Sửa đổi Luật Đất đai phải giải quyết các tồn đọng, vướng mắc kéo dài

VĂN PHONG 15/01/2024 16:23

(QNO) - Sáng nay 15/1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý nhiều nội dung quan trọng đối với dự án luật này.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước thảo luận tại Hội trường
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: V.P

Theo đại biểu Dương Văn Phước, trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai tồn đọng nhiều trường hợp vướng mắc lâu dài khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, không thể giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất cho người dân sao cho thấu tình đạt lý dù nhu cầu rất chính đáng.

Có thể kể đến như các trường hợp thu hồi đất, bố trí tái định cư cho các hộ dân tại vùng sạt lở trong tình thế khẩn cấp để phòng tránh bão lũ, sạt lở, đảm bảo tính mạng con người… Các cơ quan có chức năng chỉ kịp thực hiện việc di dời, bố trí đất ở mà không thể đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định dẫn đến không đầy đủ pháp lý để giao đất, cấp giấy chứng nhận.

Hoặc với trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc được xác định thuộc quỹ đất công ích tại địa phương, do sự biến động mạnh mẽ về đất đai theo thời gian cùng hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trước đây khiến hồ sơ sổ sách chênh lệch lớn so với thực địa, nhiều người dân đã sinh sống ổn định, làm nhà cửa kiên cố trên đất.

Đại biểu Dương Văn Phước khuyến nghị: “Luật Đất đai (sửa đổi) phải đồng thời đưa ra được giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các trường hợp nêu trên để lập lại trật tự về quản lý đất đai và tạo điều kiện để người dân được có đất ở, ổn định cuộc sống”.

Về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý đất đai, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị làm rõ cụm từ “tham gia ý kiến” tại khoản 2 Điều 19 để bảo đảm tính khả thi và thực chất của quy định.

Theo đó, cần cụ thể hóa giá trị pháp lý của văn bản góp ý, quy định trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu, tiếp thu hoặc phản hồi đầy đủ, nghiêm túc ý kiến tham gia của MTTQ Việt Nam. Đồng thời, đề nghị quy định Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để quy định chi tiết nội dung này.

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (tại Điều 70), đại biểu Dương Văn Phước cho rằng đây là nội dung hết sức cần thiết nhằm bảo đảm quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước của công dân, góp phần vào việc bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch của hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về tỷ lệ % tối thiểu (80%) đối tượng được lấy ý kiến (cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân khác có liên quan) thống nhất thì dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới được xem xét thông qua. Nếu không đạt tỷ lệ nêu trên thì tiếp thu ý kiến góp ý và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tiếp tục lấy ý kiến.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung danh mục dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 “các dự án tạo lập hạ tầng để khai thác quỹ đất hoặc các dự án phục vụ khai thác quỹ đất” nhằm đáp ứng chính sách về phát triển quỹ đất. Bổ sung các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất như: Quyền cho mượn quyền sử dụng đất, quyền ủy quyền thực hiện quyền sử dụng đất để đảm bảo đầy đủ các quyền của người dân với quyền sử dụng đất và quy định chi tiết về cách thức thực hiện các quyền này.

Dự kiến Quốc hội sẽ dành một ngày để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sẽ xem xét, thông qua vào ngày 18/1 đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sửa đổi Luật Đất đai phải giải quyết các tồn đọng, vướng mắc kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO