết nối yêu thương – Lan tỏa nhân ái” từ tỉnh Thanh Hóa đã vận chuyển 3 xe xúc ra tận nơi này, thi công, san ủi mặt bằng bất chấp mưa gió, trơn trượt. Mọi người âm thầm làm việc vì tiếng lòng “thương Làng Nủ!”. Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi đã hỗ trợ toàn bộ tôn lợp cho bà con với tổng trị giá 2,6 tỷ đồng.
Tôi nhớ cảnh cụ bà Hoàng Thị Chích với bước chân thoăn thoắt trên con đường lầy lội bùn, trên lưng khoác chiếc giỏ. Trong những ngày bộ đội tổ chức tìm kiếm người dân mất tích tại địa phương, ngày nào cụ bà cũng ra đồng hái rau về để mang tặng cho các chiến sĩ.
Những ngày sau thảm họa, ở thôn Làng Nủ, đoàn xe dán băng đỏ nối đuôi nhau không ngớt trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, hướng về vùng thảm họa.
Những người dân thôn Làng Nủ không thể quên tấm lòng cả nước hướng về. Chừng 50 ngày sau, khi huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chìm trong biển nước, người dân Làng Nủ lập tức “trả nghĩa” cho người anh em miền Trung, tổ chức quyên góp tiền, gạo, mì tôm để đủ một chuyến xe đưa ngược vào miền Trung.
Có nhiều gia đình đang để tang người thân như anh Nguyễn Văn Dựa, Hoàng Văn Duân, Hoàng Ngọc Điệp…nhưng các anh vẫn gạt nước mắt và hối hả cùng bà con quyên góp. Bà con nói rằng, không bao giờ quên nghĩa tình cả nước đã dành cho bà con nơi đây. Tổng cộng 44 người dân thôn Làng Nủ đã ủng hộ 52 triệu đồng cho đồng bào miền Trung.
Ngày 22/12/2024, Lễ bàn giao khu dân cư mới cho người dân thôn Làng Nủ tổ chức trong không khí ấm áp. Khu tái định cư có đủ nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 điểm trường gồm 2 lớp tiểu học và 2 lớp mẫu giáo. Chị Nguyễn Thị Sành, Nguyễn Xuân Dương và chị Sầm Thị Nhiên viết đơn xin không nhận nhà tái định cư. Những người đồng bào dân tộc Tày ở nơi này đã học cách sống vì cộng đồng từ những nghĩa cử khắp đất nước hội tụ về nơi đây.
Ở nơi thảm họa, lòng tốt và nghĩa cử vì cộng đồng của người Việt Nam như những ánh sao sáng giữa bầu trời.
Chuyện bình thường
Đến bây giờ, khi gần nửa tháng trôi qua, chị Nguyễn Thanh Mai - mẹ bé Nguyễn Mai Phương (học sinh lớp 6/1, Trường THCS Lương Thế Vinh, Duy Xuyên) vẫn còn xúc động khi nhắc chuyện anh Bùi Thanh Tài (SN 1985, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, Duy Xuyên) cứu con mình khỏi lưỡi hái “tử thần”, trước dòng nước lũ. Và không chỉ có bé Nguyễn Mai Phương, người đàn ông xã Duy Trung đã cứu liền 3 học sinh bị nước cuốn.
Anh Tài nói, khi nghĩ lại sự việc, vẫn luôn thầm biết ơn sự may mắn, chứ không bao giờ nghĩ mình vừa làm một việc phi thường. “Trước đây, khi đọc báo, nghe tin ai đó nhảy sông cứu người, mình thấy họ gan dạ quá, bởi cũng không ít trường hợp vì giành giật với hà bá mà bị nước cuốn trôi. Hình như ai trong lúc bình thường cũng sẽ lưỡng lự giữa việc cứu người. Nhưng thật sự, hôm đó mình hành động hoàn toàn theo bản năng. Đều là tính mạng con người, ai gặp trường hợp đó cũng hành động như mình thôi, chẳng có gì ghê gớm hay gan dạ như trước đây mình vẫn thường nghĩ hết!” - anh Tài chia sẻ.
Mới đây, vụ tai nạn chìm phà chở người tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành), với may mắn 14 người đi trên phà và lái tàu đều bình an, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Niệm - người đã cứu gần hết số người trên phà. Ông Niệm kể, khi đang xem ti vi trong nhà, ông nghe tiếng người dân kêu cứu. Vì nhà sát gần bến sông, ông tung cửa, lập tức đẩy ghe ra cứu người. May mắn, chiếc phà bị dạt vào khu vực gần bè nuôi cá của ông nên việc cứu người cũng thuận lợi hơn. Cuối cùng, ông Niệm và một số người dân gần đó đã cứu được tất cả người bị nạn vào bờ an toàn. Sau đó, ông cũng tham gia công tác trục vớt tài sản, phương tiện xe máy và kéo chiếc phà vào bờ.
Sau thời gian dầm nước từ 7 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều trong thời tiết gió lạnh như cắt da thịt giữa sông, ông Niệm bưng tô cơm nguội chan nước cá vừa ăn, vừa run, da mặt tái ngắt nói: “Cảnh ni giống y như mấy hồi cứu người trên biển chứ có chi đâu. Khác là lần ni nhiều người quá, lúc đầu nghe họ la làng tui cũng sảng, nhưng sau đó, cố bình tĩnh vớt họ lên từ từ. Vui là không có ai hề chi!”.
Không chỉ riêng ông Niệm, người dân xóm Chùa ngày hôm đó, ai ở nhà, già trẻ gì cũng ra bến hỗ trợ. Đàn ông phụ kéo ghe, khiêng xe máy. Phụ nữ chạy đôn chạy đáo mua bánh mì, cơm hộp, nước uống cho lực lượng chức năng và đội trục vớt.
Tiếng hô hò 1 - 2 - 3 kéo chiếc phà bị chìm về bờ của người dân vang vọng ở cửa biển, dù gió có phất mạnh, mưa có nặng hạt nhưng lòng ai nấy cũng ấm áp vô cùng...
Những con người bình dị cùng sự đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của người khác bằng tấm lòng và việc làm thiết thực. Cách nghĩ, cách làm nhân văn ấy đã nối dài, lan tỏa trong cộng đồng…
Tấm lòng chị Tuyết
Bén duyên với việc làm thiện nguyện từ năm 2016, chị Trương Thị Tuyết (sinh năm 1985, ở xã Quế Lộc, Nông Sơn, nay là huyện Quế Sơn) đã trao những ấm áp đến rất nhiều những gia đình, số phận khó khăn, cơ cực. Bên cạnh việc trích góp, dành dụm tiền lương cá nhân, chị còn kêu gọi, kết nối các cá nhân khắp nơi để có kinh phí tiếp sức những hoàn cảnh kém may mắn.
Tuyết trở thành tia hy vọng của những gia đình khốn khó ở huyện Nông Sơn cũ. Gần 10 năm qua, chị đã kêu gọi hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 19 nhà nhân ái, giúp các hoàn cảnh ốm đau, hoạn nạn, mai táng phí.
Mỗi mùa tết, chị Tuyết vẫn duy trì việc tặng quà cho người dân khó khăn ở miền trung du. Và bắt đầu từ năm 2021, những suất cơm trưa miễn phí được phát cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Nông Sơn mỗi tháng 2 lần với khoảng 130 suất/đợt. Vợ chồng chị Tuyết cùng một người em tự bỏ kinh phí, nấu và trao 35 suất ăn sáng vào ngày mùng 1 và rằm cho các cụ già neo đơn.
Không chỉ ở địa phương, chị Tuyết còn kêu gọi, tổ chức hơn 10 chuyến thiện nguyện đến với đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My...
Không phải bà tiên trong cổ tích, nhưng giữa cuộc đời nhiều khó khăn, tấm lòng và hành động của chị đã tiếp sức để nhiều người... sống tiếp. Cậu học sinh Huỳnh Ngọc Sơn (thị trấn Trung Phước) ở với bà nội già yếu, nay đã học xong phổ thông. Sơn vẫn nhớ những ngày chị Tuyết tặng xe đạp, bàn ghế, dụng cụ học tập và hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng. Tuyết nói, những phần việc chị làm được, làm tốt, cũng nhờ sự hỗ trợ từ nhiều người khác. Đã có thêm những bàn tay góp lại, để chị đi giúp đời.
Tuyết nói, trong mỗi người đều có mầm thiện tốt đẹp. Khi đứng trước những hoàn cảnh thương tâm, sự đồng cảm được dấy lên và thể hiện bằng hành động dù là nhỏ nhất.
“Lòng tốt, sự tử tế được lan truyền và tác động đến người khác. Khi chúng ta làm việc tốt thì nhiều người khác cùng làm việc tốt. Minh chứng là mỗi trường hợp tôi kêu gọi được rất nhiều người đóng góp, hỗ trợ, kể cả người lạ ở xa xôi với mẫu số chung là sự san sẻ, cảm thông, đùm bọc. Hay như các chương trình thiện nguyện luôn nhận được sự hỗ trợ hết lòng của gia đình, bạn bè, nhà hảo tâm về công sức, tiền của để thực hiện” - chị Tuyết nói.
Người xây mô hình nhân ái
Chị Tào Thị Mỹ Hạnh (SN 1978) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Duy Hòa (Duy Xuyên), từ lâu được mọi người nhớ tới với các hoạt động thiện nguyện. Trước cửa hàng hoa nhà mình, sáng nào chị cũng nấu sẵn một thùng sữa bí đỏ để những ai lỡ đường, những người lao động tay chân thêm chút ấm bụng. Không chỉ vậy, nhiều bữa chị nấu sữa bí đỏ, cơm, cháo mang đến phát miễn phí ở các trung tâm y tế huyện, bệnh viện các huyện lân cận.
Tào Thị Mỹ Hạnh cũng là người đã thành lập mô hình “Bếp ấm tình thương”, từ cách đây 12 năm. Năm 2024, từ căn bếp này, đã có hơn 7.500 suất cơm tình thương được phát đi, với tổng trị giá 101 triệu đồng, được trao cho bệnh nhân, người nghèo khó của Quảng Nam.
Chị Hạnh nói: “Từ ngày thành lập với vỏn vẹn 5 thành viên, nay bếp ấm tình thương thu hút hơn 40 tình nguyện viên tham gia. Họ không chỉ đóng góp công sức mà cả vật chất để lan tỏa việc làm đầy tính nhân văn này. Đồng thời nhiều nhà hảo tâm đồng hành, tài trợ kinh phí để gian bếp mãi đỏ lửa”.
Không dừng lại ở đó, chị Hạnh cũng xây dựng rất nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) để ngày càng lan tỏa tinh thần nhân ái. Từ trợ giúp mai táng, CLB tương thân tương ái, CLB máu nóng, CLB tiếp sức đến trường... Đến nay, những CLB này đều hoạt động hiệu quả và thu hút hàng trăm tình nguyện viên tham gia.
Những ngày tuổi trẻ, cái tên Tào Thị Mỹ Hạnh đã gắn với hoạt động tình nguyện. Khi là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chị tham gia các chiến dịch tình nguyện hè, hỗ trợ xóa mù chữ cho đồng bào; tham gia giảng dạy cho các em bị khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu (quận Liên Chiều) vào tối thứ 2,4,6 hàng tuần. Công việc tình nguyện, kết nối, chia sẻ yêu thương theo chị mãi đến hiện tại. “Hơn 26 năm, cuộc đời tôi gắn bó với những hoạt động cộng đồng. Trong suốt hành trình ấy, tôi luôn được chồng, con cùng các bạn thân, anh, chị, em đồng hành, chia sẻ. Mọi người cùng nhau lan tỏa tinh thần nhân ái, để cùng cộng đồng sống đẹp hơn” - chị Hạnh chia sẻ.
Khi cuộc sống ngày càng nhiều hơn những áp lực, khó khăn, liệu sự tử tế có bị khuất lấp?
Những ngày cuối năm, dư luận xã hội lại xôn xao với hàng loạt sự vụ chấn động tâm lý cộng đồng, bởi những người hành động thiếu suy nghĩ, gây hại cho người khác.
Phải chăng, cuộc sống đang ở một giai đoạn cao trào những áp lực, khó khăn, khiến con người trở nên bạo ác với nhau hơn? Hay những mầm mống tàn nhẫn ấy, đã tích tụ trong mỗi người, từ những tháng ngày bon chen và đạo đức nhân luân thiếu đi sự tử tế?
Nhiều người qua mạng xã hội đã biểu đạt rằng, khi xem đoạn phim lời khai kẻ thủ ác đã ra tay đốt quán giao lưu âm nhạc, làm 11 người thiệt mạng, họ mang cảm giác ghê tởm. Nhìn gương mặt hung thủ, thật vô cảm và hung ác.
Biểu lộ sự vô cảm trong lời nói và cử chỉ ấy, hung thủ cho thấy một bản chất độc ác, ganh ghét với cuộc sống này, một cái tâm ác và ích kỷ đến mức không thỏa hiệp được điều gì đi ngược cảm xúc của anh ta. Một hành động hung cuồng không hề có sự tính toán trước, nhưng cũng không phải bột phát bất kỳ, mà, dường như đã được đúc kết, được nén chặt từ lâu.
Hình ảnh kẻ đốt quán khiến người ta ghê sợ, thì hình ảnh từ những vụ tấn công, lao vào đấm đá người khác, của những thanh niên trên đường phố, thật cũng không sai khác là bao.
Dù hành động của những thanh niên ấy không gây hậu quả thảm khốc, song nhìn vào những động tác dứt khoát, tàn nhẫn, đánh cho người khác phải gục ngã xuống, người ta cũng liên tưởng được lập tức, bản năng độc đoán hung dữ của kẻ ra tay. Những kẻ ấy, bất chấp trước mặt là một phụ nữ trẻ không có khả năng phản kháng, hay trước cái nhìn của đứa trẻ, đều không một chút lưỡng lự xúc cảm nào.
Những sự việc như vậy, rõ ràng đang giáng mạnh một đòn vào lương tâm lý trí của mọi người. Một câu hỏi hiện ra, có phải chúng ta đang sống trong một xã hội mà kẻ ác tâm tồn tại khắp nơi? Có phải quanh chúng ta hôm nay, chỉ còn là những con người máu lạnh với nhau, bon chen giành giật, hơn thua bất chấp, dù chỉ là hơn thua một khúc đường giao thông, hay một chút sĩ diện ở quán ăn quán nhậu?
Lan tỏa năng lượng tích cực
Năm 2024, Báo Quảng Nam tổ chức cuộc thi “Lan tỏa năng lượng tích cực”. Gần trăm bài báo về tinh thần sống đẹp trong cộng đồng, những câu chuyện chạm đến trái tim với sự sẻ chia, những chân dung đặc biệt sống vì cộng đồng khắp miền đất Quảng... được lan tỏa. Đó có thể là một phụ nữ khuyết tật Trần Ngọc Thúy, với câu chuyện truyền cảm hứng sống mãnh liệt cùng nụ cười cho trẻ miền biên viễn; là chuyện cứu người của rái cá Điện Dương; là hành trình nhân ái của những người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường; những gương sáng trên mọi lĩnh vực. Kiên trì lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng, để giữ trong tim mỗi người đều có ngọn lửa của nhân ái, tử tế... (L.Q)
Nhiều người quy vào câu chuyện giáo dục xã hội từ lâu có vấn đề, nhiều người giải thích bởi hoàn cảnh cuộc sống nhiều áp lực quá nên con người manh động hơn. Và cũng nhiều người lại cho rằng, đó là hậu quả của tâm lý xã hội biến dị theo những lý luận ích kỷ - “tôi chỉ biết làm theo cách của tôi, người khác ra sao kệ họ”…
Dù ở góc độ nào, mọi người cũng lo ngại rằng, phải chăng chúng ta không còn sự tử tế, trách nhiệm tử tế với nhau?
Một nhà tâm lý học từng nhìn nhận, cuộc sống vật chất lên ngôi, con người đo nhau bằng giá trị tiền bạc, danh vọng, vị thế, thì tất yếu đạo đức nhân luân bị ảnh hưởng, hành vi con người trở nên cục súc, ích kỷ, vô tri và bạo ác. Tất cả quy kết ấy, đều là những lời cảnh báo, buộc mỗi người phải tự nhìn nhận lại - thực chất trong tâm khảm của mình, còn lại những gì.
Những lời giáo huấn của cha ông, qua lời thơ câu hát, qua những câu chuyện truyền đời có phải là đã bị xem nhẹ, bị hiểu sai lệch đi chăng? Và khi giới trẻ ngày càng thích ứng với những đoạn phim ngắn, lối sống đứt đoạn, mô tả kẻ mạnh kẻ giàu sang là lợi thế, được tôn vinh, thì tự trong mỗi gia đình, mỗi lớp học đã tồn tại hình ảnh của cái ác.
Cái tâm tử tế không còn, trách nhiệm giữa con người và cộng đồng bị xem nhẹ, thì cuộc sống không còn bình an nữa. Mọi ngõ ngách, mọi thời điểm, sẽ luôn ẩn tàng những nguy hiểm, từ những con người tưởng chừng hiền lành nhất, nhưng trong cái tâm, mầm ác đã cư ngụ tích tụ lâu rồi.
Cuộc sống này, nên chăng, hãy cần những câu chuyện khác, những lời nói khác, về những chiếc lá xanh, những tình yêu đằm thắm, và một đứa bé nào đó, nhặt được của rơi, hồn nhiên trả lại người đánh mất?
Chúng ta cần tử tế!
Không ngại điều tiếng hay khó nhọc, họ dành tấm lòng mình để giúp người...
Biệt đội SOS!
Từ “biệt đội” cứu hộ xe 0 đồng ở Hội An”, “Đội cứu hộ giao thông xuyên đêm ở Tam Kỳ”, họ được mọi người gọi là những biệt đội SOS! Những đội cứu hộ này đã hoạt động được 3 - 4 năm nay. Những tháng cuối năm 2024, câu chuyện họ kể như những làn khói ấm lan tỏa đến người nghe về sự tử tế.
Anh Lê Tuấn Anh - Đội trưởng Đội SOS Hội An - Tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn, cho biết, cả đội hơn 10 thành viên, nhưng mỗi người mỗi nghề. Sau giờ hành chính, khi có cuộc gọi cần hỗ trợ từ người dân, cả đội đều nhanh chóng đến điểm hẹn để cứu hộ, sửa chữa.
Anh Anh kể: “Hầu hết trường hợp cần hỗ trợ đều ở tình thế ngặt nghèo, hoặc là xa khu dân cư, hoặc là vào đêm khuya, khi tất cả tiệm sửa xe, gara ô tô đều đóng cửa. Lúc đó, họ mới thực sự cần tới mình nên mình phải nhiệt tình giúp họ. Có lúc, việc mình làm bị người khác nghĩ này nghĩ nọ, lợi dụng đêm khuya để làm dịch vụ lấy tiền, nhưng anh em trong đội đã xác định tư tưởng ngay từ ban đầu, chỉ cười rồi làm việc của mình. Sau mỗi vụ việc, tụi mình nhìn ánh mắt vui mừng của người được hỗ trợ, tự dưng lòng cũng vui lây, đơn giản vậy thôi”.
Thỉnh thoảng, đâu đó trên mạng xã hội, ai cũng có thể đọc được những câu chuyện tương tự về hành động hỗ trợ người tham gia giao thông như 2 nhóm SOS ở Hội An và Tam Kỳ. Bản thân chúng tôi cũng từng nhận được sự tử tế như thế. Đầu đông năm 2017, sau khi nắm thông tin và ghi lại hình ảnh của một vụ phá rừng ở khu vực Núi Chúa (xã Tam Trà, Núi Thành), chờ cho các đối tượng tập kết hết gỗ xuống suối, chúng tôi ra khỏi rừng lúc trời đã sụp tối.
Ra tới nơi thì phát hiện xe đã bị thủng lốp. Dắt bộ được một đoạn, định sẽ kiếm chỗ nghỉ qua đêm rồi mai mới chạy về Tam Kỳ, bỗng có một người đàn ông chạy tới hỏi chúng tôi xe bị gì. Rồi ông mở cốp xe, lấy đồ nghề vá lốp giúp chúng tôi, ông bảo, trong xe lúc nào cũng đủ dụng cụ, đường này vắng nên hay sửa xe giúp người ta. Chưa tới 10 phút là bánh xe no hơi, chúng tôi mừng rỡ cảm ơn rồi gửi ông tiền công nhưng ông phủi tay: “Cảm ơn thì nhận, tiền thì thôi, mấy chú chạy về cẩn thận hỉ!”.
Hành trình nhân ái
Trước tết Ất Tỵ - 2025, khắp cả tỉnh, các câu lạc bộ, nhóm hội từ thiện, nhóm bạn trẻ đã khởi động từ rất sớm bằng các hoạt động, chương trình gây quỹ hỗ trợ người nghèo, nhất là người vùng cao. Tất cả đều để làm nên một cái tết nhân ái, sẻ chia, ấm áp.
Những người thực hiện chương trình thiện nguyện “Ươm mầm hy vọng” của CLB thiện nguyện Đất Quảng yêu thương vừa đem những đồ dùng, vật dụng, đến với các hộ dân ở khu tái định cư thôn 4, xã Trà Cang (huyện Nam Trà My). Ngoài hỗ trợ chăn chiếu, áo quần… để người dân chống chọi với thời tiết lạnh giá ở vùng cao; họ còn mang theo các loại giống cây trồng tặng cho bà con. Những người thực hiện chương trình nói, những giống cây sẽ phần nào tạo sinh kế lâu bền, giúp người dân ở khu tái định cư dần ổn định cuộc sống.
Các loại cây được chọn lựa để trồng ở vùng Trà Cang là tre mạnh tông, quế. Gốc tre mạnh tông có tác dụng chống sạt lở, vừa để người dân lấy măng, cải thiện bữa ăn gia đình và tạo sinh kế. “Chúng tôi xác định, mục tiêu ưu tiên thực hiện là trồng cây, phủ xanh đồi trọc, chống sạt lở, quan trọng là tạo sinh kế bền vững cho đồng bào yếu thế ở nơi đây” - những người thực hiện chương trình chia sẻ.
Trong khi đó, CLB Từ thiện Gifts Of Love Trần Cao Vân (GOL) của Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) vừa khép lại năm 2024 với chương trình “trao sữa yêu thương” đậm tính nhân văn. Với những bạn trẻ giàu lòng ái của CLB, đây không chỉ là trao món quà nhỏ - mỗi suất 2 lốc sữa - đến những bệnh nhân, người già neo đơn, mà là sự quan tâm của cộng đồng đối với những hoàn cảnh khó khăn. Những sự sẻ chia khởi đi từ những người rất trẻ, để mong những hoàn cảnh khó được ấm lòng.
Tết này, CLB GOL tiếp tục gây quỹ bằng việc bán bao lì xì và phối hợp tổ chức giải chạy “Run to share” vào ngày 26/1/2025. Đây vừa là giải chạy rèn luyện sức khỏe, vì cộng đồng, và cũng để kết nối những tấm lòng, lan tỏa giá trị nhân văn khi người tham gia sẽ đóng góp nguồn hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Ở các trường học, những ngày cuối năm cũng là thời điểm các chi đoàn rộn ràng gây quỹ, tổ chức phát động các phong trào, chương trình mang tính chia sẻ. Trở thành hoạt động thường niên, những ngày này, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Tam Kỳ vận động sự góp sức từ cộng đồng để mang nhưng chiếc áo ấm, phần quà tết đến nhiều trường học vùng cao.
Như tên chương trình một đơn vị trường học vừa thực hiện - “đông ấm áp - xuân yêu thương”, lòng nhân ái đang lan tỏa, bắt đầu từ những người rất trẻ...
Nội dung: LÊ CHƯƠNG - PHAN VINH - PHI THÀNH - MINH TÂM - THỤY BẤT NHI - CHÂU NỮ - AN NHIÊN
Trình bày: MINH TẠO